22/01/2005 09:00 GMT+7

Từ Qrio Nhật đến robot VN

   KHIẾT HƯNG
   KHIẾT HƯNG

TT - Ngày 22-1, một thành tựu trong ngành chế tạo người máy (robot) của Nhật Bản là robot Qrio của Hãng Sony sẽ có mặt tại VN. Trong khi đó, sinh viên VN là những người từng hai lần đăng quang ngôi vô địch cuộc thi sáng tạo robot (Robocon) khu vực châu Á - Thái Bình dương vào các năm 2002 và 2004. Đã đến lúc nghĩ đến tương lai sáng sủa cho ngành chế tạo robot tại VN.

5MQpvTzD.jpgPhóng to
Robot Qrio của Nhật

Robot - sứ giả công nghệ

Nếu Asimo là robot đầu tiên trên thế giới giải quyết được vấn đề thăng bằng khi di chuyển thì Qrio được xem là robot đầu tiên biết chạy. Năm 2004, khi Asimo tới VN, “cậu bé” người máy này (cao 1,2m, nặng 52kg) được rất nhiều bạn trẻ đón chào. Khác với Asimo, Qrio nhỏ hơn, chỉ cao 58cm. Các chuyên gia của Sony rất hài lòng với chú người máy này vì nó có khả năng chạy, tức là có thời điểm nhấc cả hai chân khỏi mặt đất, một trong những công nghệ rất khó trong việc chế tạo robot. Không những thế, Qrio từng chỉ huy một dàn nhạc biểu diễn trước hàng chục nghìn trẻ em tại thủ đô Tokyo của Nhật.

GS-TS Nguyễn Thiện Phúc cho rằng VN rất nên đi theo hướng đầu tư vào robot dịch vụ bởi nhu cầu sử dụng robot dịch vụ rất tiềm tàng và khả năng của các chuyên gia có thể đáp ứng được.

Sau những thành tựu vượt bậc về robot công nghiệp, đến nay Nhật đã tiến vào lĩnh vực chế tạo robot dịch vụ, đặc biệt là robot giống người nhằm phục vụ cuộc sống của một số lượng khá lớn người già tại Nhật. Tuy nhiên, bên cạnh mục đích này, còn có mục đích khác là biến những chú robot này thành sứ giả công nghệ, quảng bá sức mạnh công nghệ của một quốc gia để qua đó thu hút ngày một nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư.

Robot nào cho VN?

Từ những năm 1980, các nhà khoa học VN đã tiếp cận với việc nghiên cứu chế tạo robot. Đến nay, nhiều đề tài nghiên cứu đã được thực hiện thành công như đề tài nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tay máy, người máy trong bảo hộ lao động, ứng dụng người máy công nghiệp trong kỹ thuật bốc xếp vận chuyển ở phân xưởng công nghiệp, nghiên cứu ứng dụng robot trong công nghệ bề mặt, chế tạo robot phục vụ gia công cơ khí, chế tạo robot gắp sản phẩm cho khuôn ép... Tất cả các đề tài này đều nhằm mục đích chế tạo robot thay thế công việc của con người trong các dây chuyền sản xuất của các ngành công nghiệp như ôtô, thép, đóng tàu, điện tử...

3quYxo7T.jpgPhóng to
Robot "chữ thập đỏ" một loại robot có thể tự di chuyển theo hành trình ấn định trước

GS-TSKH Nguyễn Thiện Phúc, chủ tịch Hội Khoa học công nghệ robot VN, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật tự động hóa (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho biết đạt được những thành công nói trên một phần do VN đã định hướng chế tạo robot công nghiệp làm chủ đạo. Tuy nhiên, khác với trước đây, ngành chế tạo robot đang có những thay đổi nhất định để chuyển từ tư duy dùng robot đa năng trong công nghiệp sang robot chuyên môn hóa.

Với sự thay đổi này, các robot sẽ chỉ làm một công việc nhất định nên việc đầu tư sẽ giảm đi. Bù lại, những thế hệ robot mới sẽ thông minh hơn, có thể tự xử lý những tình huống phức tạp phát sinh trong quá trình làm việc.

VN có robot dịch vụ?

Từ nhiều năm nay Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật tự động hóa đã chế tạo robot dịch vụ và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Robocar là một ví dụ. Các nhà khoa học của trung tâm đã chế tạo thành công loại robot có thể tự động di chuyển theo hành trình định trước, tự động đi men theo tường chắn, hoặc tự động di chuyển theo mục tiêu có màu sắc chọn trước, đồng thời biết xử lý khi gặp chướng ngại vật. Ông Phúc cho hay loại robot này có thể thay thế con người để giải quyết công việc trong những khu vực nguy hiểm như phun hóa chất trong vùng dịch bệnh, bưng bê trong vùng có nhiễm xạ...

vTkYAYRJ.jpgPhóng to
Robot hướng dẫn viên của VN vừa được nghiên cứu thành công
Một loại robocar đơn giản nhưng rất ý nghĩa khác mà nhóm nghiên cứu của trung tâm đã chế tạo thành công là xe lăn tự động phục vụ thương bệnh binh, người tàn tật, người ốm đau, già cả. Loại robocar này cũng được gắn thêm một hệ thống phát hiện và xử lý chướng ngại vật gặp phải trên đường đi. Đối với hướng nghiên cứu chế tạo robot giống người, trung tâm đã chế tạo thành công robot hướng dẫn viên phục vụ tại các phòng triển lãm, phòng trưng bày.

Loại robot này có thể đón khách tham quan ở cửa ra vào, chào hỏi và giới thiệu (thông qua màn hình máy tính gắn trên thân mình) về sơ đồ bố trí các cụm hiện vật trong phòng triển lãm. Robot hướng dẫn viên cũng có thể hướng dẫn khách tới nơi tham quan, thuyết minh cho khách về các hiện vật trưng bày... Ngoài ra, trung tâm còn giới thiệu loại “robot cảnh vệ” và “robocar địa hình”. Tuy nhiên, do kinh phí chế tạo các loại robot khá cao nên trung tâm chỉ chế tạo khi có đơn đặt hàng.

GS-TSKH Nguyễn Xuân Quỳnh, chủ nhiệm chương trình khoa học công nghệ tự động hóa, khẳng định các kết quả nghiên cứu chế tạo robot tại VN đều có thể đem ứng dụng sản xuất trên qui mô công nghiệp nhưng do Nhà nước chưa có chủ trương nên đa số các kết quả nghiên cứu vẫn chưa được triển khai. Ông Phúc đề xuất Nhà nước nên tạo cơ chế để hình thành những cơ sở tiếp nhận các kết quả nghiên cứu và biến chúng thành sản phẩm công nghiệp phục vụ xã hội.

   KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên