30/05/2020 08:25 GMT+7

Từ yêu cầu của HLV Park Hang Seo nhìn sang bóng đá Anh

TRẦN UY (từ Anh)
TRẦN UY (từ Anh)

TTO - Nhân dư luận tại Việt Nam đang bàn tán về việc các đội bóng ở V-League dùng nhiều tiền đạo ngoại, thử nhìn sang Giải ngoại hạng Anh (Premier League), nơi mà hiện tượng cầu thủ ngoại lấn lướt cầu thủ nội còn phổ biến hơn.

Từ yêu cầu của HLV Park Hang Seo nhìn sang bóng đá Anh - Ảnh 1.

Tiền đạo Harry Kane, một trong những tiền đạo người Anh đẳng cấp tại Premier League - Ảnh: REUTERS

Nếu ở Việt Nam, các CLB thường sử dụng tiền đạo ngoại để đảm bảo chuyện săn bàn. Điều này ít nhiều dẫn đến chuyện bóng đá Việt Nam thiếu tiền đạo nội khiến HLV Park Hang Seo phải "yêu cầu các CLB tạo cơ hội ra sân nhiều hơn cho các chân sút nội và các cầu thủ trẻ".

Ở Anh, nơi cầu thủ ngoại chiếm đến 64% nên hầu hết các cầu thủ nội đều "khó sống" chứ không riêng gì tiền đạo. Nhưng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc "xâm nhập" của cầu thủ nước ngoài vào bóng đá Anh là tuyến tiền vệ rồi mới đến tiền đạo.

Cụ thể, trong số 10 tiền vệ sáng tạo hay nhất của bóng đá Anh hiện nay, có tới 8 - 9 cầu thủ không phải người Anh.

Nhìn lại lịch sử, bóng đá Anh cũng không sản sinh ra nhiều tiền vệ sáng tạo. Hiện tượng này có thể được lý giải ở nhiều góc độ.

Khi mới ra đời vào nửa cuối thế kỉ 19, bóng đá là môn thể thao của tầng lớp lao động. Trên sân bóng, không có chỗ cho sự yếu đuối. Các cầu thủ phải thi đấu như những chiến binh dũng cảm. Khán giả muốn cầu thủ phải thực sự đổ mồ hôi, nước mắt và kể cả máu nếu cần. Quan điểm này được duy trì trong một thời gian dài.

Vào những năm 1980, khi những cầu thủ nước ngoài bắt đầu xuất hiện tại Premier League, họ đã miêu tả các cầu thủ Anh vào bóng như là trong môn rugby. Cầu thủ người Pháp Robert Pires đã phải mất 6 tháng để làm quen với chúng.

Hậu quả là không có nhiều chỗ cho những cầu thủ có thiên hướng chơi kỹ thuật, thay vào đó là nhiều ca chấn thương nặng và vô số lỗi. Sau này khi xem lại trận chung kết Cúp FA 1970 giữa Leeds United và Chelsea, trọng tài David Elleray kết luận rằng, nếu áp dụng luật hiện nay, trận đấu đó sẽ có 20 thẻ vàng và 6 thẻ đỏ.

Ở Anh, có mưa hoặc tuyết trong phần lớn thời gian của năm. Nhiều sân cỏ trở thành những bãi bùn, lầy lội và mấp mô. Trong điều kiện sân bãi như vậy, cách chơi hiệu quả nhất là chuyền bóng dài. Đó là nguồn gốc của lối chơi "kick and rush" (đá và chạy).

Các cầu thủ cao lớn sẽ có lợi thế trong khống chế bóng và ghi bàn bằng đầu. Ở Anh cũng hầu như không có khái niệm bóng đá đường phố. Trong khi ở các nước có lối chơi latinh, bóng đá đường phố rất phổ biến.

Đặc điểm của bóng đá đường phố là không gian hẹp, đòi hỏi người chơi phát triển kỹ năng xoay sở trong trong đám đông, lắt léo, chuyền bóng ngắn và sệt ...

Ngày nay, với các sân cỏ chất lượng cao và các sân được trải thảm turf, các trung tâm đào tại tại Anh đã đưa vào chương trình đào tạo những bài tập trong không gian hẹp.

Từ yêu cầu của HLV Park Hang Seo nhìn sang bóng đá Anh - Ảnh 2.

Kevin De Bruyne - một trong những tiền vệ sáng tạo người nước ngoài hay nhất Premier League - Ảnh: REUTERS

Các lò đào tạo của Anh đã trình làng một số tên tuổi như Alex Oxlade-Chamberlain, Ross Barkley, James Maddison, Mason Mount, Dele Alli, Phil Phoden ... Đây đều là những cầu thủ đầy triển vọng.

Các đội bóng nước ngoài, các HLV và cầu thủ nước ngoài đến Anh thi đấu tạo cảm hứng cho các thay đổi lớn.

Khi đang diễn ra VCK Euro 96, Ruud Gullit trong trường quay của Hãng tin Anh BBC đã nói: "Thứ bóng đá quyến rũ nhất là khi nó sáng tạo, khi các cầu thủ được chơi với trí tưởng tượng bay bổng và bản năng kỹ thuật tự nhiên của họ".

Người dẫn chương trình nổi tiếng khi đó Des Lynam, được miêu tả lại là "sửng sốt" vì trong suốt 35 năm bình luận bóng đá, ông "chưa bao giờ được nghe nói như vậy ".

Sự cọ xát với trường phái bóng đá latinh đã khiến cho nhiều HLV Anh dần từ bỏ lối chơi "kick and rush". Brian Clough, người đã dẫn dắt Nottingham Forest tới thành công ở Cúp Châu Âu 1979 và 1980, đã nói: "Nếu như thượng đế muốn chúng ta chơi bóng ở trên trời, thì Người đã để cho cỏ mọc ở trên đó rồi ".

Nhưng chỉ khi các HLV và các cầu thủ nước ngoài xuất hiện ở Premier League thì sự thay đổi mới đến thực sự. Những cái tên như Gerrard Houllier, Arsen Wenger, Jose Mourrinho ... Và sau này là Pep Guardiola hay Jurgen Klopp... cùng với các cầu thủ xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới đã làm cho bóng đá Anh trở nên linh hoạt, mềm mại và hấp dẫn.

Trong số đó, có nhiều tiền vệ sáng tạo, nằm trong tốp những cầu thủ đắt giá nhất của giải đấu.

Từ yêu cầu của HLV Park Hang Seo nhìn sang bóng đá Anh - Ảnh 3.

Delli Alli là 1 trong những tiền vệ sáng tạo hiếm hoi mà bóng đá Anh đang có - Ảnh: REUTERS

Premier League là giải đấu hấp dẫn nhất và cũng là giải đấu giàu có nhất hành tinh. Riêng bản quyền truyền hình của giai đoạn 2016 - 2019 là 5 tỷ bảng.

Để duy trì độ hấp dẫn và chất lượng giải đấu, những khoản tiền khổng lồ tiếp tục được chi ra để mang về những cầu thủ giỏi nhất thế giới.

Năm ngoái, số tiền chuyển nhượng cầu thủ của Premier League là 1,41 tỷ bảng, xấp xỉ con số kỷ lục 1,43 tỷ bảng của năm 2017. Hiện số lượng cầu thủ nước ngoài chơi bóng tại Premier League chiếm hơn 64%.

Với việc nước Anh ra khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit), số lượng các cầu thủ nước ngoài đến Anh thi đấu sẽ được kiểm soát chặt hơn. Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) muốn giới hạn số lượng cầu thủ nước ngoài tại Premier League để tạo thêm cơ hội cho các cầu thủ từ các lò đào tạo của Anh.

Qua đó, bóng đá Anh nói chung và đội tuyển quốc gia sẽ được hưởng lợi. Premier League phản đối việc này, với lý do các đội bóng Anh sẽ thua thiệt so với các đối thủ Châu Âu. Đương nhiên sức hấp dẫn của giải đấu cũng sẽ bị ảnh hưởng và kéo theo là sụt giảm nguồn lợi tài chính.

Ở góc độ CLB, những phản ứng là không giống nhau. Dường như các CLB lớn, có nhiều cầu thủ ngoại, không thích thú lắm với việc cắt giảm số lượng cầu thủ nước ngoài.

Jurgen Klopp - HLV Liverpool nói : "Brexit thật là vô lý". Nhưng CLB nhỏ hơn thì ngược lại và Neil Manock - người từng là HLV Cardiff City cho rằng, Brexit sẽ tốt hơn cho bóng đá Anh.

Bóng đá Anh, chuyện giả tưởng mùa COVID-19 Bóng đá Anh, chuyện giả tưởng mùa COVID-19

TTO - Hôm nay, ngày 12-4, tức một tháng thế giới "không có bóng đá" vì đại dịch COVID-19. Hãy cùng Tuổi Trẻ Online đi trên "chuyến tàu thời gian giả tưởng" đến thăm những sự kiện có thể sẽ xảy ra nếu đại dịch COVID-19 không đến…

TRẦN UY (từ Anh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên