TTO - Thể thao đỉnh cao không dành cho đối tượng “trung bình chủ nghĩa”, nó dành vị trí cao nhất cho những ai có khát khao vươn lên và đặt một mục tiêu rõ ràng cho mình, biết chấp nhận hy sinh.
Trong hàng ngàn hàng vạn người, “đãi” lấy một tài năng, trong rất nhiều tài năng, chỉ một vài người làm được điều đó. Vậy mà “thứ đất hiếm ấy” lại bị kìm chế phát triển theo nhiều cách: từ điều kiện tập luyện đến chế độ đãi ngộ…
Đơn vị chủ quản coi họ là tài sản đương nhiên và khai thác gần như không điều kiện: “Tôi là người phát hiện ra anh nuôi anh lớn thì anh phải cống hiến, không chê cha mẹ nghèo”.
Hơn 10 năm trước, tôi đã nghe dự báo từ một cán bộ trong ngành tâm huyết với thể thao: “Họ đối xử với những người có công như thế thì tương lai ai còn tin tưởng vào thể thao!” |
VĐV hầu hết là những người lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn. Ý chí vượt lên số phận là động lực giúp họ bỏ lại sau lưng thú vui và cuộc sống bình thường của bao bạn bè cùng trang lứa, chịu đựng gian khổ, đau đớn… để vươn tới những đỉnh cao.
Ở đó họ sẽ có thu nhập không những trang trải cho cuộc sống của họ, tuơng lai của họ mà còn cả những người thân đang cần có sự giúp đỡ của họ. Bởi vậy họ càng xứng đáng được hưởng đúng công sức lao động của mình.
Cũng bởi rất nhiều VĐV tài năng đã không được hưởng sự đãi ngộ xứng đáng, nên Thể thao không được sự hào hứng ủng hộ từ một bộ phận rất lớn của quần chúng có điều kiện sống tốt hơn, có thể cho con em họ một cuộc sống đầy đủ hơn, trong đó có hai điều kiện có tính quyết định cho một tài năng: dinh dưỡng và sự giáo dục. Hai điều này hứa hẹn đem lại năng lực thể chất và sự nhận thức tốt ở VĐV. Vì vậy, đối tượng rất nhiều tiềm năng này bị Thể thao “bỏ ngỏ”.
Chúng tôi - những VĐV đã trải qua rất nhiều năm tập luyện và giờ đứng ở vị trí người huấn luyện. Chúng tôi hiểu được khó khăn như thế nào để tìm và đào tạo đuợc một nhân tài. Chính vì thế ta càng phải trân trọng họ. Song song với việc đào tạo thì địa phương, cơ quan chủ quản phải tìm mọi cách giúp cho VĐV có thêm thu nhập, nói cách khác là giữ chân VĐV.
Thanh Hóa không “giàu” hơn Hà Nội; An Giang đâu có thể so sánh với tiềm lực của TP. HCM. Nhưng ở đó họ có những người cán bộ tâm huyết, và họ chung sức xây dựng môi truờng tốt nhất cho VĐV phát huy khả năng.
Rồi từ đây, những VĐV xuất sắc này sẽ hết lòng phục vụ cho sự nghiệp thể thao nơi họ công tác, tiếp tục thu hút nguời tập tạo nên những lứa VĐV tài năng mới.
Chúng tôi cũng nghĩ rằng, tự do di chuyển của VĐV có thể truớc mắt sẽ gây ra những khó khăn cho một số nơi đào tạo VĐV, ảnh huởng đến tuyến đào tạo VĐV trẻ… hoặc có một số quan điểm cho rằng nguồn cung VĐV tài năng rất ít sẽ gây khó khăn cho mảng chuyển nhượng. Nhưng về lâu dài, khi quyền lợi VĐV được đảm bảo, thể thao sẽ có được sự ủng hộ lớn hơn trong xã hội, và những đơn vị làm tốt công tác đào tạo sẽ có thể bán VĐV, tạo nên sự chuyên nghiệp hóa trong khâu này và giảm bớt gánh nặng kinh phí cho ngân sách không lấy gì làm dư giả của ngành thể thao
Điều quan trọng nhất với VĐV là được tự do phấn đấu cho mục đích của mình. Tôi nhớ lại hồi tôi còn nhỏ, đó là thời của tem phiếu, của bao cấp và không ai được làm gì cho riêng mình cả.
Mọi cái đều là của tập thể, cho tập thể, cho nên mẹ tôi nói “đất để không rất nhiều và rau không có mà ăn”. Sau đó là thời mở cửa, mọi nguời được “cởi trói”, tự do làm giàu chân chính cho mình. Tôi thấy bóng dáng “thời bao cấp” ấy ở tình trạng thể thao của chúng ta bây giờ: địa phương nào cũng muốn thể thao mình mạnh, có nhiều thành tích, nhưng bản thân người làm giàu cho thành tích ấy lại không được đặt đúng vị trí, vai trò trong sự nghiệp xã hội hóa thể thao.
Trong lúc lãnh đạo các môn thể thao quanh quẩn với những cuộc họp chờ lấy ý kiến đóng góp cho vấn đề chuyển nhượng từ các CLB, địa phương, thì một điều hiển nhiên là rất khó có đuợc sự ủng hộ của phần lớn trong số này vì nó đe dọa trực tiếp đến quyền lợi truớc mắt của họ.
Thế là sự trì hoãn và không thống nhất cứ nối tiếp nhau, vì vậy trên mặt báo vẫn mãi xuất hiện những kết luận tương tự: “Dù có hay chưa có quy chế, thì vấn đề chuyển nhượng của các VĐV vẫn đang làm cho những nhà quản lí thể thao Việt Nam phải đau đầu, và không biết bao giờ mới tìm được lời giải đích xác cho bài toán này”.
NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận