Phóng to |
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Bố mẹ Miên vốn là dân Bắc di cư vào đây. Dù mặc nhiên Miên sinh ra ở đây, ăn cơm ở đây và làm việc ở đây thế nhưng Miên vẫn là một người khác. Một người không có họ hàng, dây mơ rễ má ở chốn xảy ra vụ chìm tàu. Vậy mà ruột gan cô như có ai túm chặt lấy chà đi xát lại nhiều lần.
Sếp tổng mặt mày nhúm nhó lại khi nghe Miên xin đi. “Trời đất, mày đâu có biết lội, đi đêm hôm khuya khoắt, phải chạy cho thiệt kịp số báo nữa. Chậc, cực lắm”. Nghe sếp nói Miên biết là đồng ý. Ừ, chẳng qua ổng thấy đường đi lặn lội nên xót xa vậy mà, chứ chuyện đêm hôm rồi không biết lội đâu phải là chuyện quan trọng.
Từ hồi Miên cắn muốn nát cây bút trước khi ghi vào nguyện vọng khoa báo chí trường X, từ hồi Miên đứng trước đám đông trong một lần họp mặt của tỉnh, chân run muốn lật nhào vẫn nói tỉnh bơ với cái lỗ tai đang nóng lên như có ai đặt cái bếp lò bên cạnh: “Con, ơ, tôi nghĩ điều thú vị nhất và sung sướng của người làm báo là được có mặt ở nơi xảy ra điểm nóng”.
Từ hồi Miên lụi hụi theo gót mấy anh lội bê bết qua mấy công vuông rồi lọt cái tõm xuống cái rạch nhỏ xiu xiu mình mẩy ướt lóp ngóp. Từ hồi Miên ra đảo viết bài về mấy anh lính thương quá không chịu về làm điện thoại mấy sếp cứ réo gọi mãi. Chẳng biết từ mấy cái từ hồi như vậy là có chuyện Miên lại nhào lên đường.
Nghe Miên kể, thấy Miên nghĩ vậy người ta tưởng Miên làm báo lâu dữ ôn rồi. Thật ra chỉ mới qua hai mùa giải Cây Mai thôi. Mùa đầu Miên mới về, nhìn người ta lên lãnh giải hai con mắt ngó lom lom mà sung sướng cười toe toét mơ đến ngày mình được vậy. Mùa sau được chọn bài dự thi, Miên cứ tưởng tượng hoài ngày mình đứng cười lỏn lẻn với mọi người, thèm người ta chỉ chỏ, con nhỏ chút ét, mun hết cỡ luôn mà lãnh giải bự ta, mà cười thấy có duyên, có hậu hết sức nghen ta. Thèm vậy thôi. Như lần này ngồi trên canô, lòng ham muốn ấy lại cứ cuộn trào trong Miên khi lời sếp cứ văng vẳng bên tai: “Còn năm ngày nữa là hết hạn nộp bài dự thi Cây Mai. Con đi chuyến này viết thật kỹ nghe. Chú tin con làm được!”.
Chỉ dặn vậy thôi mà lòng dạ cồn cào không chịu được. Bởi Miên chưa từng được đi theo đến cùng sự kiện, chưa từng áp dụng triệt để những điều đã học vào công việc thực tế của mình. Miên nghĩ, cô phải khai thác những gì thương tâm nhất để người đọc thiệt là xúc động, phải cho mấy ông ở xã thấy là quản lý lơ mơ kiểu này thì còn khối việc khủng khiếp hơn. Cơ hội để khẳng định bút lực của Miên, ngòi bút sắc sảo và lanh lẹn, lối viết lấy nước mắt người khác đầy tỉnh táo.
Khuya, canô chạy nhanh, cái lạnh dường như chui tọt hết vào Miên. Anh bạn đồng nghiệp lúi húi kiểm tra máy, nghe điện thoại và hét át tiếng gió, tiếng sóng và cả nỗi sợ mơ hồ nào đó nữa. Miên nghĩ đến giải thưởng, đến những câu chuyện nhưng trong bụng Miên vẫn cứ xốn xang không tả được. Địa bàn huyện X này cô đến chỉ hai lần. Một lần về biết chú Sáu, một lần về nhớ anh Thiên.
Nhớ anh Thiên lại thấy buồn quá hà. Bữa Miên về anh phải bận đi gom mấy đứa nhỏ trong xóm tổ chức văn nghệ rồi chạy hụt hơi, thở phì phì qua hai cái lỗ tai để giúp vui cho mấy chị phụ nữ nhân ngày 8-3. Tự dưng không ở chợ lại lặn lội vô xã, tự dưng không ngó ai hết đi bắt ngó Miên hoài, tự dưng kể cho Miên nghe những chuyện trong xóm buồn não ruột làm Miên phải lén quay đi chùi nước mắt... Lần đó, một mình Miên đi xuống xã để tìm về một cụ già giữ chiếc sắc thần mà ngôi đình đã mất từ lâu lắm. Xã phân công Thiên lấy vỏ lãi chở Miên đi. Sóng chùng chình có nhìn mặt được đâu.
Tìm được tới nhà, Miên biểu Thiên về, còn mình ở lại. Đâu chỉ đơn thuần là chuyện cái sắc thần bởi cái sắc liên quan đến cái đình. Cái đình lại liên quan đến mấy cụ già, mà mấy cụ già ấy có từ hồi cái làng này mới có mấy nóc gia. Mà đã hết đâu, rồi chuyện giặc bỏ bom cháy rụi đình. Rồi chuyện bọn giặc lùng kiếm sắc thần, nhà bao nhiêu từng cũng được, đất rộng bao nhiêu cái chỉ tay cũng có. Vậy mà...
Mà cũng tại bao nhiêu cái vậy mà của lão ngư già lụm cụm nhưng còn tinh mắt nhận ra cái nhìn xao xuyến của cậu trai khiến Miên với Thiên ở miết trong chòi vuông cả tuần. Hai người chỉ cho Miên biết cái vó, lú, nò là sao. Sao mà hổng thèm gọi tên khác lại gọi tên vậy. Cây đước ăn xuống đất bao xa, cái rễ ôm bao nhiêu đất bãi bồi và vì sao phù sa nơi khác đến đây không chịu đi đâu nữa.
Chẳng nỡ rời xa vì mến chân mến tay, vì sợ mở mắt ra không còn được dòm thấy cái mặt hay nhăn nhăn, thấy đôi tay dài thòng mà nhanh nhẹn... Miên mến cả con cá, con tôm hằng ngày được hai đứa quăng thức ăn, mến luôn con mực cứ giả bộ đuổi theo con chuột nhắt tí tẹo để hai đứa cứ mải câu chuyện trò trên bờ bao. Để rồi bàn chân chưa quen giẫm trên đất mặn, chưa từng xót vì vết phỏng rộp lại khiến ai đó bận lòng. Bận lòng mà chắt lưỡi, bận lòng mà nhìn xa xăm. Ừ, mà chắc bận lòng nên người ta không thể nói những lời vô tư như vẫn nói với người khác là đất này dễ thương lắm. Đến đây là như cây đước ngàn đời không xa bãi bồi được. Ngàn đời cứ ôm khư khư đất này mà vươn đi xa mãi.
Miên ôm chiếc áo khư khư vào lòng ngắt ngang cái mặt hiền hiền của Thiên đang từ từ hiện lên mà nghĩ đến sự chuẩn bị chu đáo cho bài viết. Dưới sông vỏ, canô đậu kín. Miên mới bước lên bờ, chưa kịp vô đồn biên phòng thì một chị phụ nữ nhào vô ôm chặt Miên. Nước mắt nước mũi chảy tèm lem ướt nhẹp cả mặt Miên. “Cô ơi, cô thấy con tôi trong chiếc canô đó không?”. Bị hỏi bất ngờ Miên lỡ buột miệng nói không. Người đàn bà tu tu lên khóc hai tay quờ quạng đi trong đêm. Miên chạy nhào theo không biết vì mình ân hận lỡ lời hay vì thấy thương người đàn bà đi trong đêm vắng khi phía trước là mặt sông rộng mênh mông đen ngòm.
Hồi nhỏ, Miên trốn nhà đi tắm sông. Một đứa trong lúc trồi lên trúng cây nhọn máu chảy loang lổ. Mẹ Miên cũng quờ quạng như vậy chạy tìm. “Dì Hai à, thiệt tình hồi nãy con hông biết nên nói đại vậy. Dì vô bãi này ngồi đi. Đừng đi đâu cả”. “Nhưng con tui thì sao? Bữa nay gió thổi mạnh lắm. Tui có đem áo lạnh nè mà sao nó chưa chịu lại đồn để mặc cho ấm rồi hẵng đi chơi tiếp”. Miên phải nói hoài, nói hụt cả hơi dì mới chịu tin Miên với điều kiện cô đi tìm. Miên bước chân vào đồn biên phòng với bao câu hỏi, nếu lỡ...
Mà thật ra khi bước chân xuống vỏ để rồi căn nhà của ông già chìm dần trong đáy mắt của Miên, Miên cũng đã từng nghĩ đến bao câu hỏi nếu lỡ... Miên muốn hỏi Thiên rằng nếu lỡ em không xuống nữa thì anh Thiên có chở ai đi xa như vầy nữa không. Anh Thiên có ở một chỗ lạ với một người con gái cũng lạ lâu đến như vầy nữa không. Tự dưng mắt Miên đầy nước và Miên buột miệng câu nói đẩu đâu: “Mai em đi xứ này chắc buồn lắm”. Anh Thiên cười (cười như hệt bữa có bà má nói với anh Thiên, “thằng nhỏ coi bảnh vậy mà làm ở đây thấy tội quá. Thôi về làm vuông tiếp má cũng đủ đeo vàng, đi chơi lòng vòng với người ta”).
Sao anh Thiên không giả bộ nói câu gì đó để níu chân Miên. Sao anh Thiên không lặp lại cái nhìn hôm hai đứa ngồi nhìn sao. Ngồi đợi ông già chỉ sao cá liệt. Bữa đó anh Thiên nói nhỏ xíu hà. “Không biết lần sau nước ròng, Miên có nhớ cái đuôi sao cá liệt nữa không?”. Sao anh Thiên không nói với Miên câu nhỏ xíu như vậy nữa. Nói rồi nhìn y chang như vậy cũng được nữa.
Mà chắc anh Thiên không thèm nói đâu. Anh Thiên có rảnh đâu mà chú ý đến Miên nữa chứ. Chưa về đến xã, anh Thiên đã xăng xái nhào xuống mò máy bị chìm với người ta rồi. Lại còn hứa một chút xíu sẽ vô tỉa mấy cây đước làm nhà tiếp. Anh Thiên có rảnh đâu mà nhớ rằng chỉ một chút xíu nữa thôi sẽ rời chân xa tay, sẽ không còn nghe giọng nói mấy bữa rày nữa.
Miên cứ chần chờ chẳng biết mình muốn điều gì mà một chiếc đò chạy ngang, rồi hai chiếc chạy ngang Miên cứ lắc đầu. Người ta hỏi về Cà Thun hôn cô mà Miên không gật. Chắc là Miên thấy cái giỏ nặng quá. Chắc là Miên muốn có người xách phụ trên đoạn đường dài. Dài có thể đến cuối đời cũng được. Trước tài cuối cùng một chút xíu Miên cũng kịp nghe anh Thiên nói: “Đất này vắng một người là rộng thênh thang”. Anh Thiên nói nhỏ xíu hà mà sao Miên nghe rõ lắm, nghe như vẫn còn bên tai hoài vậy.
Nghe rõ như những tiếng khóc, tiếng nói bên tai Miên lúc này. Có những tiếng khóc rơi ra từ nỗi vui mừng không tưởng được. Có những tiếng khóc đặc quánh lại tưởng chừng như kết tinh nước mắt lại thành từng viên bi nặng trĩu. Có những tiếng khóc mơ hồ, phập phồng nỗi sợ mông lung mà lại phập phồng niềm tương ngộ. Dường như nơi đây đã là cuối nguồn của con sông nên nỗi đau không thể ngược dòng, nên cứ nhận mãi nhận mãi vào lòng mình.
Miên thấy mình như dòng sông chảy qua bao triền dốc, bao cỏ cây, muốn tìm về biển rộng. Đến biển rồi lại ngần ngừ không dám chảy xiết. Biển rộng lớn có biết được những phù sa chắt chiu từ vùng đất này nhờ chở đến vùng khô cằn nơi khác. Biển rộng lớn có biết có những con sông vì muốn hoàn thành nhiệm vụ gặp lại trùng khơi mà cuốn phăng đi những phù sa nén mình ở lại để được khô cằn thành hạt cát bay lơ lửng giữa trời mà không có dịp cùng chúng bạn nô đùa chốn khơi xa.
Miên đi đến đâu cũng sợ gặp lại anh Thiên, đi đến đâu cũng sợ không thấy mặt người hiền hiền giống vậy. Miên sợ có những bài viết dở dang mà Miên cũng sợ có những bài viết mình không bao giờ viết được vì thiếu những xót xa, những nụ cười của mảnh đất Miên đặt chân đến. Hệt như lần Miên lúng túng khi anh Thiên chỉ cho coi cây mắm vì lỡ lời “sao nó xấu xí vậy anh Thiên”. Anh Thiên nhìn ra ngoài khơi cuồn cuộn sóng hỏi Miên có sợ không. Miên gật đầu vì Miên không biết bơi. Anh Thiên cười, nó xấu xí vì phải nằm im ẩn mình trong bãi triều rộng lớn, đơn côi một mình vì sự sống khắc nghiệt. Nó xấu xí vì khi vừa vươn lên đã đeo mang thêm những cây con nhỏ níu chân phù sa cho đất này. Nó xấu xí vì phải giữ lại những ngọt ngào cho cây đước đi sau vươn cao, làm thành thành lũy bảo vệ mảnh đất mong manh mà màu mỡ. Nó xấu xí vì phải biến con sóng hung hăng rồi cũng im lìm ngoan ngoãn vỗ nhẹ vào bờ những âm điệu thiết tha.
Anh bạn đồng nghiệp kéo Miên ra khỏi đám đông. “Anh em mình phải về cho kịp bài ngày mai”. Một mình anh ấy về viết vẫn kịp, còn Miên, bao nhiêu lời hứa chưa làm? Có những lời hứa không cần phải buột miệng ra, không cần phải thề thốt cho chặt dạ. Như anh Thiên vậy, anh Thiên có hứa với ai đâu mà cứ ở đất này làm miết. Còn Miên, Miên nợ anh những câu chuyện đã nghe, Miên nợ anh cái nhìn trìu mến đầy tin tưởng và cả những điều gì đó mơ hồ lắm. Như thể cây đước không thể lớn nhanh nếu xa đất bãi bồi. Như thế trái mắm ẩn mình chịu đựng, bãi triều rút đi rồi mầm xanh lại vươn lên hít khở khí trời.
Còn giải thưởng? Miên thường bảo nếu muốn đạt được một thành quả nào đó người ta phải đánh đổi. Tỉ như cái vuông tôm của ông Sáu chẳng hạn, tỉ như những câu chuyện về ông vua cá đường chẳng hạn. Tại ngày xưa vùng biển này được ban tặng quá nhiều và con người khai thác cạn sạch nên để có câu chuyện cá đường huyền thoại hôm nay người dân chóp mũi không còn một miếng khô phơi lạt ăn với cháo trắng vậy. Miên cũng thèm lắm. Thèm đến cháy khô cả cổ khi nghĩ đến tên mình trong giải Cây Mai. Đến con bé mun mun đứng ẹo ẹo lên lãnh giải.
Miên cũng biết, nếu lần này Miên lên tàu về Cà Thun xa Thiên nữa chắc là Miên sẽ giống như như con cá đường không còn ngày hội ở sân cờ Cột Tàu, giống như con cá dứa mất mùa ăn trái mắm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận