Cô có còn đó không? Thầy hiệu trưởng đã mất. Điều đó thì tôi biết. Dẫu kịp về thắp cho thầy nén hương trong ngày tiễn biệt đau đớn ấy, tôi vẫn luôn nghĩ đến thầy với những ý nghĩ day dứt đau đớn. Căn bệnh ác nghiệt, đời người ngắn ngủi. Thầy vẫn thường nói ở hiền gặp lành, nhưng sao không thật thế, hả thầy?
Ngôi trường ấy - chúng tôi là thế hệ học trò đầu tiên. Ngày tựu trường, thú thực tôi hơi ngán ngẩm. Hai dãy nhà ba tầng lem nhem, mốc thếch, trông cũ kỹ như thời gian. Ngôi trường ấy tiền thân của nó là trường dành cho lưu học sinh Lào. Mỗi thời khắc qua đi mỗi biến đổi. Năm 1998, chúng tôi, những học sinh THPT Dân tộc nội trú khóa đầu tiên của tỉnh Phú Thọ nhập trường. Chúng tôi đã đi qua những thời khắc khó khăn của buổi ban đầu xa nhà. Sống trong khu ký túc màu vôi vàng ệch cũ kỹ nhưng ấm áp tình người. Cô giáo chủ nhiệm của tôi hồi đó ân cần. Một cô giáo trẻ, nghiêm túc và nhiệt tình. Nhưng tôi đã ít gắn bó với cô. Cô dạy môn toán, còn tôi là học sinh giỏi môn văn. Như một lẽ đương nhiên tôi gắn bó nhiều với cô giáo dạy văn của mình...
Những lời lẽ ân cần của thầy cô, thuốc thang khi đau ốm... chúng tôi luôn nhận được. Phải chăng là học sinh nội trú xa nhà, nên chúng tôi được các thầy cô của mình chăm sóc đặc biệt hơn?
Lớp mười của tôi trôi qua không có gì đặc biệt. Nhưng nghỉ hè, trở về với gia đình, tôi mới hiểu mình yêu quý ngôi trường ấy thế nào. Tôi nhớ cồn cào, nhớ những gốc cây xà cừ to sụ, tán xòe rộng và rụng đầy lá trên con đường vào hội trường. Nhớ bốn bức tượng voi ngay cổng vào, dù không còn vẹn nguyên theo năm tháng, nhưng mỗi khi ngắm nhìn cũng dâng trào bao xúc cảm... Nhớ những ngày thiếu nước, nháo nhào sau mỗi buổi học lại xách xô, xách chậu vào trong làng xin... Có lẽ không một học sinh phổ thông bình thường nào có được những kỷ niệm đáng quý ấy như chúng tôi. Yêu thương vô cùng, gắn bó vô cùng. Các thầy cô giáo trẻ ở ngay trên dãy nhà hai tầng, mặt sau nhìn thẳng ra ký túc xá của chúng tôi. Mỗi buổi sáng mở cửa ra đã thấy cô Hà đứng đó, nụ cười thường trực trên môi: Dậy thôi! Chào ngày mới.
Sáng mùa đông hay mùa thu chúng tôi đều dậy lúc 5 giờ tập thể dục. Ăn sáng tập trung trong nhà ăn tập thể, lên lớp sáng học bình thường theo thời khóa biểu. Chiều theo tiếng kẻng chúng tôi lên lớp tự học. Tối cũng vậy. Tất tật chúng tôi sinh hoạt theo tập thể, như một người lính nhỏ rèn cho mình ý thức tự lập. Tất tật đều theo hiệu lệnh của tiếng kẻng. Hồi dài, hồi ngắn ngân nga, chỉ ngày chủ nhật chúng tôi được thoải mái đôi chút. Thú thực ngày ấy nhiều khi tôi căm ghét tiếng kẻng buổi sáng, những ngày mùa đông giá rét, chui từ chăn ấm ra... ngại ngùng, bực bội vô cùng. Nhưng dù ghét chúng tôi vẫn chấp hành nghiêm túc. Phải chăng vì thế mà những người bạn cùng học thời THPT của chúng tôi gắn bó với nhau hơn cả những tình bạn thông thường?
Trong ngôi trường nhiều cây đó, tôi đã nhiều lần được vinh danh, từ học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi quốc gia, đến giải thưởng Kim Đồng, những tuần lễ điểm 10... Trong ngôi trường ấy tôi luôn giành được vị trí cao nhất. Dù không phải dễ dàng, dù chủ nhật nào tôi cũng cắm cúi ở thư viện trường... Có lẽ tất cả nhờ vào sự nỗ lực và cả những động viên chân thành mà thầy cô luôn dành cho tôi.
Rồi mối tình đầu. Cũng trong ngôi trường ấy. Với anh chàng lớp trưởng lớp 12B kế bên. Hết sức ngây thơ và trong sáng. Thi thoảng chuyện trò, chủ yếu là những lá thư tay trao vội. Cái nắm tay trong ngày chia tay cuối cấp cũng rụt rè, e ngại. Sợ thầy cô nhìn thấy, sợ bạn bè trêu... Ôi chao, nhớ lại vẫn thấy nôn nao cả cõi lòng...
Có lẽ ai đó đã nói đúng, thời trung học phổ thông là thời đáng quý nhất. Sau này có thể con người ta sẽ bay bổng hơn đến với môi trường tốt hơn, nhưng sự vô tư, hồn nhiên và nghịch ngợm thì không thể có như thời cấp III được nữa. Cái thời vô lo, đáng yêu đến thế có lẽ chỉ có được một lần trong đời.
Tôi yêu ngôi trường ấy. Nhưng tôi... không muốn trở lại. Trong lời kể của những thế hệ đàn em, tôi biết khi chúng tôi vừa ra trường, nhà trường đổi thay nhiều lắm, hầu như không còn vết tích cũ. Những ngôi nhà cũ kỹ, mốc thếch, lem nhem rêu của thời kỳ đầu tiên không còn nữa, tất cả đều là mới, mới và mới. Và gần như nó đã trở thành ngôi trường phổ thông có cơ sở vật chất tốt nhất của tỉnh nhà. Không hiểu sao tôi thấy buồn trước những thông tin đáng lẽ nên mừng ấy. Hụt hẫng, chới với như mất mát điều gì.
Bây giờ trường mới toanh, hiện đại, nếu quay về liệu tôi có thấy chút thân quen? Chỉ muốn nó tồn tại mãi như trong ký ức mình đã có, đã yêu thương... Tôi đã cố dằn lòng để không gặp lại một ngôi trường hoàn toàn khác. Dù thời gian có đổi thay, trôi chảy, dù nơi ấy tôi đã gắn bó gửi gắm những năm tháng học trò... nhưng trường cũ đã thay đổi hoàn toàn, tôi không muốn trở về để đánh mất ký ức thân quen. Từ sâu thẳm đáy lòng tôi vẫn muốn gìn giữ nâng niu những thiếu thốn, cũ kỹ của ngày xưa cũ. Ngôi trường ấy trong tâm trí tôi sẽ không bao giờ đổi thay: Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ.
|

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận