![]() |
Thí sinh trao đổi bài sau khi thi xong môn sinh sáng 9-7 trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2008 tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: Quốc Dũng |
Điểm chuẩn ĐH-CĐ năm 2008Thông tin tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2009Điểm chuẩn ĐH, CĐ năm 2007, 2006, 2005Ngành gì? Trường gì? Làm gì?Hộp thư tư vấn tuyển sinhThi tốt nghiệp THPT năm 2009
* Em là học sinh lớp 12L, Trường THPT TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Em muốn hỏi thông tin về ngành vật lý kỹ thuật y sinh và triển vọng của ngành này. Bên cạnh đó là triển vọng các ngành liên quan đến vật lý kỹ thuật ở Việt Nam. Điểm chuẩn ngành này hằng năm là bao nhiêu? (Phan Đức Duy, duyhtxm3000@...)
- Ngành vật lý kỹ thuật là một ngành kỹ thuật tạo ra những giao diện liên đới cho những ngành kỹ thuật truyền thống khác trên cơ sở bổ sung nền tảng khoa học cơ bản (vật lý, toán, tin học) đủ để nắm vững các công nghệ mới.
Ví dụ: chuyên ngành vật lý kỹ thuật y sinh là tổng hợp chọn lọc liên ngành vật lý, cơ - điện tử và y khoa nhằm sử dụng hiệu quả, thiết kế, chế tạo các thiết bị hoặc vật liệu tổng hợp ứng dụng trong y khoa; chuyên ngành kỹ thuật quang học lượng tử là tổng hợp liên ngành vật lý quang học, điện tử viễn thông, y sinh học nhằm nghiên cứu triển khai các ứng dụng đa dạng của laser trong kỹ thuật, công nghệ viễn thông, y học… Nó không có sự trùng lắp với nội dung đào tạo của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (phát triển hướng nghiên cứu cơ bản) cũng như Trường ĐH Y dược (đào tạo kỹ năng y khoa với đối tượng chính là con người).
Mục tiêu của ngành vật lý kỹ thuật (chuyên ngành vật lý kỹ thuật y sinh học) là đào tạo kỹ sư ngành vật lý kỹ thuật với yêu cầu có kiến thức căn bản vững về khoa học vật lý và công cụ toán - tin học để có khả năng độc lập nghiên cứu khoa học. Chuyên ngành này là một lĩnh vực công nghệ liên ngành ứng dụng các nguyên lý và phương pháp kỹ thuật (vật lý, cơ khí, điện tử, hóa học, công nghệ thông tin) trong lĩnh vực y sinh học, đặc biệt trong y khoa.
Trong xu hướng phát triển hiện nay, lĩnh vực này không còn hiểu theo nghĩa hẹp là chỉ có thiết bị phục vụ chẩn đoán và điều trị, mà còn bao gồm các lĩnh vực về vật liệu sinh học, trí tuệ nhân tạo trong ứng dụng y sinh, quy trình kỹ thuật hỗ trợ chẩn đoán điều trị … Vì vậy đối với người kỹ sư vật lý kỹ thuật y sinh, phải có sự kết hợp giữa kỹ năng thành thạo về kỹ thuật với những hiểu biết tương xứng về y sinh học nhằm nâng cao hiệu quả của công việc.
Nội dung đào tạo gồm: phần cơ sở và tổng quan (tập trung trong hai năm đầu) sẽ cung cấp những kiến thức về các lĩnh vực của vật lý hiện đại và vật lý kỹ thuật: vật lý lượng tử, trường điện từ, quang tử học, vật lý chất rắn, quang học lượng tử… và các công cụ toán - tin học phục vụ giải quyết vấn đề kỹ thuật chuyên môn: tin học trong vật lý và kỹ thuật, phương trình toán lý, hàm phức toán tử, thống kê và xử lý dữ liệu…
Phần chuyên ngành sẽ định hướng cụ thể theo ngành đào tạo chuyên sâu phân thành hai cụm: nhóm kiến thức cơ sở các ngành liên đới ngoài vật lý (hóa, sinh học, y học, công nghệ thông tin…); nhóm kiến thức chuyên ngành thuộc ngành chuyên sâu đã chọn. Phần thực hành, kiến tập, thực tập sẽ được nâng cao theo nhu cầu thực tế, được thực hiện tại các phòng thí nghiệm chuyên ngành.
Kỹ sư vật lý kỹ thuật y sinh học có khả năng thực hiện quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị hiện đại tại các cơ sở y tế. Lĩnh vực công tác: các bệnh viện, cơ sở y tế các tuyến, các trường ĐH, viện hoặc các đơn vị nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực y sinh, các công ty sản xuất kinh doanh thiết bị y tế, môi trường...
Đầu năm 2002, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) chính thức đào tạo hệ chính quy ngành vật lý kỹ thuật y sinh. Đến năm 2007 đã cho ra đời lớp kỹ sư đầu tiên, hầu hết các kỹ sư này đã được nhận vào làm việc ở các công ty, các cơ sở bệnh viện, các viện nghiên cứu… Trong thời gian sắp tới ngành vật lý kỹ thuật sẽ đào tạo thêm các chuyên ngành mới như: vật liệu y sinh, quang laser - y sinh, tin học y sinh học và y sinh học nano…
Điểm chuẩn năm 2008 ngành vật lý kỹ thuật của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) là 16, năm 2007 là 18, năm 2006 là 16, năm 2005 là 18, năm 2004 là 16.
* Mẹ em là người dân tộc Chăm, năm nay em thi ĐH thì cần làm giấy chứng nhận ưu tiên như thế nào để hưởng điểm ưu tiên? Em có mẹ là người dân tộc, bố là người Kinh. Gia đình em sống ở TP.HCM, vậy khi thi ĐH, em có được ưu tiên gì không? Thủ tục như thế nào? (trangthuy@...; Vân Anh, vanganh91@...)
- Bạn không cần phải xin riêng giấy xác nhận là người dân tộc. Trong hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), học bạ, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân... đã có thông tin này cùng với xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Chỉ cần mẹ bạn là người dân tộc Chăm thì đã có đủ điều kiện hưởng ưu tiên theo đối tượng 01 “công dân Việt Nam có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số” như quy chế ban hành.
Trong hồ sơ dự thi ĐH, bạn chỉ cần lưu ý khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng, không được tẩy xóa và có xác nhận hợp lệ của chính quyền địa phương hoặc trường THPT nơi bạn đang học.
* Em nghe nói có ngành bảo hộ lao động hay ngành quan hệ lao động nhưng không biết trường nào đào tạo? Ngành này tuyển sinh khối nào, học mấy năm? (Quỳnh Như, nhuhtq@...)
- Kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2009 Trường ĐH Tôn Đức Thắng mở ngành đào tạo mới là cử nhân quan hệ lao động. Ngành này đào tạo trong bốn năm. Tuyển sinh khối A và D1.
Học ngành quan hệ lao động sinh viên có thể làm việc trong tất cả loại hình doanh nghiệp với nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi nhân viên, tạo môi trường làm việc tích cực, điều hành doanh nghiệp hoặc chuyên gia quan hệ công chúng, chuyên gia giải quyết tranh chấp lao động, chuyên gia về Công đoàn. Sinh viên tốt nghiệp từ khá trở lên được nhà trường giới thiệu về làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Ngoài ra, Trường ĐH Tôn Đức Thắng còn đào tạo ngành bảo hộ lao động (mã ngành 104, thi tuyển khối A và B) và ngành này cũng được Trường ĐH Công đoàn đào tạo (mã ngành 101, thi tuyển khối A).
Ngành bảo hộ lao động đào tạo kỹ sư có kiến thức chuyên sâu về môi trường lao động, môi trường doanh nghiệp, an toàn lao động, tâm sinh lý của người lao động, tổ chức khoa học lao động. Kỹ sư ngành này có kỹ năng điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá và quản lý môi trường lao động; đề xuất các giải pháp công nghệ và tổ chức để xử lý nóng, bụi, ồn, rung… trong quá trình sản xuất; loại trừ các yếu tố nguy hiểm gây tai nạn lao động, sự cố trong sản xuất và các yếu tố độc hại gây bệnh nghề nghiệp.
Kỹ sư bảo hộ lao động có thể làm việc ở ban bảo hộ lao động của các ngành sản xuất, các cơ sở sản xuất vừa và lớn, các khu công nghiệp, các ban công tác của tổ chức công đoàn, các Sở Lao động - thương binh và xã hội, Sở Công nghiệp; các đơn vị, cơ quan nghiên cứu khoa học - kỹ thuật; tham gia giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ, trung cấp.
Điểm chuẩn của Trường ĐH Tôn Đức Thắng năm 2008: A: 14 - B: 15; năm 2007 và 2005: 15; năm 2006: A: 13 - B: 14. Điểm chuẩn của Trường ĐH Công đoàn năm 2008, 2007 và 2006: 15; năm 2005: 18.
Các bậc phụ huynh và các bạn học sinh có những yêu cầu thắc mắc về tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2009, thắc mắc các ngành học, quy chế... có thể gửi email đến Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ: tuyensinh@tuoitre.net.vn. Tuổi Trẻ Online sẽ trả lời thắc mắc của bạn đọc trong thời gian sớm nhất. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ chữ có dấu (font chữ Unicode). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận