Phóng to |
VTC là nhà đài đứng đầu về việc thay đầu thu xoành xoạch làm mệt mỏi người tiêu dùng. Nếu hạ tầng truyền dẫn thống nhất sẽ không có tình trạng này - Ảnh: T.Thắng |
Phó tổng giám đốc VTV xin thôi công tác tại đàiVăn phòng Chính phủ đã nhận đơn của ông Trần Đăng TuấnMê hồn trận đầu thu kỹ thuật sốHợp đồng với nhà đài: có cũng như không
* Thưa ông, có thể gọi tình hình phát triển các kênh truyền hình trả tiền hiện nay là bùng nổ hay không? Ông đánh giá thế nào về chất lượng các chương trình truyền hình trả tiền?
- Ông TRẦN ĐĂNG TUẤN: Đúng là nếu chỉ ngồi xem tivi thì thấy có vẻ đang bùng nổ truyền hình trả tiền. Cách đây chừng một năm, con số thống kê sơ bộ đã lên tới cả trăm kênh - chỉ tính các kênh phát chương trình do VN sản xuất. Nhưng nếu tính trên tổng thể, cả VN có tới 22-23 triệu hộ gia đình, mà các hệ thống truyền hình trả tiền nhiều thì có chừng 1 triệu thuê bao, ít khoảng 10.000-20.000 thuê bao, gộp tất cả lại cũng chỉ khoảng 5 triệu thuê bao.
Như vậy thị trường truyền hình trả tiền vẫn còn rất rộng lớn.
Về chất lượng chương trình - cũng có nghĩa là năng lực sản xuất của các hệ thống truyền hình trả tiền - quả thật là một khái niệm cực kỳ co giãn, mang tính tương đối rất cao. Ngay như để làm thời sự đúng chuẩn quốc tế, toàn bộ hệ thống các đài truyền hình cả nước dồn lại để làm một kênh tin tức 24/24 còn khó. Vấn đề là chúng ta đi theo chuẩn mực nào và thể loại gì. Nó cũng còn phụ thuộc vào mục đích của nhà đầu tư và đối tượng người xem mà nhà đầu tư hướng tới.
Tôi không phủ nhận có những kênh mà người làm chương trình chỉ đi mua phim truyện Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ Latin về phát ra rả cả năm (tất nhiên giá của các phim ấy không thể cao và phim không thể hay), hoặc cũng có những kênh chỉ chăm chú vào những cuộc thi tốn rất nhiều tiền: một cuộc thi hoa hậu với hàng chục chương trình trực tiếp và một đêm chung kết.
Nhưng cũng có rất nhiều kênh truyền hình trả tiền hiện tại đang có chất lượng rất tốt, nội dung bổ ích, thiết thực, cách làm hấp dẫn như Info TV, O2 TV, Invest TV... mặc dù tôi không dám chắc chủ đầu tư có lãi.
* Lại nói đến chuyện đầu tư lỗ lãi, thưa ông, vì sao hiện nay ai cũng biết sản xuất chương trình truyền hình rồi đổi bằng quảng cáo không còn thu lợi nhiều như ngày xưa, thậm chí chịu lỗ với cách khống chế giá thành sản xuất như hiện nay của các đài truyền hình nhà nước, vậy mà vẫn có rất nhiều nhà đầu tư lao vào?
- Cũng không hẳn cứ làm truyền hình là tốn kém như mọi người vẫn nghĩ. Sẽ có những kênh rất tốn kém và có những kênh không tốn lắm. Có những kênh ngốn hàng trăm tỉ đồng/năm nhưng cũng có những kênh chỉ cần chừng 10 tỉ đồng. Về cách thức thu hồi vốn, việc lấy thu bù chi bằng quảng cáo đã trở thành hình thức truyền thống, cũ rồi. Bản chất của quảng cáo truyền hình vẫn thế, nhưng không còn theo hình thức truyền thống nữa.
Có những người kinh doanh thay vì bỏ tiền làm quảng cáo trên các kênh truyền hình khác cả năm liền, thì chọn cách mới: bỏ tiền làm kênh truyền hình, như vậy thương hiệu được quảng cáo liên tục, lại là đất riêng, hoàn toàn chủ động được nội dung, hình thức, thời lượng. Có những kênh truyền hình hiện nay nếu chỉ lấy thu bù chi thì đang lỗ, nhưng thực chất nó đang gắn liền với thương hiệu của một ngân hàng, và đó là cách làm thương hiệu rất hiệu quả vì chương trình đang hút khá đông người xem và được đánh giá cao.
Loại thứ ba là có những nhà đầu tư biết lỗ nhưng vẫn làm và thừa năng lực về tài chính để duy trì đến khi sinh lãi. Đây là hình thức kinh doanh như đầu tư chứng khoán: có thể cổ tức kém nhưng nhà đầu tư trông đợi vào khoản lợi nhuận khi chuyển nhượng nhiều hơn.
* Như vậy cũng có nghĩa là có rất nhiều kênh truyền hình được mở ra nhưng nhà đầu tư ngoài khả năng tài chính mạnh thì thật ra không có năng lực sản xuất, và đó vẫn là một kiểu “mua kênh bán sóng” tồn tại lâu nay trong ngành truyền hình? Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến thực trạng mà người xem kêu ca nhất: chất lượng chương trình của phần lớn các kênh truyền hình trả tiền đều chưa xứng đáng với những gì mà nhà đầu tư rao bán và người xem kỳ vọng khi bỏ tiền?
- Như tôi đã nói, có những kênh chất lượng tốt và những kênh chỉ đi mua phim giá rẻ về phát ròng rã. Đây là thời buổi vàng thau lẫn lộn và chất lượng các chương trình truyền hình cũng vậy. Nhưng dần dần, thời gian và người xem sẽ có sự chọn lọc.
* Ông có thể cho biết ý kiến cá nhân về việc cho đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa có một hệ thống hạ tầng truyền dẫn thống nhất, khiến mỗi khi một đơn vị truyền hình có sản phẩm đầu thu mới, người xem lại phải bỏ thêm tiền?
- Tôi cho rằng chúng ta có thể và cần phải thống nhất hệ thống truyền dẫn để tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình và sự lựa chọn tốt nhất cho người xem. Cũng giống như điện thoại di động trước đây, mỗi mạng có một hạ tầng khác nhau và máy điện thoại nào sử dụng mạng ấy. S-Fone đã sai lầm khi phát triển chiến lược kinh doanh trên cơ sở hạ tầng riêng.
Bây giờ điện thoại di động đã có thể dùng chung một hạ tầng thì truyền hình trả tiền hoàn toàn có thể làm được điều đó. Cơ quan quản lý nhà nước về căn bản lâu dài cần tạo ra những khuôn khổ để các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình không thể hành động chỉ vì lợi ích của mình mà không tính đến lợi ích và phản ứng của cộng đồng. Về biện pháp cụ thể, nếu muốn, quản lý nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra quy định về thiết bị đầu cuối để người xem muốn xem bất kỳ chương trình nào chỉ cần mua thẻ.
Nhưng dù sao chúng ta vẫn cần thời gian, đây là thời kỳ “đau đẻ” của công nghiệp truyền hình trả tiền ở VN. Có điều là đau hơi lâu!
Hệ lụy của độc quyền Trong cơ chế thị trường, việc ấn định giá sản phẩm dịch vụ là quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế thị trường lại có tác dụng hạn chế việc tăng giá sản phẩm tùy tiện do hoạt động cạnh tranh. Cạnh tranh càng quyết liệt thì giá sản phẩm dịch vụ phải hạ trong khi chất lượng dịch vụ buộc phải tăng, nếu doanh nghiệp muốn sống còn và phát triển. Tuy nhiên, hoạt động truyền hình trả tiền tại VN chưa vận hành theo cơ chế thị trường thật sự. Nguyên nhân chính việc tăng phí của SCTV vừa qua là vị thế độc quyền đã vững vàng, sự lệ thuộc của khán giả vào sản phẩm đã đạt mức đủ để doanh nghiệp bạo tay làm giá theo ý mình. Những dịch vụ mang tính “phát hành văn hóa” khác như báo in, băng đĩa, sách số lượng tiêu thụ càng lớn thì nhà cung cấp càng có thể giảm giá sản phẩm, dịch vụ. Các công ty truyền hình cáp thường giữ kín số lượng thuê bao vì cho là “bí mật kinh doanh”, nhưng việc thuê bao gia tăng có thể quan sát bằng mắt thường, với số ăngten trời ít đi thấy rõ và mạng dây cáp đồng trục ngày càng chằng chịt. Nhìn vào màn hình tivi từng khu vực, thì biết ngay đó là lãnh địa độc quyền của SCTV hay HTVC. Thuê bao tăng, doanh số tăng, lợi nhuận tăng, chi phí khai thác giảm, chi phí bản quyền chia trên mỗi đơn vị thuê bao giảm, lẽ ra giá bán dịch vụ phải ngày càng giảm, đằng này lại tăng. Lý do đơn giản là đẩy siêu lợi nhuận lên một tầng nấc mới. Như chúng ta đã biết trên một số bài báo trước đây, nhiều đài truyền hình địa phương phải trả tiền cho công ty truyền hình cáp để chương trình có quảng cáo của họ đến được với khán giả TP. Thế là thêm một đầu lợi nhuận. Tất nhiên khán giả thuê bao càng nhiều, mức phụ thuộc của các đài địa phương vào công ty truyền hình cáp tại TP càng lớn. Như vậy, cái hại của sự độc quyền không chỉ tác động đến khán giả mà tác động mở rộng đến các đài truyền hình. Sự “xuống cấp” so với hoạt động truyền thống trong lĩnh vực thể thao của Đài truyền hình TP.HCM dịp World Cup 2010 vừa qua một phần cũng vì mất một số lượng lớn khán giả do kênh thể thao HTV2 không được truyền đi trên mạng SCTV. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận