15/05/2013 06:00 GMT+7

Trưởng thành từ lễ tri ân

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Tháng 5, học sinh lớp 12 các trường THPT trên nhiều miền đất nước lại bắt đầu chuẩn bị “lễ trưởng thành và tri ân”.

Khó ai ngờ sức sống mãnh liệt của buổi lễ đầy tính nhân văn này lại bắt nguồn từ những trường tư thục ở TP.HCM cách đây khoảng 10 năm...

0YwIfAOO.jpgPhóng to
Đại diện học sinh các lớp 12 Trường THPT Đa Phước (Bình Chánh, TP.HCM) tặng hoa cho phụ huynh trong lễ tri ân và trưởng thành sáng 11-5 - Ảnh: Như Hùng

Phát biểu tại lễ tri ân và trưởng thành của học sinh khối 12 Trường tư thục Trương Vĩnh Ký ngày 12-5, PGS.TS Trần Hữu Tá - nguyên hiệu trưởng nhà trường - đã nói lời xin lỗi đồng nghiệp của mình sau gần mười năm thai nghén, gắn bó với ngày lễ truyền thống này: “Xin lỗi các đồng nghiệp dạy văn. Các thầy cô đã sơ tuyển khá chính xác những bài viết tri ân của học sinh, nhưng bao giờ tôi cũng đọc lại tất cả. Không phải vì tôi không tin đồng nghiệp, mà vì tôi muốn đi đến tận cùng cảm xúc của các em. Qua những trang viết phi hư cấu ấy, tôi tự trách mình đã hiểu các em chưa đủ độ sâu”.

Những buổi lễ đầu tiên

Lan tỏa rộng

Năm 2009, Bộ GD-ĐT đã đưa việc tổ chức lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh lớp 12 thành một trong năm nội dung xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Từ những ngày lễ được tổ chức lẻ mẻ ban đầu tại một số trường tư thục, lễ tri ân và trưởng thành đã được nhân rộng tại nhiều trường công lập và tư thục khác trong cả nước.

Hình thức, thời gian thực hiện của mỗi trường có khác nhau, nhưng đều tập trung vào hai chữ “tri ân” và “trưởng thành”.

Hằng năm, vào trước Tết Nguyên đán, học sinh khối 12 Trường tư thục Trương Vĩnh Ký đều được thầy cô chủ nhiệm và giáo viên văn “đặt hàng”: chọn một đề tài và viết về gia đình, thầy cô, bè bạn, mái trường, gì cũng được, chỉ với điều kiện đó là tình cảm thật, không tô vẽ. Bài học sinh nộp, giáo viên văn đọc và “sơ tuyển”, chọn ra những bài xúc động nhất để in vào tập sách mang tên “Tiếng nói tri ân”. Và dù đã được “sơ tuyển”, thầy Trần Hữu Tá vẫn dành thời gian đọc lại tất cả bài viết được chọn và không được chọn. Mỗi năm trung bình 500 bài viết, mỗi bài hơn hai trang giấy, tổng cộng ông đã đọc gần 10.000 trang viết của học trò suốt thời gian qua, kể từ lễ tri ân và trưởng thành lần đầu tiên tổ chức tại trường từ năm học 2004-2005.

Thầy Tá kể lại: “Anh Trần Văn Hiếu, chủ tịch HĐQT của trường, kể về những ngày lễ của học sinh ở Mỹ trước khi ra trường, lễ dành cho cha mẹ, thầy cô và bạn bè, tổ chức suốt ba ngày. Đó là điều nên học hỏi. Chúng tôi cùng suy nghĩ về một ngày lễ trang trọng và VN hơn dành cho học sinh lớp 12, và đặt tên là lễ trưởng thành và tri ân. Trải qua nhiều năm sáng tạo, bổ sung và rút kinh nghiệm, lễ trưởng thành và tri ân đã trở thành lễ hội truyền thống ở Trường Trương Vĩnh Ký, chứng nhận các em đã trở thành những công dân 18 tuổi”.

Theo thầy Tá, lễ trưởng thành và tri ân của Trường Trương Vĩnh Ký thường được tổ chức vào đầu tháng 5. “Vì sao lại đầu tháng 5? Vì lúc đó còn khoảng một tháng là đến kỳ thi tốt nghiệp. Nếu làm tốt lễ này thì đó sẽ là liều thuốc tăng lực cho các em và thực tế là sau đó các em ngoan hơn, chăm hơn, kỷ luật hơn” - thầy Tá nói.

Trong buổi lễ, những học sinh 18 tuổi được phát biểu cảm xúc tri ân thầy cô, cha mẹ. Sân khấu được thiết kế đủ rộng để từng lớp học sinh có thể xếp hàng ngang, cúi đầu và tặng hoa cho cha mẹ đứng ở bục cao hơn. Những bài viết tri ân hay nhất được chọn đọc trên sân khấu. Điều đặc biệt là trường đã khiến phụ huynh hiểu và đồng tình với ngày lễ quan trọng này. Tỉ lệ phụ huynh đi rất đông. Như năm học 2011-2012, trường có 566 học sinh lớp 12 thì có đến 798 phụ huynh tham dự, có gia đình đi bốn người (cha, mẹ, ông, bà).

Sân trường rộng thênh thang bỗng trở nên chật chội và rất nhiều khoảnh khắc khó quên của xúc cảm tri ân. Đó là những tâm sự chân thật của học trò. Mỗi em một hoàn cảnh riêng, không phải ai cũng đầm ấm sum vầy. Có em sốc nặng trước cảnh người lớn bất hòa, gia đình tan vỡ. Có em tưởng như tuyệt vọng khi mất đi cha, mẹ. Có em viết ra lỗi lầm của mình và tri ân những người thân đã dang rộng vòng tay, giữ không để mình tuột dốc...

Dấu ấn trước ngưỡng cửa cuộc đời

Trường tư thục Thái Bình còn giữ lại nhiều hình ảnh về những buổi lễ đầu tiên được tổ chức khoảng năm 2000, khi đó chưa có tên là “lễ trưởng thành và tri ân” như hiện nay. Cô Lê Thúy Hòa, hiệu trưởng nhà trường, nhớ lại: “Tôi có dịp đi Đức và tham dự lễ hội được tổ chức rất lớn dành cho các em khi 16 tuổi. Từ ý tưởng đó, chúng tôi đem về trường và bắt đầu tổ chức những buổi lễ cho học sinh cuối cấp, với nội dung công nhận các em đã hoàn thành chương trình phổ thông, các em tri ân bố mẹ, thầy cô và chia tay mái trường, bạn bè. Hình thức mỗi năm một thay đổi và phong phú thêm lên. Như năm nay, mỗi em sẽ viết một bức thư cho cha mẹ mình để nói lên cảm xúc khi sắp ra trường”.

Ông Trần Khắc Huy, trưởng phòng công tác HS-SV Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Hiện nay sở đã mở rộng mô hình này đến cả các lớp cuối cấp của bậc mầm non, tiểu học, THCS để các em có một dấu ấn đẹp trước khi ra trường. Riêng lễ tri ân và trưởng thành cho khối 12, một số trường đã thực hiện rất hay. Nhiều phụ huynh xúc động và ngỡ ngàng khi chứng kiến con mình trưởng thành, không còn ngây ngô và bồng bột như cha mẹ vẫn nghĩ. Lễ tri ân và trưởng thành trở thành động lực để các em học tập tốt hơn, đọng lại nhiều điều cho học sinh và những người tham dự, là dấu ấn đẹp cho học trò trước ngưỡng cửa vào đời”.

“Gieo vào các em hạt giống của lối sống ân nghĩa” là điều mà bao thế hệ ban giám hiệu, giáo viên của Trường Trương Vĩnh Ký mong muốn khi thực hiện những lễ trưởng thành và tri ân đầu tiên. Đó chắc hẳn cũng là ao ước của tất cả những người làm cha, làm mẹ, làm thầy. Bởi khi biết tri ân, nghĩa là các con, các trò đã khôn lớn, trưởng thành và sẵn sàng vươn ra biển rộng.

Đánh dấu sự trưởng thành

Một kỷ niệm mà tôi không quên được vào năm 2009. Có bà mẹ từ Phan Thiết (Bình Thuận) vào dự lễ đã trao cho con sợi dây chuyền kiểu cổ, kèm theo lá thư của chồng bà viết cho con trai.

Nội dung thư như sau: “Con yêu dấu, ba mệt nên không cùng mẹ vào dự lễ với con được. Tiếc lắm! Ba trao cho con một kỷ vật vô giá: lúc sắp mất, bà nội con đã đưa ba sợi dây chuyền này và dặn khi nào con khôn lớn và xứng đáng được nhận món quà của bà thì hãy trao. Căn cứ vào sự tiến bộ qua mấy năm học, ba thấy bây giờ con có thể nhận kỷ vật này. Mỗi lần nhìn thấy nó, chắc con nhớ đến nội và chắc con sẽ làm cho nội ở thế giới bên kia được vui lòng”. B

ức thư đã được tôi photo lại và lưu giữ tại Trường Trương Vĩnh Ký như một kỷ vật đánh dấu sự trưởng thành của học trò.

PGS.TS TRẦN HỮU TÁ

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên