28/01/2018 12:43 GMT+7

Tử hình ông Đặng Văn Hiến: Khoảng cách nào giữa pháp lý và đạo lý?

ÁI NHÂN - NGỌC HIỂN -  TRUNG TÂN
ÁI NHÂN - NGỌC HIỂN - TRUNG TÂN

TTO - Hiếm khi nào có người mất con lại xin tha tội chết cho người cầm súng bắn con mình.

Tử hình ông Đặng Văn Hiến: Khoảng cách nào giữa pháp lý và đạo lý? - Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Hiến (47 tuổi) tại phiên tòa - Ảnh: TRUNG TÂN

Mới đây, gia đình 2 bị hại Dương Văn Tiến, Điểu Tào đã có đơn bãi nại gửi Tòa án cấp cao tại TP.HCM xin tha tội chết cho ông Đặng Văn Hiến - người trực tiếp bắn chết con họ trong vụ tranh chấp đất đai sáng 23-10-2016 ở Đắk Nông.

“Tùy vào đánh giá mà tòa án có thể xem tình tiết bị cáo Hiến đầu thú và có đơn xin của gia đình bị hại là tình tiết giảm nhẹ để lượng hình phạt

Ông Vũ Phi Long

* Thẩm phán Đỗ Đồng Chung (chủ tọa phiên tòa sơ thẩm):

Họ biết chia sẻ nỗi đau

Tử hình ông Đặng Văn Hiến: Khoảng cách nào giữa pháp lý và đạo lý? - Ảnh 3.

Thẩm phán Đỗ Đồng Chung - Ảnh: T.Tân

Tôi cho rằng đây là việc rất hiếm hoi. Hẳn nhiên sự việc có nhiều ẩn tình. Bản án của tòa là pháp lý. Suy nghĩ của những người xin giảm tội là đạo lý. Việc đánh giá bản án, suy nghĩ theo hướng nào là tùy mỗi người, tùy dư luận.

Trong đơn gửi TAND cấp cao tại TP.HCM, bà Điểu Thị Mai, mẹ nạn nhân Điểu Tào, viết: "Tôi thấy các bị cáo phạm tội do quá bức xúc, phẫn uất trước việc làm ngang tàng của Công ty Long Sơn. Họ cũng là người lao động nghèo, hiền lương như gia đình chúng tôi, cũng có những đứa con thơ dại như gia đình tôi. Bản án mà TAND tỉnh Đắk Nông tuyên xử cho họ là quá nghiêm khắc, nặng nề"...

Cũng trong đơn, bà Mai xin Tòa án cấp cao giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo phạm tội giết người: "Xin tòa phúc thẩm tha tội chết cho bị cáo Đặng Văn Hiến, vì tôi không muốn thấy cảnh con của anh Hiến mất đi cha như con chúng tôi".

Trước khi có phiên tòa sơ thẩm, gia đình nạn nhân Điểu Vinh cũng đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo phạm tội giết người trong vụ án này. Tôi nghĩ phán quyết của tòa luôn cân nhắc nhiều yếu tố và tính pháp lý luôn được coi trọng, có cân nhắc yếu tố đạo lý.

* Tiến sĩ Phan Anh Tuấn (trưởng bộ môn luật hình sự ĐH Luật TP.HCM):

Tử hình ông Đặng Văn Hiến: Khoảng cách nào giữa pháp lý và đạo lý? - Ảnh 4.

Tiến sĩ Phan Anh Tuấn - Ảnh: NVCC

Bản lĩnh và cái tâm của tòa

Đạo lý kết hợp nhuần nhuyễn trong pháp lý thể hiện ở tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

Theo tôi, phân tích vụ án liên quan bị cáo Hiến, tòa cho rằng bị cáo Hiến có tình tiết định khung tăng nặng "có tính chất côn đồ" như viện kiểm sát đã truy tố là chưa đúng. Trong khi với các tình tiết của vụ án, phía Công ty Long Sơn chuẩn bị lực lượng (30 người với công cụ, phương tiện...), bất chấp pháp luật, hủy hoại tài sản người khác. Rõ ràng hành xử của phía Công ty Long Sơn mới có tính chất "côn đồ", chứ không phải bị cáo Hiến.

Phải thấy phần lỗi dẫn đến hành vi tấn công chống trả của bị cáo Hiến là từ hành vi trái luật của Công ty Long Sơn. Phần lỗi nữa là từ chính quyền địa phương đã không giải quyết rốt ráo mâu thuẫn từ lâu giữa Công ty Long Sơn với người dân. Đối diện với hành vi lấy đất, bị cáo Hiến chỉ là người nông dân quyết liệt giữ mảnh đất của mình.

Bị cáo Hiến có 3 tình tiết giảm nhẹ: ăn năn hối cải; tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra.

Ngoài ra, tình tiết đầu thú là tình tiết giảm nhẹ.

Án tử hình là nặng nề nhất đối với bất cứ người bị buộc tội nào. Án tử chỉ dành cho bị cáo phạm tội ở mức theo luật định mà hội đồng xét xử nhận thấy bị cáo không có ăn năn hối cải, côn đồ, phạm tội vì động cơ đê hèn, không còn khả năng cải tạo, giáo dục, gây bức xúc trong dư luận.

Trong khi bị cáo Hiến chỉ là nông dân chất phác bị phía Công ty Long Sơn dồn vào đường cùng. Bị cáo Hiến ăn năn hối cải, bồi thường cho bị hại... Hoàn cảnh, nhân thân và sự ăn năn của bị cáo Hiến đã khiến dư luận địa phương và dư luận cả nước có sự cảm thông. Ngay cả gia đình của bị hại cũng thể hiện sự chia sẻ, cảm thông bằng chính đơn xin miễn tội cho Hiến.

Rõ ràng bị cáo Hiến là người hoàn toàn có thể cải tạo, giáo dục, không nhất thiết phải áp dụng hình phạt cách ly hoàn toàn khỏi xã hội. Phán quyết của hội đồng xét xử trong phiên tòa tiếp theo đòi hỏi bản lĩnh và cái tâm của người xét xử.

* Ông Vũ Phi Long (nguyên phó chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM):

Tử hình ông Đặng Văn Hiến: Khoảng cách nào giữa pháp lý và đạo lý? - Ảnh 5.

Ông Vũ Phi Long - Ảnh: NVCC

Cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ

Có một số loại tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự theo quy định thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại như cố ý gây thương tích, hiếp dâm, cưỡng dâm... Với những tội danh đó, khi có đơn bãi nại, rút yêu cầu khởi tố thì tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án.

Còn các tội danh khác, cụ thể như tội danh giết người thì việc bãi nại hay đơn xin của gia đình bị hại không ảnh hưởng đến việc xét xử của hội đồng xét xử và không quyết định đến việc định tội, mức án phạt. Việc gia đình bị hại có đơn sẽ được xem xét trong việc giảm bớt nghĩa vụ bồi thường dân sự trong vụ án.

Tuy nhiên, đơn xin miễn tội, bãi nại là một tình tiết mà thẩm phán dùng để xem xét, cân nhắc hình phạt đối với bị cáo cho phù hợp. Đơn xin của gia đình bị hại thể hiện thái độ của gia đình bị hại đối với mức độ, tính chất, hậu quả mà bị cáo gây ra cho phía gia đình. Lẽ thường, gia đình bị hại là người có thể căm thù, mong muốn mức án phạt theo hướng nặng, nghiêm khắc nhất đối với bị cáo. Tình tiết gia đình xin cho bị cáo thì tòa án cần cân nhắc đánh giá.

Theo quy định điều 51 Bộ luật hình sự, bên cạnh các tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 thì tại khoản 2 quy định tòa án có thể xem xét tình tiết đầu thú và tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ. Như vậy, tùy vào đánh giá mà tòa án có thể xem tình tiết bị cáo Hiến đầu thú và có đơn xin của gia đình bị hại là tình tiết giảm nhẹ để lượng hình phạt.

Hoàn cảnh là nông dân chỉ mong bảo vệ đất, phạm tội khi tinh thần bị kích động từ lỗi quyết liệt lấy đất của Công ty Long Sơn cũng như sự thiếu quan tâm giải quyết mâu thuẫn của chính quyền sở tại. Đó là những tình tiết của vụ án mà tòa cần cân nhắc để phán quyết mức án vừa đạt lý vừa đạt nhân tâm.

* Chị Võ Thị Phương Thu (sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM):

Tử hình ông Đặng Văn Hiến: Khoảng cách nào giữa pháp lý và đạo lý? - Ảnh 6.

Chị Võ Thị Phương Thu - Ảnh: NVCC

Mong bản án thấu tình đạt lý

Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao chính gia đình của những người bị hại lại viết đơn xin bãi nại cho người đã tước đoạt mạng sống người thân của mình? Gia đình bị hại đã phải trải qua những đau đớn, mất mát đi người thân yêu nhất. Có thể thấy được tấm lòng nhân văn sâu sắc của gia đình bị hại, tuy có thể không am hiểu sâu rộng về pháp luật, nhưng họ nhận thấy được rằng bị cáo không cố ý tước đoạt tính mạng người thân của họ, mà cũng chỉ vì hoàn cảnh khách quan, vì những bức xúc, dồn nén tích tụ lâu ngày đã làm những bị cáo bột phát gây nên những hậu quả xót xa, đau lòng mà không ai mong muốn.

Những bị cáo trong vụ án trên tuy đã có hành vi phạm tội, nhưng cần suy xét đến hoàn cảnh khách quan, nguyên nhân và điều kiện diễn ra hành vi phạm tội này cũng như những tình tiết khác trong vụ án. "Tức nước vỡ bờ", hành vi của bị cáo như giọt nước tràn ly sau những bức xúc, dồn nén lâu ngày từ những mâu thuẫn tranh chấp đất đai, từ những hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của Công ty Long Sơn.

Xét về cả lý và tình, một bản án tử hình là quá nặng nề đối với bị cáo Đặng Văn Hiến. Vì vậy, cần cân nhắc và xem xét trên nhiều khía cạnh về hoàn cảnh và điều kiện phạm tội để có thể đưa ra một bản án công bằng, thấu tình đạt lý.

Diễn biến vụ án

Sáng 23-10-2016, Công ty TNHH thương mại và đầu tư Long Sơn đưa nhiều máy ủi, máy cày cùng nhiều công nhân, bảo vệ đến khu vực rẫy điều của gia đình ông Hoàng Văn Thắng, ông Đặng Văn Hiến để "cưỡng chế, thu hồi đất lấn chiếm". Tại đây, nhóm công nhân đã ủi hàng trăm cây điều của gia đình ông Thắng, ông Hiến.

Lúc này, nhóm công nhân dưới sự chỉ đạo của Phạm Công Thiện (Kevin Nghiêm) đã chia thành nhiều tốp chốt chặn các con đường ngăn người dân lên phản đối việc san ủi vườn cây. Một tốp khác hủy hoại tài sản của người dân. Lúc này, ông Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình đã dùng súng bắn vào nhóm công nhân, bảo vệ hàng chục phát đạn. Hậu quả là các anh Dương Văn Tiến, Điểu Tào, Điểu Vinh chết tại chỗ, 13 người bị thương nặng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Đắk Nông xử phạt ông Hiến mức án cao nhất: tử hình, ông Ninh Viết Bình 20 năm tù, ông Hà Văn Trường (làm công trong gia đình ông Hiến) 12 năm tù (do có hành vi tiếp đạn cho ông Hiến)...

ÁI NHÂN - NGỌC HIỂN - TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên