04/09/2004 09:46 GMT+7

Từ 1-10: cán bộ công chức không được hành nghề luật sư

CHI MAI thực hiện
CHI MAI thực hiện

TT - Theo pháp lệnh luật sư năm 2001, kể từ ngày 1-10-2004, các luật sư (LS) hiện đang là cán bộ, công chức nhà nước phải rút tên ra khỏi danh sách đoàn LS và phải chấm dứt hành nghề LS. Chúng tôi đã trao đổi với LS Nguyễn Văn Trung - phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM - xung quanh vấn đề này.

EphUfBAP.jpgPhóng to
LS Nguyễn Văn Trung
TT - Theo pháp lệnh luật sư năm 2001, kể từ ngày 1-10-2004, các luật sư (LS) hiện đang là cán bộ, công chức nhà nước phải rút tên ra khỏi danh sách đoàn LS và phải chấm dứt hành nghề LS. Chúng tôi đã trao đổi với LS Nguyễn Văn Trung - phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM - xung quanh vấn đề này.

* Số lượng LS thuộc diện này của Đoàn LS TP.HCM là bao nhiêu người, thưa ông?

- Đoàn LS TP.HCM hiện có khoảng 860 LS (trong đó 350 là LS tập sự). Theo thống kê sơ bộ hiện nay của đoàn thì số LS đồng thời là cán bộ công chức vào khoảng 50-60 người, hầu hết công tác trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức Đảng, làm trong doanh nghiệp nhà nước hoặc giảng dạy pháp luật tại các trường học...

Theo qui định của pháp lệnh LS năm 2001, các LS đồng thời là cán bộ công chức chỉ được tiếp tục hành nghề đến ngày 1-10-2004. Sau ngày này, LS chỉ được lựa chọn một trong hai nghề: làm cán bộ công chức hoặc làm LS .

Một trong những yêu cầu đối với LS trong điều kiện hiện nay là phải tận tâm, tận lực phục vụ khách hàng của mình. Điều này đòi hỏi LS phải đầu tư nhiều thời gian cho hoạt động nghề nghiệp.

Vì vậy, đội ngũ LS kiêm nhiệm thực tế không thể chuyên tâm với nghề nghiệp và không đủ thời gian để đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp dẫn đến không đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đồng thời một số trường hợp còn gây phiền hà cho cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là công tác xét xử của tòa án.

Điều cơ bản hơn là sự kiêm nhiệm trong hoạt động LS sẽ có nhiều khả năng ảnh hưởng không tốt đến sự vô tư, khách quan trong khi thực hiện các dịch vụ pháp lý.

Trong khi đó, pháp lệnh cán bộ công chức đã có qui định công chức không được kiêm nhiệm các công việc khác với tính chất là một nghề.

(Trích phát biểu của nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc về pháp lệnh LS năm 2001)

Trong hướng dẫn mới đây của Bộ Tư pháp, chậm nhất là ngày 15-9-2004, Đoàn LS TP sẽ gửi thông báo để cho các LS này rút tên khỏi danh sách đoàn và chấm dứt hành nghề.

Tuy nhiên, những LS là cán bộ công chức nếu có nguyện vọng thôi làm cán bộ công chức để tiếp tục hành nghề LS thì gửi đơn cho đoàn kèm theo quyết định cho thôi việc của cơ quan chủ quản để ban chủ nhiệm xem xét trước ngày 1-10-2004.

* Đoàn LS có biện pháp gì đối với trường hợp LS không tự giác, cố tình kiêm nhiệm cả hai công việc và làm cách nào biết được việc kiêm nhiệm của LS ?

- Đây là qui định của pháp lệnh, LS không được đồng thời là cán bộ công chức. Trước mắt theo qui định thì đoàn sẽ để cho các LS tự giác rút tên, nhưng sau đó chúng tôi phải tổ chức rà soát, kiểm tra lại để thực hiện nghiêm túc qui định của pháp lệnh.

Nếu phát hiện trường hợp LS nào gian lận, chúng tôi sẽ ngay lập tức xóa tên khỏi danh sách đoàn và thu hồi thẻ LS.

Ngay từ khi xét kết nạp LS tập sự, chúng tôi đã kiểm tra hồ sơ sơ bộ rồi. Sau ngày 1-10-2004, Đoàn LS TP sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra lại toàn bộ.

* Trong trường hợp LS đã bị xóa tên khỏi danh sách Đoàn LS nhưng vẫn còn chứng chỉ hành nghề do Bộ Tư pháp cấp thì các LS này có được tiếp tục làm công tác tư vấn tại các văn phòng LS?

- Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, tất cả những LS bị xóa tên khỏi danh sách đoàn LS sẽ phải đóng cửa văn phòng LS và không được hành nghề LS nữa. LS muốn hành nghề phải đủ hai điều kiện là có chứng chỉ hành nghề và là thành viên của một đoàn LS.

Do đó, sau khi xem xét và xóa tên các LS là cán bộ, công chức thì ngoài việc thu hồi thẻ, đoàn LS cũng sẽ gửi thông báo cho Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp (cơ quan cấp phép hoạt động của các văn phòng LS) biết để Sở Tư pháp có trách nhiệm rút giấy phép của văn phòng LS.

Không thể để luật sư sử dụng lợi thế của cán bộ công chức khi hành nghề

Nếu LS đồng thời là cán bộ công chức nhà nước sẽ dễ dàng sử dụng lợi thế chức danh, nhiệm vụ họ đang làm để phục vụ công việc của LS.

Đơn cử trong vụ án hình sự, một giảng viên đại học làm LS bào chữa cho bị cáo có thể được các thẩm phán, kiểm sát viên nể nang bởi vì có thể thẩm phán, kiểm sát viên đó là học trò của giảng viên này.

Trong vụ án dân sự nếu LS là cán bộ công chức làm trong văn phòng UBND sẽ có nhiều thông tin để chống lại phía bên kia, tạo ra sự bất bình đẳng giữa hai bên.

CHI MAI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên