Nhà văn Pháp Yveline Féray và hành trình văn hóa VN
Phóng to |
Ảnh bìa tiểu thuyết viết về Hải Thượng Lãn Ông |
Để viết một cuốn tiểu thuyết dài hơi về một đề tài lịch sử cổ xưa, ngoài các sự kiện, công tích của nhân vật chính, tác giả phải tái hiện được vô số chi tiết - từ cách ăn mặc cho đến lời ăn tiếng nói, dựng lại được không khí một thời đại đã cách xa chúng ta hàng mấy thế kỷ.
Lại nữa, các nhân vật lịch sử Nguyễn Trãi, Hải Thượng Lãn Ông từ lâu đã sống trong lòng người dân Việt, người đi sau - nhất là một tác giả nước ngoài - không dễ dựng nên tác phẩm mới vừa có sắc thái riêng vừa phản ánh chân thật nhân vật lịch sử và thời đại, được bạn đọc VN đồng tình tán thưởng.
Về vị thế trong lịch sử, Hải Thượng Lãn Ông không sánh được với Nguyễn Trãi, nhưng có thể nói việc dựng thành tiểu thuyết về danh y Lê Hữu Trác lại có chỗ khó khăn hơn vì cuộc đời ông không bi tráng và lắm nỗi éo le như tác giả Bình Ngô đại cáo. Nếu chỉ dựa vào lịch trình làm nghề thuốc của Hải Thượng rất khó viết nên một cuốn tiểu thuyết hay.
Với kinh nghiệm viết Vạn Xuân và có lẽ cũng tiếp tục tư tưởng Vạn Xuân, tuy Yveline Féray chỉ dựa vào một chuyến “thượng kinh” chữa bệnh của Lê Hữu Trác nhưng qua đó tác giả đã giúp bạn đọc hình dung được sự nhiễu nhương của thế cuộc, những chuyện tranh giành quyền bính của triều đình lúc đó dưới con mắt chứng kiến của vị danh y để rồi thấu hiểu cái hữu hạn của con người và sự huyền nhiệm của mệnh trời!
Không phải ngẫu nhiên mà ngay ở trang đầu tác phẩm, nhà tiểu thuyết đã trích một đoạn trong sách Luận ngữ của Nho giáo: Thầy Tử Cống thưa: “Tử như bất ngôn, tắc tiểu tử hà thuật yên” (nếu phu tử không nói thì đệ tử biết noi theo vào đâu?). Ngài nói rằng: “Thiên hà ngôn tai! Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai!” (Trời có nói gì đâu! Bốn mùa chuyển vần, trăm vật sinh nở. Trời có nói gì đâu!).
Bối cảnh chính trong tiểu thuyết Lãn Ông là phủ chúa Trịnh, lúc Lê Hữu Trác được vời ra chữa bệnh cho Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán. Đó là giai đoạn cung nữ Đặng Thị Huệ nhờ “mặt phượng mày ngài, vẻ người mười phần xinh đẹp” (theo Hoàng Lê nhất thống chí - HLNTC) được chúa nuông chiều, trở nên lộng hành, kéo bè kết cánh, âm mưu phế thế tử Trịnh Tông (sau đổi là Trịnh Khải) để đưa con mình là Trịnh Cán lên thay, gây nên nạn kiêu binh làm rối loạn kinh thành.
“Lúc vương tử Cán đầy tuổi tôi, cốt cách tướng mạo khôi ngô, đẫy đà, khác hẳn người thường... Thấy vậy chúa càng quí vương tử Cán bội phần. Cũng do đó, Thị Huệ mới ngầm có ý muốn cướp ngôi thế tử” (HLNTC), Nhưng trớ trêu là “vương tử Cán rất tuấn tú thông minh, nhưng người vốn yếu đuối. Lúc còn ẵm ngửa, vương tử đã mắc chứng cam: bụng to, rốn lồi, da nhợt, gân xanh, chân tay khẳng khiu. Chúa phải sai người đi tìm danh y khắp bốn phương về chữa cho vương tử...” (HLNTC).
Thế là vị danh y đang dành trọn tâm huyết để hoàn thành bộ sách thuốc đồ sộ Y tông tâm lĩnh 66 cuốn, giúp chữa bệnh cho người nghèo, cũng là lúc ông thưởng ngoạn gió trăng ở vùng đất đầy hương sắc bên dòng sông Phố -“Êm đềm một dải nước mây / Quan hà man mác khuây khuây nỗi lòng...” (Thơ Lê Hữu Trác - Phan Võ dịch) phải rời nơi ở ẩn lên đường ra phủ chúa.
Sau hơn 200 năm, sự việc mà Lê Hữu Trác đã kể lại vắn tắt trong tác phẩm Thượng kinh ký sự đã được Yveline Féray “tiểu thuyết hóa” trong cuốn sách dày trên 300 trang khổ lớn. Cái kết cục Trịnh Cán vẫn chết mặc dù đã được vị danh y chữa khỏi các triệu chứng bệnh gợi cho người đọc nghĩ tới những điều sâu xa hơn là chuyện bệnh tật và thuốc men...
Được biết, trong khi ông L.H.H. - một hậu duệ của danh y Lê Hữu Trác hiện sống ở Hà Nội, dù đã trên 80 tuổi, đang gắng sức dịch Lãn Ông để “xem thử nhà văn Pháp viết về bậc tiền bối của mình ra sao” thì thật may mắn, ông L.T.S., một người hoạt động văn nghệ ở Huế, sau chuyến đi thăm Pháp được gặp nữ văn sĩ Yveline Féray, đã hoàn thành bản dịch Monsieur le Paresseur và đang xúc tiến các hợp đồng mua bản quyền với tác giả cũng như NXB Robert Laffont để xuất bản tại VN.
Hi vọng bạn đọc VN sẽ sớm được đọc Lãn Ông và có thể tìm được “vị thuốc” tinh thần mà vị danh y từ hơn hai thế kỷ trước, qua nghệ thuật tiểu thuyết của Yveline Féray, truyền lại cho hậu thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận