Trường Giang - chảy đi sông ơi
![]() |
Anh Trương Công Ty ở thôn Vĩnh Đại, xã Tam Hiệp, vớt những con cá còn sót trong hồ nuôi vừa chết do nhiễm nước thải từ KCN Tam Hiệp - Ảnh: H.Sơn |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Nhiều cư dân Trường Giang đang phải đối mặt với chất thải của những nhà máy này đổ ra, và Trường Giang trở thành “túi đựng” những chất độc hại đó.
Kỳ 1: Còn đâu sông bãi
Đổ thẳng ra Trường Giang
Bên con kênh thoát chất thải rộng lớn như một con kênh thủy lợi của Khu công nghiệp (KCN) Tam Hiệp (thuộc khu KTM Chu Lai) đổ ra sông Trường Giang, ông Hà Tùng Khánh - bí thư chi bộ thôn Mỹ Bình, xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành) - bức xúc trước mùi nồng nặc bốc lên từ dòng nước thải ô nhiễm: “Nước thải gây ô nhiễm không khí là nguy hiểm, nhưng nó đổ ra Trường Giang làm thiệt hại còn nguy hơn nhiều”.
Với hai kênh thoát Bắc, Nam đưa nước thải chưa qua xử lý từ các nhà máy ở KCN Tam Hiệp, đoạn Trường Giang ở khu vực này trở nên ô nhiễm chưa từng có.
Không chỉ tôm chết, ngay đến cá nuôi trong hồ cũng chết vì nhiễm độc chất thải từ KCN Tam Hiệp. Nước thải chưa qua xử lý từ các nhà máy ở KCN Tam Hiệp đổ ra còn gây chết cá tôm trên sông cũng như ở các khe, hói nhỏ kề cận.
Nhiều ngư dân ở đây cho biết thỉnh thoảng họ bắt gặp tôm cá trên sông cũng như ở những khe, hói kề bên bị ngộ độc chất thải chết nổi lềnh bềnh. Cả đến các loại tôm, cua được khoanh nuôi trong hồ tôm vào mùa mưa cũng không khỏi chết vì ngộ độc chất thải.
Về việc nạo vét Trường Giang, theo phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Dũng, Cục Bảo vệ môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên môi trường) và Viện Hải dương học Nha Trang đã xây dựng đề án chiến lược quản lý tổng hợp đới (vùng) bờ tỉnh Quảng Nam, trong đó có chương trình nạo vét luồng lạch Trường Giang hiện đang chờ phê duyệt. Song vẫn chưa biết được việc thực hiện (từng bước, khá lâu và khá tốn kém) bao giờ diễn ra. |
“Từ ngày nước thải ở kênh Bắc, kênh Nam KCN Tam Hiệp đổ thẳng ra Trường Giang, con cá con tôm dưới sông càng cạn kiệt thêm. Lưới chài hoài cũng không được, tui bó lưới treo cất trên đòn tay nhà đã mấy tháng nay”, lão ngư Võ Nghiện ở thôn Đại Phú, xã Tam Hiệp, nói buồn hiu.
Bà Bùi Thị Vinh ở thôn Đại Phú cũng như nhiều người trong vùng đều than vãn là mỗi khi lội sông về họ đều bị mẩn ngứa, gãi đến trầy da dù đã tắm rửa bằng xà phòng. Thấy khó dựa sông nước được nữa, một số ngư dân còn sức vóc đã bỏ làng đi các nơi khác lưới chài thuê hay tìm việc làm kiếm sống.
Ô nhiễm từ Tam Hiệp cũng đã lan cả đến vùng Trường Giang kề bên. Chịu hậu quả trực tiếp chính là gần 100 hộ dân ở xóm Lưới thôn Tiên Xuân 1. Bao đời sống trên ghe chài, chỉ mới được làm nhà lên bờ, cuộc sống của những người một đời cậy dựa vào sông nước này nay càng khổ sở bởi dòng sông suy kiệt.
“Phần bị nạn hồ tôm, nạn xung điện làm hại, nay lại đến nạn ô nhiễm chất thải công nghiệp, dân xóm Lưới, bây giờ kiếm cái sống khó khăn quá”, bí thư chi bộ thôn Tiên Xuân 1 Trần Tiến Phương - cũng là một ngư dân - nói.
Theo bí thư Phương, việc nạo sâu luồng lạch Trường Giang từ cảng Kỳ Hà đến Tam Hiệp để làm hậu cần cảng Tam Hiệp cũng ảnh hưởng không ít đến môi sinh Trường Giang. Không kể việc đào vét làm nước sông ngầu đục lan rộng ra, khi công trình hoàn thành, cả một vùng Trường Giang ở các xã Tam Quang, Tam Hải, Tam Giang, Tam Hiệp vốn là một ngư trường lớn đối với dân chài trong khu vực sẽ biến thành luồng lạch sâu, mất đi chỗ cậy dựa của người dân chài nghèo khó.
Sao nỡ phá hại dòng sông?
Một cán bộ chuyên trách thủy sản xã Tam Tiến (huyện Núi Thành) nói rằng không ai nghĩ Trường Giang nhanh bị bồi cạn như vậy. Đoạn sông ở cầu Tam Tiến trước đây nước sâu gần 5m nhưng bây giờ chỉ còn 1m.
Sông lấp, ghe thuyền đi lại khó khăn. Không chỉ người nuôi tôm khổ vì sông bị bóp nhỏ, bị bồi lấp do chính họ gây nên, hàng trăm cư dân trong vùng đã rất khốn khổ khi đưa thuyền đánh cá biển của mình theo hai cửa biển vào neo đậu ở Trường Giang vào mùa mưa bão hằng năm.
“Qui hoạch lại hồ tôm, trả một phần dòng thích đáng lại cho sông, phải đổi thay, điều chỉnh lại cách nuôi chính là yêu cầu bức thiết để cứu sông, cứu người nuôi tôm ở Trường Giang”, ý kiến của chủ tịch UBND xã Tam Tiến Lữ Đình Vân cũng giống hầu hết ý kiến của lãnh đạo các địa phương dọc Trường Giang.
Trường Giang sẽ không “sống” được khi người ta còn dùng xung điện. Coi việc dùng xung điện khai thác cá tôm là nguy cơ hàng đầu làm cạn kiệt nguồn thủy sản vốn đã suy giảm ở các sông hồ, đặc biệt là Trường Giang, thời gian qua Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Nam (nay là Thanh tra thủy sản, thuộc Sở thủy sản tỉnh) cũng như chính quyền các xã dọc Trường Giang đã thường tổ chức những đợt truy quét trên Trường Giang.
Thế nhưng “Thấy họ phần mang nợ vì hồ tôm, phần vì không ruộng đất, chỉ dựa vào sông nước, mình không nỡ làm mạnh với họ”, nhiều viên chức địa phương nêu khó khăn trong việc làm mạnh tay với người dùng xung điện.
Dòng sông đem lại cho cư dân cơm áo, lẽ nào chính cư dân lại đi phá hại dòng sông? “Bộ phận thanh tra thủy sản chúng tôi chỉ có ba người, sông nước Trường Giang dài rộng như thế làm sao có thể quán xuyến, mở cuộc truy quét thường xuyên được. Muốn sớm dẹp bỏ được tệ nạn này cần phải có sự tham gia của chính quyền, đoàn thể và người dân của các địa phương dọc Trường Giang”, ông Ngô Văn Định - chánh thanh tra Sở Thủy sản tỉnh Quảng Nam - cho biết.
Theo ông, một trong những biện pháp tích cực đang được ngành chức năng ưu tiên thực hiện là tăng cường hơn nữa giáo dục, vận động cư dân tham gia chống dùng xung điện để bảo vệ nguồn lợi của dòng sông, và để Trường Giang chảy thơ mộng mà mang lại nhiều tiềm năng kinh tế lớn như trước.
Trong mắt nhìn của nhà sử học Larry Berman, cái làm ông khao khát tìm hiểu không chỉ là cuộc đời "không thể tin được" của nhà báo - nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn. Điều làm vị giáo sư Mỹ quan tâm hơn, cái ông đã "nhìn" ra là "tính nhân bản vô cùng tận" của con người Phạm Xuân Ẩn. Hai cuộc đời hoàn hảo trong một cuộc đời hoàn hảo. Một câu chuyện lạ lùng vừa được Larry Berman kể lại trong cuốn sách mới nhất viết về VN và cuộc chiến tranh không xa lạ với người Mỹ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận