![]() |
Minh họa: Kim Duẩn |
Quốc lộ, đường phố, hẻm, đường làng toàn người đi bộ. Chỉ người giàu, người cần đi xa mới đi ngựa hoặc cưỡi trâu bò. Đường sá trải nhựa hoặc bêtông bỗng rộng thênh ra, hai bên đường cây phủ bóng mát rượi. Yên tĩnh, an toàn và không khí trong lành được mọi người trong nước và cả người nước ngoài cảm nhận rõ rệt.
Xứ sở nào tuyệt vời đến thế? Thưa, đó là Việt Nam sau những ngày tai nạn giao thông lên mức khủng: 200.000 người chết và bị thương mỗi ngày. Các loại xe chuyển động bằng điện hoặc xăng dầu xếp xó.
Từ đó tin tức về mục An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin không còn ghê rợn nữa, như: “Một người đi ngựa va phải cô bé trên đường đến trường”. “Bò của một người đi đường húc vô lưng ông già đi bộ”...
2. Chợ xổm, chợ phiên, chợ lớn và siêu thị lớn nhỏ giải tán. Đồ ăn, thức uống và các vật dụng phục vụ con người từ móng chân đến đầu tóc đều quá hạn sử dụng, tất cả lén lút chở ra biển đổ. Gạo rẫy không sử dụng phân thuốc tăng giá vùn vụt. Một con cá tràu đá ở suối, bằng ngón chân cái, giá tiền ngang một ký thịt heo. Các loại sâu bọ, côn trùng trở thành thực đơn của mỗi nhà. Người ở phố rùng rùng trở lại quê, sống đời tự cung tự cấp. Một trăm mét vuông đất rẫy không chịu đổi lấy căn nhà mặt phố...
Xứ sở nào đảo ngược mọi giá trị như thế? Thưa, đó là Việt Nam sau những ngày ngộ độc thực phẩm lên đến mức khủng: 200.000 người chết mỗi ngày.
“Một người chết vì rắn cắn khi bắt côn trùng”. “Ba người bị thương vì một quả mìn phát nổ khi dọn rẫy trồng bắp”... Đó là những tin tức về mục An toàn lao động, thay cho mục An toàn vệ sinh thực phẩm, trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay.
3. Những ngôi nhà ở phố cửa mở toang cả tầng trệt lẫn tầng lầu. Những ngôi nhà ở quê cửa nẻo sơ sài thông thống từ nhà trên xuống nhà dưới. Các xí nghiệp sản xuất ổ khóa như Việt - Tiệp, Viro... đóng cửa vĩnh viễn. Anh thợ sửa khóa nhại bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên: “Ôi mỗi năm mỗi vắng. Người độ chìa nay đâu? Kềm, giũa đành bỏ xó. Vác rựa vô rừng sâu”. Đi đâu cũng nghe mọi người ngâm nga “Hàn nho phong vị phú” của Nguyễn Công Trứ: “Ngày ba bữa vỗ bụng rau (rừng) bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no. Đêm năm canh an giấc ngáy pho pho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”.
Xứ sở nào thanh bình đến thế? Thưa, đó là Việt Nam sau những ngày trộm cướp hoành hành đến mức khủng: Chỉ vì 100.000 đồng mà một mạng người đã chết. Người ta tức mình lên và không thèm tích lũy nữa, làm sáng ăn chiều cho chắc. Không của cải để dành lấy đâu trộm cướp!
Từ đó tin tức về mục An ninh trật tự trên các phương tiện truyền thông nghe nhẹ hều: “Gia đình nọ vừa bị mất trộm xoong cá rô kho mặn”. “Một thương gia bị mất trộm ngựa nhưng sau ba ngày con ngựa cái đã tìm về chủ cũ”...
4Những từ ngữ về thơ như: làm thơ, in thơ, tập thơ, nhà thơ đương đại, lều thơ, thơ mới, thơ hiện đại, thơ hậu hiện đại, thơ ca, phê bình thơ... tuyệt không một ai được phép nhắc đến. Nhà thơ đích thực âm thầm chuyển sang viết văn. Nhà thơ tò te giấu nhẹm những tập thơ in bằng tiền lương hưu nhưng chưa kịp biếu bạn bè. Người yêu thơ gom hết những tập thơ được tặng cất kỹ dưới đáy rương. Một cường quốc về thơ bỗng chốc tuột xuống vị thứ 193 trên toàn cầu, theo cách xếp hạng của NEF.
Xứ sở nào “khô khan” đến thế? Thưa, đó là Việt Nam sau những ngày “người người làm thơ, nhà nhà in thơ”, thơ ăn cắp, thơ đạo ý, thơ như vè, thơ ngô nghê, thơ ngọng nghịu lên ngôi đến mức khủng: một triệu tập thơ của các nhà thơ được in ra mỗi ngày. Vâng, thơ thành rác nên người ta xấu hổ không dám làm thơ nữa.
“Người kia gom hết thơ chất đầy một xe tải chở đến hiến cho xí nghiệp làm giấy”. “Một ông già treo cổ tự tử vì không tìm ra chỗ để in thơ”... Đó là những tin tức về mục Văn hóa văn nghệ trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày nay.
Xin mời bạn đọc, nếu có hứng thú, cùng tôi viết tiếp kiểu hậu hiện đại này cho Việt Nam về các hiện trạng như mại dâm, phê bình văn học trung tâm - ngoại vi, dịch thi thố trên truyền hình và thi cử trong giáo dục, vân vân và vân vân, nhiều thứ lắm. Cùng tắc biến ấy mà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận