Phóng to |
Phút văn nghệ hiếm hoi của người đất liền với chiến sĩ Trường Sa - Ảnh: Q.L. |
Rau xanh chiến lược, nước như... máu!
Vườn rau của đảo Đá Đông nằm cheo leo giữa mênh mông biển nước trông như một nhà sàn trên biển. Vườn chênh vênh. Mỗi lần chỉ có thể đón một lượng khách vừa phải để bảo đảm an toàn sau khi khách phải vượt qua chiếc cầu khỉ biển khơi.
Một màu xanh đầy sức sống vươn lên trong nắng biển. Đảo chìm nên đất trồng rau phải chở ra từ đất liền, được nâng niu trong những chiếc bồn nhỏ, quây lại bằng hàng rào tre đã được đập dập để cản bớt những cơn gió biển đầy muối.
Loại rau được chuộng nhất tại các đảo vẫn là rau muống gieo hạt, kế đến là cải bẹ xanh, mồng tơi... Thú vị hơn, có cả một số loại rau thơm, sả cây và cả... lá mơ để “ăn với thịt chó”.
Nước dùng trong sinh hoạt hằng ngày đã thiếu, nói chi nước tưới rau. Thường thì mỗi lần tắm giặt, các chiến sĩ phải chắt chiu lại từng giọt nước “đã qua sử dụng” vào những chiếc thùng dành để tưới rau.
Trong các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chỉ có Trường Sa Lớn và Song Tử Tây là hai đảo nổi có được nguồn nước lợ từ các giếng đào. Phần lớn nước ngọt có được tại các đảo hiện nay là nước mưa để dành. Đã là lính đảo không ai không thuộc nằm lòng khẩu hiệu “nước là máu” được ghi bằng sơn đỏ tươi trên những bồn chứa nước.
Hiện nay, nguồn nước ngọt có khá hơn khi được chi viện thường hơn từ đất liền, tùy đảo mà tiêu chuẩn mỗi người có thể từ 12-20 lít/ngày. Đảo trưởng Trường Sa Đông - thiếu tá Đặng Như Oanh cho biết: “Khó khăn còn đó nhưng những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của anh em như truyền hình, nước ngọt, rau ăn đã khá hơn trước đây nhiều lắm”.
Văn công... của báu, thư quý hơn... vàng
Phóng to |
Những mầm bí lớn lên từ giọt nước chắt mót từng ngày ở đảo Trường Sa Đông - Ảnh: Q.L. |
Có một câu mà lính đảo vẫn thường nói đùa với nhau: “Thủ trưởng ra rất quý còn văn công đến rất yêu”. Chỗ nào cũng có thể trở thành điểm sinh hoạt văn nghệ mỗi khi văn công đến đảo.
Ở đảo hiện đã có tivi xem được kênh VTV1, VTV3, có đầu đĩa, có nơi còn có cả dàn karaoke. Một đêm văn nghệ ấm cúng đã diễn ra trên đảo Trường Sa Lớn, hoa tặng cho những ca sĩ nghiệp dư của đội thanh niên xung kích TP.HCM là những cành ngồng cải (hoa cải) đang lên xanh.
Hết Minh Hiền, Ngọc Thúy, Oanh rồi Tống Trang, Thùy Trang được yêu cầu hát. Những giai điệu đã quá quen thuộc sao hôm nay bỗng nghe thật lạ, thật mới trong gió biển đang lồng lộng thổi.
Ngay đầu giường, dưới chiếu ngủ của mỗi người lính thường có chiếc bao nilông đựng thư nhà, phong bì và giấy viết thư. Những lá thư được đọc thuộc đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Quà mang về đất liền của khách ghé đảo luôn là những cánh thư chở biết bao tình cảm mà các chiến sĩ nhờ gửi về quê cho bạn, cho gia đình.
“Biết có đoàn ra nên đã tranh thủ viết luôn bốn lá thư trong đêm qua” - Hải (đảo Phan Vinh) vừa nói vừa đưa xấp thư nhờ chúng tôi mang về đất liền gửi hộ. “Nghe nói Trường Sa Lớn giờ có Internet rồi nhưng phải ưu tiên phục vụ cho công tác, giá mà đảo nào cũng được vào mạng thì Trường Sa đâu có xa nhỉ?!”, một chiến sĩ đã tâm tình như một ước mơ như thế lúc chia tay...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận