08/12/2006 04:03 GMT+7

Tư duy... lung tung

Thạc sĩ Trần Thành Nam (Khoa tâm  lý học Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội)
Thạc sĩ Trần Thành Nam (Khoa tâm  lý học Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội)

TT - Không hiểu tại sao tôi rất khó tập trung tư tưởng khi cần. Học bài và đọc sách, các suy nghĩ khác chen ngang lung tung. Đôi lúc tôi cảm thấy rất bất lực về sự mất tập trung của mình...(khamtv...@yahoo.com)

- Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng này là “sự phân tán chú ý”.

Bạn thử tham khảo một số biện pháp sau:

1. Dùng một vài miếng bìa và viết lên đó những câu đại loại như “Hãy tập trung”, “Không được nghĩ lung tung”...; để chúng ở các vị trí dễ quan sát. Hãy nói thầm trong đầu “tập trung, tập trung”. Kiên trì và đừng bỏ cuộc, bạn sẽ nhận thấy những tiến bộ của mình sau mỗi tuần.

2. Mỗi ngày, dành một khoảng thời gian nhất định để nghĩ về những vấn đề hay vấn vương chen ngang trong đầu mỗi khi đang cần tập trung (16g30-17g chẳng hạn). Các nhà tâm lý đã khẳng định những người dành ra một khoảng thời gian nhất định để suy nghĩ, sự mất tập trung sẽ giảm được tới 35% sau bốn tuần.

3. Mỗi khi chuẩn bị học, hãy nghĩ tới những lúc mà bạn thấy dễ dàng để tập trung nhất và tưởng tượng mình đang trong tình huống đó. Ví dụ, đang tham gia một kỳ thi quan trọng chẳng hạn.

4. Đánh dấu những khoảng thời gian mất tập trung: bạn lấy một tấm bìa cỡ 7x10cm, chia thành ba phần “sáng”, “chiều”, “tối”. Nếu mất tập trung buổi sáng, hãy đánh một dấu X vào ô dành cho buổi sáng, làm tương tự với buổi chiều hoặc buổi tối. Nếu mỗi ngày có một tấm bìa như vậy, tin tôi đi, dần dần bạn sẽ thấy số dấu X giảm đi.

5. Hãy sử dụng đúng đắn năng lượng của bạn. Phần lớn HSSV thường hoãn những môn khó học nhất tới tận chiều muộn. Hãy đảo ngược lại: dành khoảng thời gian sung sức nhất để học những môn khó. Riêng việc làm như vậy sẽ giúp bạn tập trung hơn.

Bạn thử áp dụng xem. Chúc thành công!

Việc loại bỏ những nhân tố gây mất tập trung chú ý khi học tập cũng rất quan trọng. Hãy chọn một chỗ học thích hợp nhất, tạo thoải mái nhất cho bản thân, từ bàn ghế, ánh sáng đến môi trường xung quanh. Ngồi xa điện thoại di động, điện thoại bàn. Nếu cần thiết, có thể treo một cái bảng “xin đừng làm phiền” ngoài cửa. Nếu bạn thích có chút âm nhạc làm nền cũng không sao, miễn cảm thấy làm việc hiệu quả hơn. Khi chuẩn bị ngồi vào học, dành chút thời gian nghĩ xem cần chuẩn bị những gì, soạn ra trước để không phải đi lấy. Thay đổi môn học sau 1-2 giờ cũng có thể giúp tập trung hơn.

Thạc sĩ Trần Thành Nam (Khoa tâm  lý học Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên