![]() |
Tàn một giấc mơ |
Nếu như tình yêu có thể bày tỏ bằng muôn nghìn cách giữa người nam và người nữ, thì thể hiện tình yêu bằng nghệ thuật cũng không có một giới hạn nào và đã được các nghệ sĩ diễn đạt từ nghìn năm qua bằng ngôn từ, sắc màu, hình ảnh, vũ điệu, âm thanh… Vậy mà người ta vẫn sẽ mãi mãi nói lời yêu bằng mọi hình thái, cung bậc của nghệ thuật. “Yêu mãi” của Bùi Quang Ánh là thế.
![]() |
Huyền |
Ngôn ngữ trừu tượng và đôi chút biểu hiện cho phép “ông già gân” vẫy vùng trong đại dương cảm xúc; khi là sự chiêm nghiệm của ông trước nỗi cô đơn của một cô gái trong cuộc kiếm tìm hạnh phúc giữa biển trời lồng lộng (Cô đơn); khi là niềm hoài nhớ một hình bóng nữ tên Huyền mà ông từng yêu da diết và đã lìa xa nhưng dáng huyền ấy thì cứ mãi vọng về như tiếng sóng biển muôn đời vỗ bờ (Huyền và Huyền khỏa thân); khi là phút giây tuyệt vời “đen như bóng đêm, đỏ như sắt nung, cuộn chảy như dòng lũ, gầm gừ như quái vật nhô lên từ biển sâu” (Miền cực lạc)…
![]() |
Miền cực lạc |
Chừng như những nhát cọ không đủ lực để ông trần tình, thổ lộ, ao ước…, Bùi Quang Ánh ném luôn những tảng màu trên khung vải rồi dùng bàn tay, ngón tay để vẽ như kẻ đang nhập đồng. Có cảm giác ông sẵn sàng nhảy vào khung vải bê bết màu sắc để lăn lộn, quay cuồng thì mới trút hết những rung động và sảng khoái của mình!
Ở phòng tranh này, có một vài bức được vẽ theo cách hắt màu của Jackson Pollock nhưng xem ra đây là thể nghiệm không mấy thành công của tác giả, một người đã có tròn 50 năm theo nghiệp vẽ và đã nhiều năm mê mải với tranh thời chiến, với những năm tháng không thể nào quên trên đường Trường Sơn gian khổ, đã gắn bó nhiều năm với đồ họa trong vai trò giảng viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội trước khi chỉ chuyên tâm cho sáng tác.
![]() |
Khỏa thân xanh |
Gallery Tự Do đã trở thành một chốn thân quen của Bùi Quang Ánh qua gần một chục cuộc triển lãm cá nhân của ông tại đây từ hơn một thập niên qua. Gần đây nhất là triển lãm “Tình yêu cuộc sống” (2007) với những sáng tác sau một chuyến đi dài ngày khắp đất nước và triển lãm “Chân dung” (2006) với loạt tranh từ tả thực đến biểu hiện, trừu tượng những nhân vật mà ông yêu mến hay quan tâm đến. Cả hai đều gây được sự chú ý của công luận và người thưởng ngoạn. Chủ nhân gallery cũng coi Bùi Quang Ánh như một trong vài tác giả “ruột” theo cách làm của các phòng tranh chuyên nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận