23/06/2009 12:17 GMT+7

Từ 1-7, Luật giao thông đường bộ có hiệu lực: Nhiều vi phạm chưa phạt được

Theo THÀNH VĂN - Báo Pháp Luật TP.HCM
Theo THÀNH VĂN - Báo Pháp Luật TP.HCM

Nghị định mới chưa ban hành nên sau ngày 1-7, có thể căn cứ nghị định 146 để xử phạt (?). Từ ngày 1-7, Luật giao thông đường bộ mới được sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực. Nhưng do nghị định xử phạt mới chưa được ban hành nên lực lượng chức năng vẫn sẽ phải căn cứ vào nghị định cũ để xử phạt.

pU3hvSDm.jpgPhóng to
Sau ngày 1-7, người điều khiển xe đạp điện tham gia lưu thông không đội mũ bảo hiểm sẽ không bị xử phạt do chờ nghị định xử phạt mới. Ảnh: H.T.D.

Luật mới, xử phạt theo nghị định cũ

Theo bà Trịnh Minh Hiền - vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông vận tải (GTVT)), đầu tháng 7 Bộ GTVT mới trình Chính phủ dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thay thế cho nghị định 146. Do đó, nhanh nhất thì cũng phải sau 45 ngày khi Chính phủ ký và đăng công báo thì nghị định xử lý mới chính thức có hiệu lực.

Lý giải sự chậm trễ trên, bà Hiền cho biết: Ngay khi trình ra Quốc hội dự án Luật giao thông đường bộ sửa đổi, bộ đã kèm theo dự thảo nghị định xử lý vi phạm hành chính. Bộ cũng đã đưa dự thảo lên trang web của ngành để lấy ý kiến. Trong quá trình đó có nhiều quy định mới được bổ sung, sửa đổi trong dự án Luật giao thông đường bộ nên dự thảo nghị định cũng phải điều chỉnh theo.

Bà Hiền cho rằng dù nghị định mới chưa được ban hành nhưng sau ngày 1-7, lực lượng chức năng vẫn có thể căn cứ vào nghị định 146 để xử phạt các vi phạm.

Ví dụ, theo quy định trong luật mới thì sau ngày 1-7, lái xe ôtô không được phép uống rượu, bia. Còn luật hiện hành quy định chỉ khi nào lái xe uống rượu, bia mà nồng độ cồn trong máu vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc 40 mg/1l khí thở mới bị xử phạt. Vì thế, sau ngày 1-7, cơ quan chức năng có thể lấy mức xử phạt tại nghị định 146 (phạt từ một triệu đến ba triệu đồng) để xử phạt các lái xe ôtô uống rượu, bia.

Nhiều vi phạm lọt lưới

Tuy nhiên, bà Hiền cũng cho biết sau ngày 1-7 sẽ có nhiều vi phạm chưa thể bị xử lý. Cụ thể như quy định bắt buộc trẻ em trên sáu tuổi ngồi trên môtô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm (luật hiện hành quy định trẻ em dưới 14 tuổi không phải đội mũ bảo hiểm); hay như người ngồi trên xe đạp điện tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm.

Một vấn đề khiến người dân băn khoăn là quy định bắt buộc xe đạp điện cũng phải đội mũ bảo hiểm. Nhưng nếu người đi xe đạp máy nhưng đạp bằng chân có bị xử phạt không?

Ông Nguyễn Văn Quyền - phó ccục trưởng Cục Đường bộ - khẳng định: Luật không tách việc đạp xe bằng chân với chạy xe bằng máy. Do đó, tất cả trường hợp đều phải đội mũ bảo hiểm. Những trường hợp đội mũ bảo hiểm mà không cài quai cũng sẽ bị coi là không đội mũ bảo hiểm.

Bà Hiền cho biết thêm các trường hợp trẻ em trên sáu tuổi không đội mũ bảo hiểm thì người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt. Mức xử phạt mà dự thảo nghị định do Bộ GTVT đang soạn thảo là từ 100.000- 200.000 đồng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cho biết từ ngày 1-7, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiến hành ra quân. Ngoài việc tuyên truyền, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo nghị định 146. Với những vi phạm chưa có chế tài xử phạt, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tuyên truyền, nhắc nhở để mọi người có ý thức chấp hành.

Theo THÀNH VĂN - Báo Pháp Luật TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên