05/01/2007 00:54 GMT+7

Tư duy toàn cầu, hành động tại chỗ

LÊ QUỲNH ghi
LÊ QUỲNH ghi

TT - Tại buổi báo cáo chuyên đề “Tác động của việc gia nhập WTO đối với nền kinh tế VN” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức mới đây, bà PHẠM CHI LAN (ảnh) - nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng - đã chia sẻ với thanh niên VN những trăn trở về hội nhập.

oq9bnPLQ.jpgPhóng to
TT - Tại buổi báo cáo chuyên đề “Tác động của việc gia nhập WTO đối với nền kinh tế VN” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức mới đây, bà PHẠM CHI LAN (ảnh) - nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng - đã chia sẻ với thanh niên VN những trăn trở về hội nhập.

Thiếu người trẻ quyết liệt

Nói một cách thẳng thắn: khi so sánh thanh niên VN với thanh niên các nước, có thể thấy họ có phong thái tự tin, mạnh dạn, chủ động hơn mình rất nhiều. Đến giờ tôi vẫn còn ấn tượng về hai thanh niên người Campuchia khi tôi tham gia nhóm Tầm nhìn Đông Á, bàn về khuôn khổ hợp tác khu vực Đông Á tương lai.

Chúng tôi làm việc với nhau từ năm 1999 đến 2001, mỗi nước chọn ra hai người đại diện, hầu hết đều ở tuổi 50-60. Campuchia đã cử một người khá trẻ. Anh rất năng động, tự tin, tham gia tranh luận kịch liệt với các nước khác, cãi nhau với Nhật Bản, Hàn Quốc một cách thoải mái. Họ đã tạo được hình ảnh rất đẹp về Campuchia. Không ai dám coi thường Campuchia khi có người như vậy tham gia các hội nghị.

Người thanh niên thứ hai là trưởng đoàn đàm phán của Campuchia ở WTO mà tôi cực kỳ ấn tượng ở cách làm việc thẳng thắn, quyết liệt. Năm ngoái anh rời Campuchia, vượt qua hơn 100 ứng cử viên các nước để vào làm tại Trung tâm Thương mại quốc tế ở Geneva. Bây giờ anh ta đã là con người của thế giới. Cả hai đều nói tiếng Anh rất giỏi; tranh luận, trao đổi thoải mái. Tất nhiên để có phong thái như vậy phải có trình độ, kỹ năng chuyên môn tốt. Nước ta đang thiếu những thanh niên có khả năng tranh luận, dám phản biện cho ý kiến của mình mà mình nghĩ là đúng.

Cơ hội, thách thức khắp nơi

Gia nhập WTO, điều đầu tiên ta có thể trông đợi là sẽ có nhiều việc làm tốt hơn so với hiện nay, đặc biệt là với người có năng lực. Lĩnh vực sáng tạo và phát triển, các lĩnh vực kinh doanh mới sẽ mở ra không ngừng. Riêng dịch vụ đã là một chân trời cực rộng để các bạn trẻ đi vào và phát triển. Dịch vụ có cái hay là nhiều khi không chỉ là kinh tế, mà còn là văn hóa, xã hội, gắn với cuộc sống từng người. Tham gia vào đó chúng ta sẽ đóng góp lớn cho xã hội và linh hoạt điều chỉnh tương lai của mình.

Sẽ có rất nhiều cơ hội để học tập, nâng cao tri thức, năng lực. Các bạn đừng đổ tại mình không có dịp đi học, tham gia chương trình nọ kia. Cơ hội không chỉ trên ghế nhà trường chính qui, các trường lớp tập trung mà còn là các chương trình học từ xa, các viện mở, qua chương trình của các trường các nước tung lên Internet... Chỉ sợ mình không chịu học thôi chứ nếu đã ham học, muốn học thì hoàn toàn không hề thiếu.

Tuy nhiên, cạnh tranh tìm nơi làm việc, nơi học tập tốt, vị trí cao trong xã hội sẽ thật sự quyết liệt. Tôi nghĩ là thanh niên ai cũng nên, cần và muốn có những thách thức này để mình luôn luôn vượt lên trên mình, chứ đừng nên hài lòng với những gì mình đã có. Hiện nay ở VN chỉ mới 27% lao động được đào tạo, và phấn đấu đến 2010 chúng ta có 40% lao động được đào tạo. Đây vẫn là mức thấp khi người ta tính ở ASEAN hiện nay trung bình 70-80% lao động được đào tạo tùy từng nước.

Chúng ta hiện có khuynh hướng cứ đổ tất cả những gì xấu, tiêu cực là do cơ chế thị trường, cứ kinh doanh là phải lừa lọc lẫn nhau. Không phải. Những nước phát triển thị trường, đồng thời họ phát triển cả văn minh, đòi hỏi con người sống phải có đạo đức. Lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền cũng không hoàn toàn tại cơ chế thị trường mà tại nền giáo dục của xã hội, gia đình, mà trước hết là tại mỗi người; mình buông thả sống thì không thể đổ lỗi cho ai khác, nhất là với thanh niên, người đã trưởng thành.

Tư duy toàn cầu, hành động tại chỗ

Nước ta tỉ lệ nghèo còn cao, đấy là gánh nặng lớn mà chúng ta phải lo. Nhưng với các bạn thanh niên, tôi nghĩ gánh nặng trách nhiệm của các bạn với cộng đồng, đất nước còn lớn hơn: các bạn chịu trách nhiệm cả về hiện tại và tương lai. Nếu hiện tại các bạn không làm tốt thì tương lai các bạn sẽ lãnh đủ gánh nặng nợ nần với nước ngoài qua ODA, FDI, vị thế lên hoặc xuống của đất nước trong quá trình hội nhập… Ngoài ra, các bạn còn là những tấm gương trực tiếp cho các em nhỏ. Ai cũng nói ra biển lớn, nhưng người chèo thuyền, chắc chắn lực lượng chính là các bạn.

Trong bối cảnh như vậy thì cần làm gì? Ở đây tôi xin gợi ý hai điều: đổi mới tư duy và hành động. Đó là “tư duy toàn cầu, hành động tại chỗ”, chống lại xu hướng hẹp hòi, cục bộ, thiển cận trong suy nghĩ của mình. Ở đây không có nghĩa bạn quên đi những chuyện của đất nước mình. Từ hiểu biết, suy nghĩ toàn cầu để nhìn vào mình cho trúng hơn và hành xử tốt hơn. Thứ hai là có tư duy tự lực tự cường, không đòi hỏi, ỷ lại, dựa dẫm ở Nhà nước nhiều mà tự mình nỗ lực vươn lên. Thanh niên cần biết chủ động, chấm dứt cách đòi hỏi quá nhiều vào xã hội, Nhà nước, vì đơn giản Nhà nước, xã hội lấy đâu giúp mình nếu mỗi người không cố gắng.

LÊ QUỲNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên