Theo quy định, trong một công trình kiến trúc, để được đứng tên chủ trì thiết kế kiến trúc hoặc kết cấu, bất kỳ một kiến trúc sư hay một kỹ sư nào cần phải có chứng chỉ hành nghề tư vấn thiết kế và chứng chỉ này cũng là một điều kiện trong việc thành lập một doanh nghiệp có chức năng tư vấn thiết kế kiến trúc.
Nhưng trong thực tế, có thể nói chứng chỉ này (cùng với chứng chỉ hành nghề giám sát) hoàn toàn không có tác dụng, thực chất chứng chỉ này là một “giấy phép con” của hai bằng cấp: kiến trúc sư và kỹ sư. Bởi vì bất cứ một người có bằng kiến trúc sư hay kỹ sư được đào tạo từ một trường kiến trúc hay trường đại học kỹ thuật đều có khả năng thiết kế, quản lý kỹ thuật, chủ trì bất kỳ công trình kiến trúc nào, còn công trình đó lớn hay nhỏ tùy thuộc vào khả năng và kinh nghiệm của từng người.
Hàng loạt công trình vừa xây xong đã xuống cấp, hư hỏng, bất hợp lý trong thiết kế, hoặc xây xong sử dụng khó khăn là một minh chứng rõ ràng nhất cho sự vô tác dụng của chứng chỉ này, nhưng đến nay chỉ có vụ hầm chui Văn Thánh là thiết kế bị xử lý, còn hàng loạt công trình thiết kế sai, thiết kế cẩu thả, thiết kế từ xa, thiết kế không thực tế chưa bị xử lý.
Có lẽ do chúng ta chỉ qui định người chủ trì thiết kế cần có chứng chỉ hành nghề thiết kế mà không qui định người đứng tên chủ trì thiết kế phải chịu hoàn toàn hay một phần trách nhiệm khi công trình có sai sót hoặc sự cố do thiết kế gây ra. Có chứng chỉ hành nghề thì có công ăn việc làm, lại tránh được trách nhiệm, nên nảy sinh việc mua bán chứng chỉ thiết kế, hàng loạt công ty tư vấn thiết kế ra đời. Các công ty này chỉ cần một người có chứng chỉ hành nghề thiết kế là có thể thoải mái đóng dấu lên bất kỳ bản vẽ kiến trúc hoặc xây dựng nào nhằm lấy tiền hoa hồng.
Gần đây, trước một loạt sự cố các công trình xây dựng chưa xây xong hay vừa xây xong đã xuống cấp, Bộ Xây dựng lại ban hành một chứng chỉ mới là chứng chỉ hành nghề giám sát thi công, bắt buộc cần phải có đối với những người tham gia giám sát thi công các công trình xây dựng. Có thể nói, cũng giống như chứng chỉ hành nghề thiết kế, chứng chỉ này cũng hoàn toàn không có tác dụng thực tế.
Tại sao chúng ta không ban hành một quy chế giám sát thi công, trong đó quy định rõ trách nhiệm của người giám sát thi công trong việc xây dựng sai thiết kế, xây dựng cẩu thả trong các công trình xây dựng hơn là chúng ta tổ chức học để cấp chứng chỉ giám sát? Thử tưởng tượng tất cả kiến trúc sư, kỹ sư đang hành nghề xây dựng trong xã hội, nhiều người đã hành nghề vài chục năm, có không ít người đã từng thiết kế, giám sát, thi công những công trình lớn và rất lớn, phải dừng công việc, bỏ ra một tháng đi học để lấy chứng chỉ hành nghề giám sát thì sẽ gây ra một sự lãng phí biết chừng nào!
Để chống thất thoát và những công trình kém chất lượng, cách hiệu quả nhất là chúng ta ban hành một qui chế xây dựng mà trong đó qui định rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan (ai ký người đó chịu trách nhiệm). Có những qui định rõ ràng như vậy chúng ta mới có thể ngăn chặn được sự thỏa hiệp, thông đồng giữa thiết kế, giám sát, thi công trong việc rút ruột công trình.
Chúng ta cần có những chính sách thoáng hơn để huy động mọi tầng lớp nhân dân đóng góp công sức và tiền bạc của mình vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thay vì đặt ra những rào cản không cần thiết, tăng cường năng lực quản lý để theo kịp sự phát triển, đừng vì quản lý không được một số doanh nghiệp làm ăn không chân chính mà đẩy thêm những khó khăn cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận