25/06/2006 06:07 GMT+7

Truyện ngắn 1200: Bụi trần gian

Truyện ngắn (1.104 chữ) của ĐỖ PHƯỚC TIẾN
Truyện ngắn (1.104 chữ) của ĐỖ PHƯỚC TIẾN

TT - Vào thời khắc của mình, khi mà thân thể đã được tẩy gội sạch sẽ, trong lúc nằm lơ ngơ chờ đợi trong một trạng thái dễ chịu hiếm hoi, ông già lại bị đánh thức bởi một hạt bụi mềm như tro tàn từ một rặng cây nào đó.

yr0dxsrr.jpgPhóng to
TT - Vào thời khắc của mình, khi mà thân thể đã được tẩy gội sạch sẽ, trong lúc nằm lơ ngơ chờ đợi trong một trạng thái dễ chịu hiếm hoi, ông già lại bị đánh thức bởi một hạt bụi mềm như tro tàn từ một rặng cây nào đó.

Một ngày thu, vị ẩn sĩ quay về nơi trú ẩn của mình sau những rặng cây, ông bắt gặp trong căn chòi màu đất một thằng bé đang cuộn tròn bên bếp, mình quấn một cái khăn cũ. Nó đã nằm đó suốt mùa hè, lả đi vì đói, hai cánh tay khẳng khiu vùi trong tro lạnh. Mùa thu qua đi rất nhanh. Thằng bé được hồi sinh bằng một món cháo rất loãng của vị ẩn sĩ. Nó sống yên ổn hết mùa đông dưới sự che chở của ân nhân mà năm mươi năm sau, trong lúc phủi một hạt bụi bám trên nếp đại phục, nó đã nghĩ tới ông với nỗi buồn thắt lòng.

Thằng bé siêng năng và kiên nhẫn phi thường. Những buổi mai tinh mơ, khi vị ẩn sĩ còn chìm đắm trong cơn nhập định, nó một mình tha thẩn dưới những cành khô đang thay lá. Nó chăm chú quan sát từng nhánh cây, hốc lá, sau đó đánh dấu cẩn thận bằng một viên đá. Ngày nọ, thằng bé mang về đặt trước cửa chòi một cái túi đựng đầy mật ong. Chuyện gì? Vị sư già nhướng đôi mày bạc. Tại sao con lại làm thế? Thằng bé lạnh lùng nhìn ân nhân, mặt của nó méo xệch bởi những vết ong đốt: con chỉ lấy lại những gì lũ ong có được do ăn cắp.

Khi những chùm hoa phù dung cuối cùng rụng xuống mái hiên màu đất, thằng bé bắt đầu rung động bởi những ảo giác thường tìm tới nó mỗi đêm từ xa thẳm chân trời, ở bờ bên kia con sông, nơi luôn bị che lấp bởi rặng cây. Thế giới ở đó lạ lùng và quyến rũ tới mức một đôi lần nó đã khóc nấc lên trong giấc mơ. Một đêm, vị ẩn sĩ gọi nó đến.

Ông chỉ cho nó một cái ghế vừa mới làm từ những cây trâm bầu tươi. Ngồi xuống, ta sẽ cho con nghe. Vị ẩn sĩ lấy ra một cây sáo bốn lỗ. Cây sáo cũng vừa mới chuốt, sắc nhựa chưa sẫm màu. Thằng bé ngồi lên ghế. Ban đầu nó cảm thấy đau buốt, nhưng khi tiếng sáo cất lên, hồn nó đột nhiên nhẹ hẫng. Tiếng sáo đưa nó băng qua bãi đồng nước lơ thơ những cành khô. Ở đó, nơi xa thẳm chân trời, có một con sông màu xám đang giận dữ trèo qua những ghềnh đá và những ngư thuyền đang run rẩy trên bọt sóng.

Ở đó, nó bắt gặp vô số xác chết của gia súc đang trôi, vô số thiếu nữ đang ngồi với những giọt nước mắt đọng trên má. Cuối cùng là vô số những chiến binh què cụt đang rối rít xua rắn trên bãi sông bằng những khúc gậy ngắn. Thằng bé bật dậy. Máu từ những vết thủng do gai trâm bầu ở mông và đùi nhỏ xuống từng giọt. Con hiểu thầy muốn con phải làm gì. Ẩn sĩ dịu dàng nhìn nó: tại sao con lại nói với ta điều đó? Bởi vì con không thể làm được như thầy, thằng bé lắc đầu, tiếng sáo của thầy chưa cho con thấy được niềm vui của người chiến thắng.

Mùa xuân thứ hai, thứ ba, rồi thứ mười trôi qua, thằng bé vẫn sống bình yên với ân nhân của nó trong căn chòi màu đất. Lúc này nó đã trở thành một chàng trai với bao nhiêu dục vọng tràn ứ trong cơ thể. Trong lúc đó, vị ẩn sĩ ngày càng mỏi mòn trên con đường khổ hạnh. Ông không còn tự chuyển động được nữa trên đôi chân của mình.

Rồi một mùa xuân nữa trôi qua, thằng bé đã kết xong một chiếc bè nhỏ bằng những súc gỗ lấy từ rặng cây. Nó quyết định vượt qua bãi đồng nước. Vào thời điểm này, tất cả tri thức mà nó có được về cái nơi xa thẳm chân trời đều chỉ mới là những cảm giác. Phải đến gần năm mươi năm sau nó mới biết được cái thế giới đó không đẹp như ảo ảnh.

Một ngày tàn xuân, giữa cơn hấp hối, vị ẩn sĩ gọi thằng bé: này con, thời khắc của ta đã đến. Ta muốn nghe con nói về những gì con đang nung nấu. Thằng bé quì sụp xuống: thầy ơi, con sẽ đi tìm điều mà thầy chưa cho con nhìn thấy.

Vị ẩn sĩ thở dài: thôi con đi đi, và đừng bao giờ quên sinh tử chính là mối ô nhục lớn nhất của đời người. Thằng bé lẳng lặng lui ra ngoài. Khi nó trở vào, căn chòi đã nồng nặc tử khí. Bên ngoài, những rặng cây đang chìm trong biển lửa. Nó đứng rất lâu trước ân nhân. Đó là lần đầu tiên trong đời nó tận mắt nhìn thấy cái chết, nhưng không thấy nỗi ô nhục nào cả.

Năm mươi năm sau, có một lần ký ức mờ nhạt của thằng bé ngày xưa chợt bùng lên trong một lần tình cờ phát hiện một hạt bụi bám trên nếp đại phục. Kỷ niệm dù thoáng qua, nhưng đủ để nó buồn thắt lòng. Đó cũng là cơn phiền muộn duy nhất trong suốt những năm tháng tìm kiếm niềm vui trong thế giới ảo ảnh của nó.

Lúc này, nó đang là người chiến thắng. Nó đã tự chặt đứt một ngón tay sau khi đốt trụi rặng cây và dặn lòng phải quên tất cả những lời vị ẩn sĩ đã nói với nó trong cơn hấp hối. Nó đã cố gắng rất nhiều và rất lâu để quên đi món cháo đã cứu sống đời nó, mặc dù nó không thấy có nỗi ô nhục nào trong những hạt gạo bần hàn đó cả.

Khi thời khắc đã đến, với thân thể đã được tẩy gội sạch sẽ, ông già không phải trải qua cơn hấp hối nào hết. Ông đầu hàng tử thần rất nhanh trước nụ cười hài lòng của một tên vô danh tiểu tốt, kẻ mà ông đã hết lòng cưu mang trong suốt cuộc đời tìm kiếm chiến thắng của mình.

TS Lê Ngọc Trà - thành viên ban giám khảo: “Năng lượng ngầm” của tác phẩm

Đọc những bản thảo gửi dự thi, tôi thấy rất nhiều truyện hao hao những truyện đăng trên mục “Chuyện đời tự kể”. Các tác giả thuật lại những việc xảy ra với chính bản thân mình hay với người thân của mình, thường là những nỗi khổ, những chuyện buồn và cố gắng kể sao cho giống, cho đúng với những gì mình đã biết, đã thấy.

Quả thật, nguyện vọng muốn viết ra những điều bức xúc, ấp ủ, nhất là những cảnh ngộ éo le chính là khởi đầu của sáng tác văn chương, là cái cớ khiến người ta cầm bút. Nhưng viết là một chuyện, còn viết cho ra văn chương lại là một chuyện khác. Văn chương không phải là cuộc đời mà là ảo giác của cuộc đời, là cuộc đời hiện ra trong tâm thức, qua cảm nhận của người viết, mà đã là trong tâm thức thì cũng giống như trong giấc mơ, chuyện cũ ngày xưa thì gắn với chuyện hôm qua, việc ở tận đâu đâu lại kết với việc ngay trong nhà mình. Không gian, thời gian chắp vá, đảo lộn.

Lại thêm người viết cố tình sắp xếp, thay đổi trình tự, có khi lại phóng đại lên để tạo sự mới lạ, lôi cuốn, tác động vào người đọc. Thành ra những truyện ngắn hay thường ít khi “thật thà” như những “chuyện đời tự kể”. Chúng lung linh, mờ ảo hơn, như Bụi trần gian, chứa đựng nhiều “năng lượng ngầm”, tức là cảm xúc và suy tư của tác giả hơn và có lẽ do đó mà cũng văn chương hơn.

Tôi rất mong được đọc nhiều truyện như vậy trong mục “truyện ngắn 1.200 chữ” trên báo Tuổi Trẻ.

Truyện ngắn (1.104 chữ) của ĐỖ PHƯỚC TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên