Từ ĐH Hồng Bàng, nghĩ về sự dễ dãi
TT - Những khoản thu kỳ quặc đối với SV Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng đang trở thành sự kiện nóng thu hút sự chú ý của dư luận.
Mới chỉ cách đây vài tháng, trường ĐH này xuất hiện trong các bài viết trên báo chí với những thông tin gây choáng váng về cung cách hoạt động, phương thức đào tạo: một trường ĐH với số chuyên ngành đào tạo lên tới mức kỷ lục, quy mô tuyển sinh vài ngàn chỉ tiêu mỗi năm trong khi cơ sở vật chất chủ yếu là thuê mướn và trong tình trạng xập xệ, chật chội. Dư luận bất bình, sinh viên và phụ huynh lên tiếng. Bộ GD-ĐT có phản hồi và hứa hẹn.
Nhưng sau đó, dường như chẳng có gì thay đổi. Ngược lại, chẳng bao lâu sau những “tai tiếng” mà báo chí nêu, trường ĐH dân lập này còn được nâng cấp lên thành...”ĐH quốc tế”! Đó là chưa kể mùa tuyển sinh 2009, trường vẫn đàng hoàng thông báo trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy 2009 cả những chuyên ngành đào tạo mà chính Bộ
GD-ĐT trong đợt rà soát trước đó đã chỉ ra là có nhiều thiếu sót, sai phạm và chưa đủ điều kiện mở ngành. Và rồi mặc cho những bất cập chưa thể khắc phục, chỉ tiêu tuyển mới của trường vẫn được tăng lên tới... 3.750 SV. Nếu tính cả số chỉ tiêu hệ trung cấp, hệ ĐH văn bằng hai, hệ ĐH vừa học vừa làm... có lẽ Hồng Bàng trở thành một trong những trường ĐH có quy mô đào tạo lớn nhất hiện nay trong cả nước.
Tại sao một trường ĐH với những điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, phương thức tổ chức đào tạo... còn nhiều hạn chế như vậy vẫn tiếp tục được tăng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm, được tuyển những chuyên ngành đào tạo thậm chí còn chưa có trong danh mục quản lý của Bộ GD-ĐT, được mang tên “trường ĐH quốc tế”...?
Câu trả lời chỉ có thể là nhờ có sự dễ dãi trong quản lý giáo dục ĐH, thậm chí là sự nhắm mắt làm ngơ của những người làm quản lý nhà nước trước những bê bối của nhà trường, bỏ qua những bức xúc chính đáng của người học...
Tất nhiên không chỉ có Hồng Bàng. Trong hệ thống giáo dục ĐH được khuyến khích phát triển và đa dạng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, đang xuất hiện không ít những trường với cung cách hoạt động như vậy ở những mức độ khác nhau.
Trường ĐH Hồng Bàng từng được thanh tra với hàng loạt sai sót, vi phạm đã được chỉ ra, thanh tra đã kiến nghị các biện pháp xử lý... Nhưng sau cuộc thanh tra, tất cả lại chìm xuống, chưa thấy biện pháp xử lý nào được áp dụng.
Những quy định, những tuyên bố kiểu “giơ cao đánh khẽ” đang xuất hiện ngày càng nhiều trong quản lý giáo dục ĐH: hàng loạt trường tuyển vượt gấp đôi, gấp ba chỉ tiêu được phép, nhưng chưa thấy có vị chủ tịch hội đồng tuyển sinh, hiệu trưởng nào bị xử lý theo quy định. Trường sai phạm cùng lắm là bị phạt hành chính một khoản tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. So với nguồn thu hàng tỉ đồng từ số SV tuyển vượt chỉ tiêu, những khoản phạt của bộ đúng là chỉ mang tính tượng trưng.
“Không duy trì những trường ĐH kém chất lượng” - người đứng đầu ngành giáo dục mới khẳng định điều này trong một cuộc đối thoại với giới trẻ trên truyền hình. Nhưng khi những trường ĐH như Hồng Bàng vẫn được mang danh quốc tế thì có lẽ để đánh giá, xếp loại thế nào là một trường ĐH kém chất lượng, ngành giáo dục còn phải rất lúng túng.
Và cũng sẽ không dễ gì thực hiện được việc “không duy trì những trường ĐH kém chất lượng” nếu các biện pháp quản lý cứ dễ dãi như hiện nay.
THANH HÀ
Tin, bài liên quan:
>> “Chúng tôi thấy hổ thẹn với hai chữ quốc tế”>>ĐH quốc tế Hồng Bàng: Những khoản thu kỳ dị!>> Sinh viên Hồng Bàng "chóng mặt" vì tăng học phí>> ĐH Hồng Bàng: học phí tăng
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ý kiến bạn đọc
* Tôi cũng là một sinh viên của trường (đang học liên thông). Mấy ngày nay đọc báo, tôi không biết những người đứng đầu ngôi trường này (đặc biệt là ông Nguyễn Mạnh Hùng) có suy nghĩa ra sao. Không biết ông Hùng đọc được những dòng suy nghĩ từ đáy lòng của những học sinh, sinh viên và phụ huynh, ông cảm thấy như thế nào?
Bành Thị Thanh
* Tôi không thể hiểu nổi một ngôi trường xập xệ như thế, cơ sở vật chất nghèo nàn như thế, phải mượn chỗ này chỗ kia giảng dạy mà lại được mang tên "quốc tế". Với khoản thu học phí 9,98 triệu đồng một năm học đã là khá cao so với các trường tư cùng cấp, tại sao còn lại phải tận thu tất cả các khoản đối với sinh viên. Liệu áo quần đồng phục, balô, nón bảo hiểm có cần thiết để tô điểm cho cái mác quốc tế?
Tôi đã đi nhiều nước và cũng đã nghiên cứu tư liệu các trường đại học nổi tiếng trên thế giới, nhưng tôi chưa thấy nơi nào lại có những quy định hết sức kỳ cục và bất thường như trường này. Giáo dục đại học liệu đã mở hay chưa, hay vẫn còn phải chạy theo các nước bạn chỉ vì những tư tưởng bảo thủ, cách quản lý tồi?
Le Hung
* Tôi nghĩ cần thiết phải có một đợt thanh tra về tình hình thu tiền tại trường đại học Hồng Bàng. Bộ Giáo Dục - đào tạo cần phải có những quy định và chính sách cụ thể để bảo vệ quyền lợi của học sinh - sinh viên.
Cao Tiến Sĩ
* Mong lãnh đạo trường đại học Hồng Bàng hãy nghĩ đến những tâm tư, nguyện vọng của các tân sinh viên đang và sẽ tiếp tục theo học tại trường. Hãy để cho các em vững tâm và có đủ niềm tin, lòng tự hào khi nói tới trường mình.
Thầy cô biết không, em từng là sinh viên của trường, nhưng nếu ai hỏi em tốt nghiệp trường nào, em không dám nói thật... Một lần nữa em cầu mong quý thầy cô của trường hãy cho chúng em niềm tin khi theo học tại trường.
Một bạn đọc
* Tôi từng là sinh viên trường Hồng Bàng nên tôi rất hiểu những gì các bạn sinh viên nói, và những điều báo chí nêu. Nhưng tôi nghĩ vẫn chưa đủ để nói hết về trường Hồng Bàng. Gần đây lại thấy báo chí đưa tin trường đã được nâng cấp thành trường quốc tế, tôi thật sự không thể tin nổi.
Heo con
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận