16/10/2009 21:48 GMT+7

Từ chỉ số cạnh tranh và ICOR, nghĩ về hiệu quả gói kích cầu

Theo TRẦN SĨ CHƯƠNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo TRẦN SĨ CHƯƠNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Thời gian vừa qua, đã có nhiều ý kiến khác nhau về hiệu quả của gói kích cầu 8 tỉ USD nhằm vực dậy nền kinh tế nước ta, cũng như những dự đoán về tính khả thi của gói kích cầu thứ hai sẽ được quyết định vào cuối tháng này. Câu hỏi đặt ra là hiệu quả của những biện pháp “cứu trợ” này đến đâu?

Từ chỉ số cạnh tranh và ICOR, nghĩ về hiệu quả gói kích cầu

Thời gian vừa qua, đã có nhiều ý kiến khác nhau về hiệu quả của gói kích cầu 8 tỉ USD nhằm vực dậy nền kinh tế nước ta, cũng như những dự đoán về tính khả thi của gói kích cầu thứ hai sẽ được quyết định vào cuối tháng này. Câu hỏi đặt ra là hiệu quả của những biện pháp “cứu trợ” này đến đâu?

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng rất khó để đo được chính xác hiệu ứng của bất kỳ gói kích cầu nào, vì ngay cả ở Mỹ với hệ thống thông tin minh bạch và chặt chẽ từ nhiều năm qua cũng vấp phải nhiều trở ngại khi đo lường hiệu ứng kích cầu - huống hồ là ta.

Trong điều kiện đó, việc xem xét xu hướng tăng hay giảm của những chỉ số quan trọng như chỉ số ICOR, chỉ số cạnh tranh… trở thành căn cứ tương đối chính xác để đo lường hiệu ứng về mặt trung và dài hạn của gói kích cầu.

Đừng lơ là chỉ số cạnh tranh và ICOR

ImageView.aspx?ThumbnailID=368804
Ảnh minh họa

Chỉ số ICOR đo lường hiệu quả đầu tư, tính trên lượng vốn cần tăng thêm để đạt mức gia tăng một đơn vị sản lượng. ICOR càng cao thì hiệu suất này càng thấp. Chỉ số này đã leo lên một mức thang mới trong khoảng một năm qua khi Chính phủ tăng cường các nguồn vốn đầu tư nhằm chống suy giảm kinh tế.

Vào đầu tháng 10, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, chỉ số ICOR năm 2009 đã được báo cáo lên đến 8 - mức cao nhất từ trước đến nay (ICOR năm 2008 ở mức 6,66). Điều này đồng nghĩa với hiệu suất đầu tư của Việt Nam đã giảm hẳn 20%. Nếu so sánh chỉ số ICOR 8 hiện nay của Việt Nam so với mức 5 của Thái Lan thì sẽ thấy hiệu suất kinh tế của nước bạn gần gấp đôi nước ta (cụ thể, chúng ta phải đầu tư gấp đôi mức Thái Lan đầu tư thì mới mong có mức tăng trưởng ngang nhau).

Nói như thế để thấy chỉ số ICOR tuy không thể đo lường một cách chính xác nhưng vẫn có giá trị tương đối rõ ràng để so sánh hiệu suất kinh tế của ta với các nước bạn, hoặc để so sánh nội lực kinh tế của chính ta qua từng năm.

Song song với việc chỉ số ICOR tăng thì chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong năm 2009 đã tụt năm bậc (từ 70 xuống 75) dựa theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau khá xa so với Singapore (3), Thái Lan (36)...

Trong số 133 đất nước được WEF đưa ra đánh giá, chỉ số thuộc loại thấp nhất của Việt Nam gồm có chất lượng cơ sở hạ tầng (111/133), chất lượng đường sá (102/133), chất lượng cung cấp điện (103/133), thâm hụt ngân sách (103/133), chi phí cho giáo dục cơ sở (103/133), chất lượng các trường đào tạo về quản lý (111/133), thời gian để bắt đầu doanh nghiệp mới (111/133), hàng rào thuế quan (126/133), khả năng bảo vệ nhà đầu tư (126/133)…

Mặt khác, trong khi chỉ số cạnh tranh và ICOR đều đang ở mức không mấy lạc quan thì GDP của nước ta vẫn giữ mức tăng trưởng tốt. Lý giải cho điều này, có thể thấy việc tăng cường nguồn lực đầu tư, triển khai các gói kích cầu đã có một số tác dụng hỗ trợ nhất định, khiến nền kinh tế không bị suy giảm mạnh, nhờ đó giữ được mức tăng trưởng khá cho dù tình hình chung của các nước khác đều tăng trưởng âm. Nhưng vấn đề đáng quan tâm hơn là mức tăng trưởng này có đồng nghĩa với việc nội lực của nền kinh tế sẽ được củng cố để duy trì và phát triển sau khủng hoảng hay không?

Chúng ta đã đầu tư một khoản tiền rất lớn để cứu vãn tình thế trước mắt, nhưng lại không nhìn trước những hệ quả sẽ phát sinh trong tương lai gần. Nội lực của đất nước không tăng lên nhờ gói kích cầu vì hệ quả thấy được là chỉ số cạnh tranh và ICOR đã trở nên xấu hơn. Tương tự như một bệnh nhân đang trong cơn hiểm nghèo được tẩm bổ nhưng không theo bài dinh dưỡng hợp lý để vừa dùng đúng thuốc, chữa đúng bệnh.

Vì thiếu tính toán, lơ là trong điều trị nên dẫn đến hiệu ứng phụ, tác dụng ngược của thuốc. Hậu quả là bệnh nhân có tăng ký nhưng đó không phải là dấu hiệu hồi phục khỏe mạnh, mà là hiện tượng béo phì sẽ gây ra dư thừa mỡ trong máu, ù lì, chậm chạp hơn… Thế nên mức tăng GDP 5% nhờ gói kích cầu, tuy đã có một số tác động ổn định xã hội, nhưng đã gián tiếp đẩy chỉ số ICOR của Việt Nam leo thang đến mức nguy hiểm và giảm đi sức cạnh tranh. Vậy vấn đề của gói kích cầu trong thời gian qua nằm ở đâu?

Nhìn nhận lại gói kích cầu

Những tháng cuối năm 2008, chúng ta đã nhanh chóng siết chặt tín dụng nhằm kìm hãm lạm phát, cũng như cắt giảm một số khoản đầu tư công có hiệu quả thấp. Tuy nhiên, nhìn lại gói kích cầu từ đầu năm đến nay, lại có đến gần 80 ngàn tỉ đồng đã được đầu tư vào các dự án công - gần bằng tổng đầu tư của cả năm ngoái! Con số này vượt xa nhiều khoản tiền hỗ trợ lãi suất (chỉ được có gần 17 ngàn tỉ) nhưng mang lại hiệu quả chẳng bao nhiêu.

Gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng lượng đầu tư này quá dàn trải, thiếu tính toán nên dẫn đến “hậu quả là lãng phí vốn đầu tư, làm giảm hiệu quả đầu tư và thậm chí không còn đạt hiệu quả đầu tư như mục tiêu đặt ra”. Khi một thành phần kinh tế đầu tư không hiệu quả mà còn được ưu ái nhận thêm hỗ trợ, tất yếu sẽ dẫn đến “căn bệnh” suy thoái thêm trầm trọng.

Giả dụ một phần nhỏ của tổng gói kích cầu được rót vào những công ty không có khả năng phục hồi thì khoản tiền đó sẽ trở thành những “món nợ” xấu, có nguy cơ mất trắng. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến toàn nền kinh tế nói chung và cụ thể nhất, ảnh hưởng nặng nề lên hệ thống tài chính ngân hàng.

Từ đó, đặt ra hai vấn đề cần được giải quyết triệt để và kịp thời. Đó là nhu cầu tái cấu trúc và những biện pháp kích cầu thật sự đúng chỗ, đúng mức, đúng tầm. Trước mắt, cần cải thiện cơ sở hạ tầng về vật chất, xã hội, giáo dục, y tế…, hệ thống pháp lý và hành chính. Đặc biệt, hệ thống hành chính cần được tái cấu trúc đầu tiên, bởi đây là lĩnh vực không đòi hỏi đầu tư cao nhưng mang về hiệu quả tức thời, qua đó làm tăng tính cạnh tranh, thu hút đầu tư cũng như phát triển hiệu quả đầu tư một cách nhanh nhất. Vấn đề tái cấu trúc này hoàn toàn nằm trong tầm tay chúng ta, có thể triển khai ngay.

Vấn đề thứ hai liên quan đến gói kích cầu. Có thể thấy gói kích cầu thứ nhất trong thời gian qua thực chất là một biện pháp nhằm kích cung vì thông qua những biện pháp hỗ trợ, đầu tư vào doanh nghiệp để kích thích tiêu dùng. Kích cung sao cho hiệu quả luôn là một bài toán khó: kích cung nào, ở đâu, khi nào và làm sao thực sự biết được bao nhiêu cầu được kích?

Mặt khác, kích cung một phần cũng chỉ giúp được kích cầu tăng lên một tỷ lệ nhỏ. Để kích cầu đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, công bằng nhất và nhanh nhất thì phải hướng trực diện đến thị trường và kích cầu thật sự, đồng loạt, không phân biệt đối tượng kinh tế. Những biện pháp kích cầu hữu hiệu như giảm giá xăng dầu, thuế tiêu dùng, giá điện nước… thật sự cần thiết để hỗ trợ cho người tiêu dùng, qua đó sẽ góp phần thúc đẩy chỉ số cung trong toàn nền kinh tế. Cầu thực sẽ kích cung thực.

Song song đó, cần nỗ lực hơn nữa trong tái cấu trúc nền kinh tế nước nhà. Tình hình kinh tế của thế giới vẫn còn rất bấp bênh nên đừng lạc quan quá mức vào sự khởi sắc của năm 2010 có thể giúp chúng ta vượt khỏi giai đoạn hiểm nghèo. Mỹ là kinh tế đầu tàu có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến sự hồi phục của kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, nhưng họ đang còn phải đối đầu với nhiều khó khăn.

Trước mắt là tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến mức 10% và vẫn còn tăng, ảnh hưởng đến mức tiêu dùng của người dân Mỹ (đến 70% của GDP). Ngoài ra, họ chưa giải quyết được những rủi ro nợ xấu của nhiều ngân hàng. Với tình hình này Mỹ cần ít nhất ba đến năm năm nữa để phục hồi trở lại thời điểm như năm 2006.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có gói kích cầu 675 tỉ USD như một liều thuốc khỏe cầm chừng cho người bệnh chứ không thể trị dứt bệnh. Sự sôi động của thị trường chứng khoán và bất động sản Trung Quốc trong thời gian qua phần lớn là ảo, nhờ các biện pháp kích cầu có tính tình thế. Trong một thời gian ngắn sắp tới, “bong bóng” nhà đất và chứng khoán của Trung Quốc có thể vỡ mạnh. Tất cả các yếu tố này đang tạo nên một sự bất ổn khó lường trước được cho nền kinh tế toàn cầu.

Dù chúng ta có thể kỳ vọng vào những tín hiệu lạc quan, nhưng cũng phải chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất, để khi kinh tế thế giới có tăng giảm thế nào thì Việt Nam cũng có sự đối phó kịp thời. Chúng ta đã biết rõ mình phải làm gì trong thời buổi suy thoái này, quan trọng nhất vẫn là cần có đủ ý chí, sự quyết tâm và bản lĩnh để hoàn thành triệt để những vấn đề còn tồn đọng đó.

Theo TRẦN SĨ CHƯƠNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Theo TRẦN SĨ CHƯƠNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên