18/11/2024 13:19 GMT+7

Từ vụ phó chủ tịch huyện cho con 600 công đất, hiểu thế nào là của hồi môn?

Của hồi môn là phong tục cổ xưa, phổ biến. Tùy mỗi nền văn hóa mà thuật ngữ của hồi môn được hiểu khác nhau, nhưng cần thận trọng trong việc tặng của hồi môn kẻo mang tiếng là khoe giàu.

Như tin đã đưa, chuyện một số ba mẹ cho con của hồi môn "khủng" trong ngày cưới thời gian gần đây khơi lên nhiều ý kiến từ bạn đọc.

Mới đây nhất là câu chuyện lan truyền clip phó chủ tịch huyện Giang Thành, Kiên Giang cho con gái 600 công đất (tương đương 90 tỉ đồng) trong ngày đám cưới gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên sau đó phó chủ tịch UBND huyện cho rằng vợ ông “nói nhầm”.

Nhằm góp thêm góc nhìn, sau đây là chia sẻ của dịch giả - nhà nghiên cứu Vương Trung Hiếu xung quanh chuyện thế nào là của hồi môn đúng nghĩa hay chỉ là cách khoe giàu.

Xuất xứ "của hồi môn"

Thỉnh thoảng cư dân mạng lại dậy sóng trước những cuộc hôn nhân thuộc loại "khủng", chẳng hạn như cha mẹ hứa tặng 1.000 cây vàng hoặc 900 công đất cho con gái mình làm của hồi môn.

Việc tặng nhiều vàng và đất như vậy có phải là của hồi môn đúng nghĩa hay chỉ là cách khoe giàu?

Trước tiên, thử tìm hiểu thuật ngữ này.

"Của hồi môn" là cụm từ dịch từ thuật ngữ "la dot" trong tiếng Pháp, đã từng được ghi nhận trong quyển Cours élémentaire d'annamite của Alfred Bouchet - 1912 (tr.253).

Theo Hoàng Phê, "hồi môn" có nghĩa là tiền của mà người con gái được cha mẹ cho để mang theo khi đi lấy chồng (Từ điển tiếng Việt - 1988, tr.482).

Tuy nhiên đây chỉ là cách nói gọn của cụm từ "của hồi môn" mà thôi, bởi ngoài nghĩa này, "hồi môn" (回門) còn chỉ việc "sau khi kết hôn, hai vợ chồng trở về nhà cha mẹ cô dâu, bái kiến song thân" chứ không liên quan gì đến tiền của.

Ngày xưa của hồi môn thường được hiểu là tiền, quần áo, đồ đạc và các vật dụng khác mà cha mẹ cô dâu tặng cho con gái mình, sau đó cô dâu mang sang nhà chồng trong ngày cưới. Khái niệm này ngược lại với "sính lễ đính hôn", là những vật mà nhà trai tặng cho cô dâu.

Tùy theo mỗi nền văn hóa mà thuật ngữ của hồi môn được hiểu khác nhau.

Phong tục của hồi môn có từ khi nào?

Của hồi môn là phong tục cổ xưa, phổ biến rộng khắp thế giới, chúng có niên đại sớm hơn rất nhiều so với những ghi chép hiện có.

Của hồi môn đã từng xuất hiện trong Bộ luật Hammurabi (Codex Hammurabi) ở Babylon thời cổ đại, khoảng thập niên 1760 TCN. Ở Hy Lạp cổ đại, nghi thức tặng của hồi môn xuất hiện khoảng thế kỷ thứ 5 TCN; người La Mã cổ đại cũng có nghi thức này.

Ở phương Tây, việc trao của hồi môn cho phụ nữ nghèo được coi là một hình thức từ thiện của những giáo dân giàu có. Thánh Elizabeth của Bồ Đào Nha và Thánh Martin Boris của Peru đã ghi lại chi tiết về của hồi môn mà giáo dân đưa ra.

Có truyền thuyết cho rằng Thánh Nicholas là người đã bỏ những đồng tiền vàng vào chiếc tất của ba chị em nghèo để họ có của hồi môn đi lấy chồng.

Vào thời Xuân Thu (771 đến 476 TCN), người Trung Quốc đã có nghi thức của hồi môn, song họ không dùng từ "của hồi môn" mà gọi là "giá trang" (giá là lấy chồng; trang là quần áo, đồ trang sức, đồ dùng cô dâu mang theo về nhà chồng).

Ngày xưa, của hồi môn không chỉ là tiền, vàng, vật dụng... mà bao gồm kẻ nô lệ và người hầu đi theo cô dâu nếu cô dâu thuộc tầng lớp giàu có.

Của hồi môn dùng để làm gì?

Ban đầu của hồi môn là vật chất để cha mẹ cô dâu hỗ trợ cho con mình và chú rể chuẩn bị xây dựng gia đình riêng. Ngoài ra, đây còn là cách giúp người nữ không bị nhà chồng coi thường, đối xử tệ bạc và cũng là cách khuyến khích người chồng đối xử tốt với vợ.

Ngày xưa, tùy theo điều kiện gia đình mà cha mẹ cô dâu tặng của hồi môn cho con gái mình. Họ có thể liệt kê của hồi môn cụ thể trên giấy đỏ hoặc vải lụa.

Nội dung danh sách này có thể chia thành nhiều hạng mục, chẳng hạn như đồ mộc (đồ nội thất bằng gỗ: tủ, bàn, ghế, giường...); vải (quần áo, mùng mền...); đồ trang sức (dây chuyền, nhẫn, kẹp tóc...).

Ngoài ra của hồi môn còn bao gồm tiền mặt, đất đai, nhà, xe và những vật dụng khác.

Ở Trung Quốc, vào thời nhà Tống, trước khi con gái về nhà chồng, cha mẹ cô ấy sẽ lập danh mục của hồi môn tổng cộng bao nhiêu món, chú rể tương lai và cô gái sẽ ký tên vào danh sách này.

Sau này nếu hai vợ chồng ly hôn, người nữ có quyền mang mọi thứ ghi trong danh mục về nhà cha mẹ ruột.

Nhìn chung kể từ thời nhà Tống, của hồi môn là tài sản riêng của người nữ đã có gia đình, được pháp luật các triều đại bảo vệ, gia đình bên chồng không có quyền can thiệp vào và không ai trong nhà chồng được chiếm đoạt của hồi môn vì bất cứ lý do gì.

Sau khi người vợ chết, chỉ có con ruột mới được quyển thừa kế của hồi môn; nếu người vợ không có con thì gia đình ruột thịt mới có thể lấy lại của hồi môn.

Ngày nay, ở Hàn Quốc, khi nói về của hồi môn là nói việc gia đình người nam chịu trách nhiệm mua nhà, còn gia đình nữ thì lo mua đồ đạc trong nhà.

Đối với người Nhật, lễ vật đính hôn do nhà trai đảm nhiệm, còn nhà gái lo toàn bộ của hồi môn. Song những năm gần đây, phong tục của hồi môn đã dần mai một, chỉ còn mang tính nghi lễ ở đất nước này.

Tặng của hồi môn không khéo thành khoe giàu

Ở Việt Nam và một số nước khác, việc tặng cô dâu quá nhiều vàng và đất để làm của hồi môn không phải là chuyện lạ.

Nếu là dân thường thì cần thận trọng trong việc tặng của hồi môn, kẻo mang tiếng là khoe giàu, miệng đời dị nghị. Nếu vua chúa năm xưa thì khác, việc tặng cả vùng đất rộng lớn chắc rằng không để khoe giàu mà có thể mang màu sắc chính trị trong đó.

Ngày xưa, khi vua Charles II của nước Anh kết hôn với công chúa Catherine của Bồ Đào Nha, hoàng gia Bồ Đào Nha đã trao cả vùng Bombay (Ấn Độ) và Tangier (Morocco) cho hoàng gia Anh để làm của hồi môn cho công chúa.

Ngày nay Việt Nam cũng như nhiều nước khác ở châu Á, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka…, việc tặng của hồi môn vẫn còn là phong tục phổ biến.

Song khái niệm của hồi môn mở rộng hơn, đó không chỉ là tài sản do cha mẹ nhà gái tặng cô dâu, mà còn do gia đình chồng và bà con hai họ tặng cô dâu - chú rể, hoặc là quà tặng giữa vợ chồng.

Nhất là với cha mẹ là những quan chức nhà nước, việc tặng của hồi môn "khủng" thì không chỉ bị mang tiếng là khoe giàu, mà còn bị dư luận đặt vấn đề là của ấy từ đâu ra mà có.

Từ vụ phó chủ tịch huyện cho con 600 công đất: Hiểu thế nào là 'của hồi môn'? - Ảnh 3.Thực hư 'anh trai nhà người ta' tặng em gái của hồi môn chục tỉ

'Anh trai nhà người ta' khiến cộng đồng mạng xôn xao khi tặng quà cưới cho em trai 5 sổ đỏ, 5 cây vàng cùng 500 triệu tiền mặt và hàng loạt trang sức giá trị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên