![]() |
Thí sinh vãng lai nộp hồ sơ tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Năm nay, nhiều điểm trong hồ sơ ĐKDT vẫn gây thắc mắc cho thí sinh |
- Theo quy định, đối tượng được dự tuyển chương trình đào tạo liên thông là những người đã tốt nghiệp chính quy ngành nghề tương ứng với ngành dự thi. Những người tốt nghiệp chính quy loại khá giỏi sẽ được dự thi ngay; người tốt nghiệp trung bình phải có kinh nghiệm làm việc gắn liền với chuyên môn được đào tạo từ hai năm trở lên.
Ở phía Nam, duy nhất Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng được phép đào tạo liên thông ngành Tin học từ hệ TCCN lên hệ ĐH. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM liên thông từ CĐ lên ĐH.
Còn lại là các trường CĐ đào tạo liên thông từ TCCN lên CĐ ngành Tin học như CĐ Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, CĐ Cộng đồng Vĩnh Long, ĐH Công nghiệp TP.HCM.
Thí sinh dự tuyển làm thủ tục hồ sơ ĐKDT theo yêu cầu của trường, dự thi tuyển sinh hai môn (một môn cơ sở và một môn chuyên ngành), môn thi cụ thể do các trường quy định tùy theo yêu cầu ngành học.
Thời gian tuyển sinh chương trình đào tạo liên thông vào khoảng tháng 1 đến tháng 3, các trường sẽ thông báo tuyển sinh và bắt đầu nhận hồ sơ, tổ chức khóa ôn tập hoặc đào tạo bồi dưỡng vào tháng 12 hàng năm.
* Cho em biết hạn tuổi để vào một số trường như CĐ Văn hóa nghệ thuật, CĐ Múa Việt Nam, Nhạc viện TP.HCM (hệ trung cấp 4 năm) và ĐH Sân khấu - điện ảnh. (Huy Đức, huyducmusic@)
- Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM tuyển thí sinh không quá 25 tuổi đối với ngành Thanh nhạc và Diễn viên sân khấu.
Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh: điều kiện bắt buộc đối với các chuyên ngành Diễn viên sân khấu - điện ảnh, diễn viên chèo, diễn viên cải lương: Nam cao từ 1,65m trở lên, nữ cao từ 1,55m trở lên. Nam, nữ có ngoại hình cân đối, không có khuyết tật về hình thể và tiếng nói, độ tuổi từ 17 đến 22.
Trường CĐ Múa Việt Nam tuyển thí sinh đã tốt nghiệp Trung học Múa hoặc tương đương, tuổi từ 18 đến 30.
Các trường còn lại không yêu cầu độ tuổi.
* Em nộp ba hồ sơ, một hồ sơ vào ngành Luật kinh tế Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), một hồ sơ vào ngành Du lịch Trường ĐH Đà Lạt và một hồ sơ vào Trường Trung cấp Hàng không. Vậy các hồ sơ đó có hợp lệ không hay sau khi thi xong, có kết quả nếu không trúng tuyển thì mới được nộp đơn xét tuyển vào trường thứ hai? Tất cả hồ sơ em đều nộp vào ngành tuyển khối D1. (Phi Nguyen, khiconsongoku12356@)
- Do khối D1 thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT vào ngày 9 và 10-7-2006, do đó bạn chỉ nên nộp vào một ngành duy nhất, hoặc của Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) hoặc của Trường ĐH Đà Lạt.
Khi không trúng tuyển thì bạn mới dùng điểm thi này xét tuyển vào trường còn lại hoặc các trường khác nếu điểm của bạn bằng hoặc cao hơn điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định và có điểm bằng hoặc cao hơn điểm xét tuyển nguyện vọng 2 của trường có chỉ tiêu tuyển thêm.
Các trường Trung cấp chuyên nghiệp tuyển sinh riêng và thi khác ngày nên bạn nộp hồ sơ không sợ bị trùng với tuyển sinh ĐH.
* Em định thi ngành Công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Em muốn biết ngành này học về những gì và theo như em thấy thì ngành này ở các trường khác lấy điểm rất cao còn trường em định thi thì lấy thấp. Vậy chất lượng đào tạo có khác nhau không, ra trường liệu có việc làm tốt không? (Huỳnh Minh Khoa)
- Ngành Công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có điểm chuẩn không thấp đâu bạn, với mức điểm 19, những thí sinh có học lực khá - giỏi mới có thể trúng tuyển. Bạn có thể tham khảo thêm điểm chuẩn năm 2005 của ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM): 26.5; ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng): 21; ĐH Cần Thơ: 20; ĐH Công nghiệp TP.HCM: 21; ĐH Thủy sản: 16.
Ngành Công nghệ thực phẩm đào tạo đào tạo kỹ sư, cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn sâu cho từng chuyên ngành sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm, công nghệ lên men, bảo quản nông sản…
Kỹ sư ngành Công nghệ thực phẩm có thể tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý, xử lý toàn bộ quá trình, dây chuyền sản xuất thực phẩm; có khả năng tham gia nghiên cứu, ứng dụng các nghiên cứu khoa học vào lĩnh vực sản xuất và chế biến thực phẩm.
Sinh viên tốt nghiệp có nhiều cơ hội tìm việc ở các nhà máy chế biến thực phẩm (đường, sữa, rượu bia, nước giải khát), chế biến nông thủy hải sản... hoặc tham gia giảng dạy các ngành liên quan đến ngành nghề được đào tạo.
* Em tốt nghiệp năm 2001, em có hộ khẩu thường trú ở tỉnh Quảng Trị, nhưng đã chuyển vào TP.HCM sinh sống từ năm 1996 và học Bổ túc văn hóa cấp ba tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 10, TP.HCM.
Năm nay em muốn ĐKDT ĐH tại TP.HCM thì trong phần xác nhận hộ khẩu thường trú em phải ghi như thế nào? Em có thể ghi hộ khẩu thường trú ở Quảng Trị ở dòng trên rồi ghi địa chỉ em tạm trú ở dòng dưới và nhờ UBND phường nơi em tạm trú bây giờ xác nhận em có tạm trú ở địa chỉ này được không?
Em muốn dự thi vào Trường ĐH Luật và Trường ĐH KHXH&NV. Cho em biết trường hợp của em phải ghi như thế nào trong mục 9 của hồ sơ ĐKDT và mã tỉnh, mã huyện. (nguyen_thai794@)
- Nếu bạn đã đăng ký tạm trú dài hạn (diện KT3) tại TP.HCM thì bạn được chứng nhận hồ sơ ĐKDT tại công an phường nơi bạn tạm trú dài hạn, không phải về quê chứng nhận.
Nếu bạn chưa có KT3, hồ sơ của bạn phải được chứng nhận tại công an xã, phường nơi bạn có hộ khẩu thường trú. Nếu không về quê được, bạn có thể nhờ người thân đi chứng nhận giúp.
Ở mục 9, nơi khai hộ khẩu thường trú, bạn vẫn ghi nơi có hộ khẩu trường trú tại Quảng Trị và mã tỉnh, mã huyện ngoài đó.
Còn tại phần “xác nhận người khai phiếu này”, như đã giải thích ở trên của diện tạm trú dài hạn và chưa có KT3.
Các bậc phụ huynh và các bạn học sinh có những yêu cầu thắc mắc về tuyển sinh ĐH-CĐ-THCN 2006, thắc mắc các ngành học, quy chế... có thể gửi email đến Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ: tuyensinh@tuoitre.net.vn Tuổi Trẻ Online sẽ trả lời thắc mắc của bạn đọc trong thời gian sớm nhất. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ chữ có dấu (font chữ unicode). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận