01/02/2012 07:46 GMT+7

Trường tiểu học Đức Hòa của tôi

NGUYỄN THỊ KIM THOA(TP.HCM)
NGUYỄN THỊ KIM THOA(TP.HCM)

AT - Ngôi trường xa xưa của tôi hiện không còn nữa, thay vào đó là Trường tiểu học Võ Văn Ngân thuộc thị trấn Đức Hòa, tỉnh Long An.

Kính tặng cô Lý Kim Ngọc

8wdTllFJ.jpgPhóng to
Ảnh: Flickr

Đã nửa thế kỷ trôi qua, Trường tiểu học Đức Hòa vẫn còn in mãi trong tôi. Ngôi trường thật đơn sơ. Chỉ có dãy lớp Nhì, Nhất và Tiếp Liên thì khá khang trang, nằm phía ngoài mặt đường. Còn dãy bên trong dành cho các lớp Năm (lớp 1), Tư (lớp 2), Ba...

Đặc biệt, trường không có nhà vệ sinh! Giờ chơi, học sinh nhỏ thì ra bờ ruộng sau trường. Còn các nữ sinh lớn thì đành nín chịu! Tuy nhiên điều tôi muốn nói ở đây là tình cảm thầy trò thuở đó sao mà gắn bó, sao mà thân thương! Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy lòng nao nao...

Các thầy cô tôi từ lớp Năm đến lớp Nhất, Tiếp Liên gồm cô Sương, cô Vấn, cô Mỹ, cô Ngọc, cô Hai, thầy Lai, cô Bạch Nhật (thầy Lai dạy lớp Tiếp Liên chỉ vài tháng thì chuyển trường, cô Bạch Nhật dạy thế). Tôi thương nhất là cô Lý Kim Ngọc, cô giáo lớp Nhì của tôi. Cô rất đẹp và sang trọng, đài các. Đầu tóc cô lúc nào cũng được chăm chút kỹ lưỡng, khi thì thắt bím cột nơ thả trước ngực, lúc thì tóm cột phần trên gắn bông hoa, lúc thì bới cao cũng gắn bông hoa hoặc cài trâm rất đẹp. Đặc biệt cô có đôi bàn tay múp míp trắng nõn nà. Tính cách của cô lại càng đặc biệt hơn!

Cô không bao giờ nói chuyện ngọt ngào với học trò. Cô thường gọi chúng tôi bằng từ “mấy người”. Nhưng không hiểu sao chúng tôi đứa nào cũng rất thương cô! Nhất là tôi! Tôi “mê” cô đến nỗi vụng về thêu ba chữ L.K.N. lên túi áo bà ba của mình. Tôi biết cô nhìn thấy, cô hiểu, nhưng cô làm ngơ.

Thuở đó nhà tôi ở tận ấp Bình Thủy, cách trường hơn 5km. Mỗi ngày tôi và các bạn lối xóm phải dậy thật sớm rủ nhau đi bộ đến trường. Những ngày trời mưa cô thường dắt tôi về nhà cho ăn cơm và ngủ lại (tôi nhờ các bạn gần nhà báo lại cho ba má tôi giùm). Tôi còn nhớ, năm đó cô cho cả lớp làm thủ công, ai muốn làm món gì tùy thích. Tôi có ông anh họ làm nghề mộc rất khéo. Anh làm cho tôi một chiếc đivăng nhỏ xíu, thật xinh. Tôi thích thú đem nộp cho cô chấm điểm, cô giữ lại luôn (vinh hạnh lắm mới được cô giữ đồ lại). Một hôm đến nhà cô lấy sổ, tôi giật mình khi thấy cô dùng cái đivăng của tôi kê dưới chân bức tượng Chúa Jesus. Tôi biết, cô rất quý chiếc đi văng của tôi. Tôi cảm động quá. Tôi càng thương cô nhiều hơn.

Sau đó tôi lên lớp Nhất, thi rớt một năm, phải học lại lớp Tiếp Liên và tôi đã thi đậu vào Trường nữ trung học Gia Long Sài Gòn - ngôi trường danh giá nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Cuộc đời tôi rẽ sang bước ngoặt từ đó. Tôi xa trường, xa cô cũng từ đó...

Tôi nhủ thầm: “Cô ơi, đã 52 năm rồi còn gì. Em mãi trôi theo dòng đời chìm nổi, chưa một lần về thăm cô...”. Nhưng cách đây hai hôm, tôi nhất quyết trở về Đức Hòa tìm cô! Sau khi nhờ cô Cân, cô bạn thuộc lớp đàn em ở Đức Hòa, dẫn đường, tôi hồi hộp đứng chờ cô mở cửa. Cô nhìn tôi bằng ánh mắt xa lạ. Không chờ cô nhận ra, tôi nhào tới ôm cô khóc nức nở. Cô hơi ngỡ ngàng, mời khách vào nhà. Bạn tôi nhắc tên tôi, cô vẫn không nhớ ra.

Sau khi nói chuyện một hồi, tôi nhắc đến chiếc đivăng... Ánh mắt cô chợt dừng lại trên mặt tôi khá lâu. Rồi cô lặng lẽ vào bên trong, lát sau cô cầm ra chiếc đivăng còn nguyên vẹn mặc dù đã cũ theo thời gian. Tôi run run đỡ lấy chiếc đivăng, nước mắt ràn rụa. Bây giờ mắt cô mới bắt đầu rưng rưng...

Cô quay sang nói với cô bạn tôi: “Trong lớp năm đó, nó là đứa xinh nhất, học giỏi nhất”. Bỗng nhiên, quay sang tôi, cô đổi giọng trách hờn: “Nhớ thương gì “mấy người”! Ba má em gả chồng em đi xứ nào? Sài Gòn - Đức Hòa xa xôi lắm hay sao...? Lỡ tôi chết đi thì làm sao em gặp?!”. Tim tôi đau như trăm ngàn mũi tên xuyên thủng.

Tôi ôm tay cô: “Cô ơi, em là đứa học trò bất nghĩa. Hôm nay em về tạ tội cùng cô. Cô cứ mắng, cứ trách em đi rồi tha lỗi cho em nha cô". Cô lặng người đi, không nói lời nào, nhưng tôi biết cô đã tha thứ cho tôi...

Rồi cô trò tôi hàn huyên không dứt. Tôi mừng vì cô vẫn còn khỏe mạnh, đầu óc vẫn minh mẫn như xưa. Tôi cảm ơn Trời Phật đã dành cho cô trò tôi có ngày được gặp lại nhau sau một thời gian khá dài, để tôi được ôm cô nghẹn ngào nói lời tạ lỗi...

Ra về mà lòng tôi quặn đau. Ngoảnh lại mấy lần vẫn thấy cô đứng nhìn theo. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Nguyên Thi:

... Thuyền đà neo bến cuối đờiSao còn lưu luyến nhớ người đón - đưa?Người đi bao lượt sớm trưaDừng chân ngoảnh lại đò xưa - mấy người?

ycXSBZhQ.jpgPhóng to

Áo Trắng số Tất Niên (số 1) ra ngày 15/01/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGUYỄN THỊ KIM THOA(TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên