23/12/2015 06:00 GMT+7

Từ chối nhận chai trà bị lợn cợn có đúng luật?

ĐẶNG TƯƠI - MAI NGUYỄN
ĐẶNG TƯƠI - MAI NGUYỄN

TTO - Bạn đọc bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ việc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Cần Thơ từ chối tiếp nhận chai trà thảo mộc Dr. Thanh bị lợn cợn.

Ông Nguyễn Ngọc Anh và chai nước có dị vật - Ảnh: Tiến Thành
Chai nước có dị vật - Ảnh: Tiến Thành

“Phải gọi là Hội Bỏ Và Quên Luôn Người Tiêu Dùng mới đúng” - bạn đọc bày tỏ.

“Ai sẽ bảo vệ người tiêu dùng? Người tiêu dùng biết dựa vào ai đây?” - bạn đọc Nguyễn Thiên Đăng chua xót.

Còn bạn đọc Tran Hùng than: "Làm người tiêu dùng ở Việt Nam thật khó".

Trong khi đó giới luật sư và chuyên gia phân tích như thế nào?

Phải có hóa đơn mới được tiếp nhận?

Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM), việc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (HBVQLNTD) TP Cần Thơ từ chối tiếp nhận chai trà thảo mộc Dr. Thanh bị lợn cợn vì lý do anh Nguyễn Văn Ngoan (TP Cần Thơ) - người đã mua nhầm chai trà có dấu hiệu kém chất lượng trên - không xuất trình được hóa đơn mua hàng là việc làm trái quy định của pháp luật.

"Anh Ngoan có được chai nước bằng giao dịch dân sự (mua bán). Mà theo quy định tại điều 124 Bộ luật dân sự, giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Việc mua bán chai nước ngọt của anh Ngoan hoàn toàn có thể thực hiện bằng hình thức lời nói hoặc hành vi, chứ không buộc phải lập thành văn bản như hóa đơn mua hàng" - luật sư Hiệp nói.

Trường hợp có hóa đơn mua hàng cũng chưa chắc HBVQLNTD TP Cần Thơ đã tiếp nhận, vì biết đâu họ lại lý luận tiếp rằng đây có thể là hóa đơn giả thì làm sao anh Ngoan chứng minh được. 
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo điều 26 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong trường hợp người tiêu dùng không cung cấp được bằng chứng thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu các bên giải trình hoặc tự xác minh, thu thập thông tin, bằng chứng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hơn nữa, theo điều 21.2 nghị định 99/2011/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nếu không có chứng cứ khi nộp yêu cầu thì người tiêu dùng được bổ sung trong thời hạn năm ngày kể từ ngày yêu cầu.

“Không có chứng cứ còn được năm ngày bổ sung, chứ huống chi là có nhưng thiếu như trong trường hợp này” - luật sư Hải nói.

Không làm đúng trách nhiệm Nhà nước giao

Đó là nhận định của luật sư Hà Hải về trách nhiệm của HBVQLNTD Cần Thơ. Luật sư Hải cho rằng theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi phát hiện hoặc được tiếp nhận hàng hóa không bảo đảm an toàn, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của mình thì HBVQLNTD phải có trách nhiệm giải quyết. Trong trường hợp này, nhân viên của HBVQLNTD chỉ nhận thông tin khiếu nại mà không nhận tang vật chứng cứ là chưa hoàn thành đúng trách nhiệm của mình.

“Theo quy định tại khoản 3, điều 4 Luật bảo vệ người tiêu dùng, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được thực hiện kịp thời. Kịp thời như thế nào trong trường hợp này khi làm khó người dân như thế?” - luật sư Hà Hải đặt câu hỏi.

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp cũng đặt vấn đề nếu không bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng thì mục đích hội lập ra để làm gì?

“Người tiêu dùng đã tìm đến hội thì hội phải có trách nhiệm giải thích, chứng minh rằng hội đang bảo vệ quyền lợi cho họ chứ không phải đánh đố họ. Khi không làm được chức trách này thì HBVQLNTD đã đánh mất niềm tin của người tiêu dùng. Hơn nữa, trách nhiệm của hội là đảm bảo sự trong sạch của môi trường sản xuất. Việc bảo vệ người tiêu dùng thông qua xử lý những sản phẩm lỗi như thế này chính là bảo vệ cộng đồng nói chung, chứ đâu phải chỉ là bảo vệ cá nhân người đó” - luật sư Huỳnh Phước Hiệp nhận định.

Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp, khi nhận được khiếu nại về sản phẩm lỗi, HBVQLNTD chỉ cần mời đơn vị sản xuất - ở đây là Công ty Tân Hiệp Phát - đến làm việc. Nếu công ty sản xuất nhận đó chính là sản phẩm của họ thì giải quyết theo quy định. Còn nếu không nhận sẽ có cách giải quyết khác. Do vậy, việc làm rõ sản phẩm lỗi do ai mua, mua ở đâu không thật sự cần thiết.

Nếu mua phải sản phẩm lỗi, người tiêu dùng nên làm gì?

Trả lời câu hỏi trên, luật sư Huỳnh Phước Hiệp cho rằng người tiêu dùng vẫn nên liên hệ ngay với HBVQLNTD để họ trở thành cơ quan hòa giải giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất. Thông qua trung tâm bảo vệ người tiêu dùng, người gặp trường hợp này có quyền bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng nếu doanh nghiệp sản xuất đồng ý mua.

“Thương lượng mua bán trong trường hợp này là hoàn toàn bình thường. Theo tôi, vài trăm triệu đồng cho những thông tin về sản phẩm không đảm bảo chất lượng là không mắc, nếu như có yếu tố bất cẩn và coi thường người tiêu dùng của cơ quan sản xuất. Việc họ phải tốn tiền cho sai lầm của mình là xứng đáng” - luật sư Hiệp nêu quan điểm.

Theo luật sư Hiệp, những giao dịch như vậy thật ra rất đáng hoan nghênh. Bởi vì khi phải tốn nhiều tiền cho những sản phẩm lỗi, doanh nghiệp sẽ ý thức hơn trong việc sản xuất sản phẩm và tôn trọng người tiêu dùng. Phải sản xuất tốt mới không bị người tiêu dùng lợi dụng. Cả nhà kinh doanh và người tiêu dùng đều phải có trách nhiệm trong việc làm trong sạch môi trường sản xuất.

Còn nếu khi liên hệ với HBVQLNTD mà không được giải quyết yêu cầu hoặc không đồng ý với việc giải quyết yêu cầu, luật sư Hà Hải cho rằng người dân có thể khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh vì đây là cơ quan cấp trên trực tiếp của HBVQLNTD.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> LS Huỳnh Phước Hiệp:

>> LS Hà Hải:

ĐẶNG TƯƠI - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục