10/03/2006 05:10 GMT+7

Từ giảng đường đến vành móng ngựa

Theo Tiền Phong
Theo Tiền Phong

TT - Chỗ đứng của cô không còn là bục giảng của giảng đường đại học. Lời của cô không còn để truyền đạt kiến thức cho học trò. Mà bây giờ, chỗ của cô là trước vành móng ngựa. Lời của cô là từng câu trả lời chất vấn của hội đồng xét xử...

y0H7AJmW.jpgPhóng to
TT - Chỗ đứng của cô không còn là bục giảng của giảng đường đại học. Lời của cô không còn để truyền đạt kiến thức cho học trò. Mà bây giờ, chỗ của cô là trước vành móng ngựa. Lời của cô là từng câu trả lời chất vấn của hội đồng xét xử...

Hơn 30 năm công tác, nhiều năm đứng trên bục giảng với nghề cao quí ấy, nhưng vì đồng tiền cô đã đánh đổi tất cả...

Sau khi lấy bằng thạc sĩ tin học, năm 1993 cô P.T.N.S. về làm giảng viên môn “cơ sở dữ liệu phân bố” tại Đại học Mở - bán công TP.HCM phụ trách từ khâu giảng dạy, ra đề thi hết môn và trực tiếp chấm bài. Đây là một trong những môn học khó nên mỗi lần thi hết môn có rất nhiều SV phải thi lại lần hai.

Lớp T00A (năm học 2003-2004) có rất nhiều SV phải thi lại lần hai vào ngày 28-3-2004. Sau khi thi, có 11 SV không làm được bài. Nghe dư luận trong trường mách, nếu muốn đủ điểm cứ đến nhà gặp cô S. đưa tiền nhờ cô “giúp đỡ”. Các SV này đã mang 10,9 triệu đồng đến nhà đưa cho cô.

Do bài thi đã được rọc phách nên không biết bài nào là của những SV đến “chạy điểm” nên cô S. đưa tất cả bài thi của lớp cho các SV tìm bài của mình. Sau đó cô đưa bài mẫu và hướng dẫn họ gạch bỏ những chỗ sai, viết lại nội dung đúng theo bài mẫu. Kết quả 11 bài thi đều đạt điểm chuẩn.

Đã nghe dư luận râm ran về hiện tượng “chạy điểm” nên ban giám hiệu Trường ĐH Mở - bán công TP bí mật cho photo tất cả các bài thi của môn này và lập biên bản lưu giữ bản sao trước khi chuyển bài thi cho cô S. chấm. Sau khi nhận lại bài thi, hội đồng nhà trường đã so sánh và phát hiện 11 bài thi bị sửa. Vụ việc được chuyển cho Cơ quan An ninh điều tra thụ lý và cô S. phải thừa nhận đã nhận tiền của SV để “bán điểm” của mình.

Tại tòa, lý giải về động cơ sai trái này, cô S. cho rằng vì mình... thương SV. Cô S. nói: “Tôi nhất quyết từ chối nhưng các em cứ khóc lóc trình bày hoàn cảnh rồi năn nỉ hoài nên tôi mới yếu lòng, không phải bán điểm để lấy tiền”. Hình như ngay cả khi đứng trước vành móng ngựa cô vẫn chưa ý thức hết việc làm sai trái của mình khi một mực phủ nhận việc sửa bài để bán điểm lấy tiền...

Ngồi ở vị trí hội thẩm nhân dân trong phiên tòa hôm đó có một nhà giáo cao tuổi, có lẽ chính bà là người bất bình nhiều nhất với hành vi của đồng nghiệp mình. Hầu hết phần xét hỏi bà đều tập trung vào việc “giúp” bị cáo nhận thức đúng hơn về cái nghề cao quí mà cộng đồng, xã hội đã tin tưởng giao cho.

Đôi lúc tôi cảm giác như giọng của bà bất bình đến gay gắt: “Tôi cũng được đào tạo thành một nhà giáo. Tôi cũng có tình thương với học trò của mình nhưng tình thương của chúng ta là phải làm sao truyền đạt cặn kẽ, tận tâm giúp học trò nắm vững kiến thức, chứ đâu có việc thương kiểu bán điểm để lấy tiền”.

Lời phân tích của vị hội thẩm nhân dân quả xác đáng: “Đó không phải là thương SV mà là vì đồng tiền đã làm mờ lý trí. Chính số tiền nhỏ đó đã đưa bị cáo đứng trước vành móng ngựa như ngày hôm nay”.

Tuy số tiền bán điểm không lớn, nhưng tác động của nó thật khó lường hết được nên hội đồng xét xử quyết định dành cho bị cáo một bản án nghiêm khắc: 3 năm tù giam về tội “nhận hối lộ”, dù trước đó đại diện Viện Kiểm sát chỉ đề nghị mức án từ 2-3 năm tù cho hưởng án treo.

Trên 30 năm gắn với cái nghề cao quí, từng vượt qua những thử thách, khó khăn, từng được khen thưởng, nhưng rồi cô giáo vẫn không giữ được mình trước những đồng tiền (mà là đồng tiền của học trò)... Cô cũng từng được đào tạo nhiều, học nhiều, nhưng rồi bài cơ bản nhất cô đã lãng quên: bài học làm thầy.

“Đi thầy” không phải bây giờ mới có...

Mới đây, dư luận xôn xao về một vị tiến sĩ - trưởng bộ môn ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Theo SV, muốn qua đồ án SV phải “đi thầy”. Vụ việc này bị SV tố cáo trên diễn đàn edu.net của Bộ GD-ĐT và Bộ GĐ-ĐT đã chỉ đạo

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thanh tra làm rõ. Trước mắt, vị tiến sĩ này đã tự xin từ chức trưởng khoa và đã được chấp thuận. Trong khi đó, một SV Học viện Ngân hàng cũng bức xúc việc mua điểm ở trường mình.

Theo SV này, có thầy đã trắng trợn gợi ý SV công khai ở trên lớp về việc “đến thăm thầy trước khi thi” để được thầy tạo điều kiện. Nhận tiền rồi thì bài thi của những SV đó dù thế nào cũng được điểm 8, 9, 10... Thậm chí SV một trường ĐH khác còn phải “đi thầy” ngay tại phòng thi. Khi SV thi vấn đáp, giảng viên “đề nghị” phải đủ 100.000đ thì mới “qua”!

Về vấn đề “đi thầy” hiện nay, bà Trần Thị Hà - vụ trưởng Vụ Đại học và sau đại học (Bộ GD-ĐT) - cho biết: “Tôi thấy đáng lo ngại ở chỗ hiện tượng này không phải bây giờ mới có, mới phát hiện được. Bây giờ hỏi bất kỳ SV, giáo viên nào thì người ta cũng sẽ nói ở trường nào cũng có hiện tượng như vậy.

Điều này nguy hiểm ở chỗ nếu không được ngăn chặn kịp thời thì thế hệ trẻ dần dần sẽ coi đó là việc bình thường. Bộ GD-ĐT chưa có tổng kết về vấn đề này nhưng tôi biết nhiều trường đã thi hành kỷ luật đối với những giảng viên mà có hiện tượng như thế, ở Học viện Tài chính cách đây một thời gian cũng đã kỷ luật một số giảng viên.

Tôi thấy thật sự đáng báo động và đáng lo ngại ở các khía cạnh tư cách con người mà cụ thể ở đây là ý thức của cả giảng viên và SV”

Ông Quách Tuấn Ngọc - giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ GĐ-ĐT - cho biết: “Thật ra chuyện mua điểm, “đi thầy”... là vấn đề bức xúc lâu nay trong giới SV ở nhiều trường ĐH. Tôi nghĩ có những vấn đề đã đến lúc cần nói. Từ vụ việc này, chúng tôi hi vọng sẽ mở ra xu hướng mạnh dạn đề cập đến những chuyện tương tự trong các trường ĐH khác thông qua các diễn đàn riêng của các trường”.

Theo Tiền Phong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên