03/11/2009 12:56 GMT+7

Trường "không chạm đất"

TS HUỲNH CÔNG MINH (giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
TS HUỲNH CÔNG MINH (giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

TT - Không thể ngờ rằng ở ngay TP.HCM vẫn còn trường học không sân chơi, không cổng trường, không bảo vệ, không có phòng bộ môn... và đặc biệt không có một khoảng không gian nào... tiếp đất. Môi trường học như thế nên phụ huynh quay lưng dần với trường. Đó là Trường tiểu học Lý Thái Tổ ở đường Xóm Củi, P.11, Q.8, TP.HCM.

Trường “không chạm đất”

TT - Không thể ngờ rằng ở ngay TP.HCM vẫn còn trường học không sân chơi, không cổng trường, không bảo vệ, không có phòng bộ môn... và đặc biệt không có một khoảng không gian nào... tiếp đất. Môi trường học như thế nên phụ huynh quay lưng dần với trường. Đó là Trường tiểu học Lý Thái Tổ ở đường Xóm Củi, P.11, Q.8, TP.HCM.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372426
Toàn bộ diện tích trường nằm bên trên nhà sách, siêu thị Lý Thái Tổ - Ảnh: Minh Đức

Trước khi chúng tôi đến, một giáo viên đã điện thoại dặn dò kỹ lưỡng: “Trường này không giống những trường khác đâu nghe. Nếu cứ nhìn bảng tên trường ngoài cổng thì không đời nào tìm thấy. Đi qua cầu Chà Và, nhìn phía tay trái sẽ thấy nhà sách, trường chúng tôi ở trên lầu của nhà sách đó”.

Năm 1999, chúng tôi từng đến thăm Trường tiểu học Lý Thái Tổ có địa chỉ ở đường Xóm Củi, P.11, Q.8, TP.HCM. Sau mười năm, chúng tôi trở lại, thật buồn khi mọi thứ vẫn vậy. Có khác chăng là phòng ốc, bàn ghế đã cũ kỹ và xuống cấp hơn nhiều.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372428
Vườn sinh vật của Trường tiểu học Lý Thái Tổ (Q.8, TP.HCM) được bố trí ở hành lang hẹp trên... lầu  - Ảnh: Minh Đức

Không cổng, không sân

Nhìn bên ngoài, Trường tiểu học Lý Thái Tổ như một cái hộp. Tất cả đều nằm trên lầu của một tòa nhà cũ kỹ. Gần như toàn bộ diện tích tầng trệt dành cho hoạt động của siêu thị, nhà sách, chỉ còn lại một phần nhỏ dành cho cầu thang làm lối vào trường duy nhất cho học sinh và giáo viên. Không có sân chơi nên mọi hoạt động như tập thể dục hay sinh hoạt ngoài giờ lên lớp của học sinh thường diễn ra tại hành lang, lớp học phải mở đèn mới nhìn rõ mặt học sinh.

Trường cũng chẳng có cổng nên cũng không thấy bảo vệ. Giờ ra chơi, học sinh học lớp nào thì giáo viên lớp đó tự quản. “Chủ yếu không để các em chạy ra ngoài đường, rất nguy hiểm” - một giáo viên trần tình.

Học và hành trong “cái hộp” thiếu ánh sáng và bị xuống cấp trầm trọng nhưng những âm thanh ồn ào, chát chúa của các loại xe lưu thông không ngơi nghỉ trên cầu Chà Và mới thật sự là “đòn tra tấn” giáo viên và học sinh ở đây. Em L.H. - học sinh lớp 3 - giãi bày: “Cô giáo em phải nói thật to cả lớp mới nghe được. Chúng em thương cô giáo lắm. Cứ đến cuối buổi học là giọng cô khản đi. Giờ tập đọc, cô phải xuống từng bàn học sinh mới nghe rõ tụi em đọc bài”. Chưa hết, một giáo viên còn lo lắng: “Tiếng ồn ngay trước mắt nhưng khói bụi thì không ai đo đếm được”.

Đi một vòng quanh Trường Lý Thái Tổ đúng như nhận xét của một học sinh lớp 5: “Trường con cái gì cũng cũ hết, chỉ có bình chữa cháy là mới thôi cô ơi”. Hiện nhiều trường trên địa bàn TP.HCM đang đổi bàn ghế học sinh loại hai chỗ/bàn để mua loại mới một chỗ/bàn cho học sinh dễ dàng xoay chuyển, thảo luận nhóm hoặc sinh hoạt giữa giờ học.

Riêng Trường Lý Thái Tổ - cũng là trường nội thành và nằm ngay khu đô thị sầm uất của Q.8 - hiện vẫn dùng loại bàn ghế bốn chỗ ngồi, gây cản trở lớn cho giáo viên trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Bục giảng được đóng bằng gỗ một cách tạm bợ, có phòng bục đã bị lung lay.

Một giáo viên tâm sự: “Trường cũ sẽ không thông thoáng, nóng bức là điều đương nhiên rồi. Nhưng diện tích cũng chật chội ghê lắm, các phòng học ở đây chỉ khoảng 35m2 trong khi quy chuẩn phải là 48m2”.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372427
Học sinh phải tập thể dục giữa giờ ngay hành lang vì trường không có sân - Ảnh: Minh Đức

Mười năm vẫn đợi

3 nguyên nhân chậm xây trường mới

Trước đây, mỗi năm TP.HCM đưa vào sử dụng 1.000-1.500 phòng học mới. Hai năm gần đây, con số này chỉ 500-600 phòng.

Tiến độ xây dựng trường lớp mới trên địa bàn TP.HCM trong hai năm gần đây chậm lại do ba nguyên nhân: khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, thủ tục thẩm định và phê duyệt khi xây dựng mới có nhiều thay đổi mà mỗi lần thay đổi phải làm lại từ đầu rất mất thời gian. Nguyên nhân thứ ba là sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên việc cấp vốn để xây trường mới cũng gặp khó khăn.

TS HUỲNH CÔNG MINH (giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Trưa 2-11, giờ tan học ở Trường Lý Thái Tổ, phụ huynh đứng tràn lên cầu thang và cả hành lang chờ con em. Chị T., phụ huynh học sinh lớp 1, than thở: “Có chỗ nào khác đâu mà đứng chờ. Đứng ngoài đường Xóm Củi công an “hốt” ngay đó. Thiệt... cực chẳng đã tui mới cho con học ở đây chứ cũng là học sinh, con người ta học trường to, đẹp, khang trang, thoáng mát, còn con mình đi học mà cứ như tra tấn...”.

Chúng tôi mang trăn trở “mười năm sao vẫn không có gì đổi mới” đi hỏi ông Nguyễn Văn Giàu, hiệu trưởng nhà trường. Ông chua chát: “Thì có đầu tư gì thêm đâu mà mới! Trường nằm trong diện quy hoạch xây mới từ khi tôi về đây nhận nhiệm vụ năm 1995. Đến nay, giáo viên và học sinh vẫn đang chờ... xây mới”.

Môi trường học như thế nên phụ huynh quay lưng dần với trường: “Số học sinh 6 tuổi trên địa bàn P.11, Q.8 khoảng 100 em mỗi năm. P.11 chỉ có duy nhất Trường tiểu học Lý Thái Tổ nhưng nhiều năm nay chúng tôi không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Năm học 2009-2010 chỉ có 37 học sinh trong tuyến vào học lớp 1. Nhưng cũng chưa chắc chắn số học sinh này sẽ gắn bó với mình suốt năm năm tiểu học. Nhiều em chỉ học một thời gian ngắn, khi có trường khác nhận là xin chuyển đi ngay. Thực tế chỉ những học sinh không thể xin được ở trường khác hoặc học sinh các tỉnh chuyển về, không trường nào nhận mới học ở đây” - ông Giàu cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quỳnh Đài, giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.8, giải thích: “P.11 thuộc khu đô thị lâu năm của Q.8 nên không còn khu đất nào trống. Dự án xây mới Trường tiểu học Lý Thái Tổ đã được quận thiết lập cách đây nhiều năm trên cơ sở diện tích các kho bãi nằm trên đường Bến Bình Đông. Nhưng chúng tôi gặp khó khăn trong việc thu hồi mặt bằng mặc dù các đơn vị quản lý các kho trên không trực tiếp sử dụng mà cho đơn vị khác thuê lại.

HOÀNG HƯƠNG

TS Trần Thị Hương (trưởng bộ môn giáo dục học, khoa tâm lý - giáo dục học ĐH Sư phạm TP.HCM):

Phải có sân trường

Cơ sở vật chất nhà trường là yếu tố quan trọng trong hoạt động giáo dục. Yếu tố trường, sở gồm công trình phòng học, sân chơi... phải đảm bảo hoạt động giáo dục theo chuẩn mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Trong đó, sân trường là không gian cho các hoạt động vui chơi, giao tiếp của các em ngoài giờ học, tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ cho các em. Không gian thoáng đãng sẽ giúp các em thư giãn, phát triển giao tiếp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần và ký ức về sân trường, lớp học, bạn bè sẽ là những kỷ niệm mà các em lưu giữ suốt đời, là hành trang tuổi thơ của các em.

Thật thiệt thòi nếu những năm học đầu đời các em phải học tập trong một môi trường xuống cấp hoặc không gian chật chội, thiếu sân chơi... Thực tế những em này sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ về tâm lý, hạn chế tiếp thu kiến thức. Môi trường học tập này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của học sinh, có thể tạo nên những ức chế ảnh hưởng đến sự tiếp thu, sáng tạo.

L.TRANG ghi

....................

Ý kiến bạn đọc:

TTO - Ngày trước tôi từng là một học sinh của trường Lý Thái Tổ, nhưng giờ đã qua 20 năm khi đọc bài báo này vẫn thấy hiện trạng trường không gì thay đổi, có chăng là đã mất diện tích hơn ngày trước.

Tôi mong sao thật sự có nhiều thay đổi để các em,các cháu có một môi trường học tập tốt một điều kiện học tốt để giảm tải cho các ngôi trường có tiếng khác trong TP.HCM. Mong sao hãy thay đổi một ngôi trường để điều kiện học các em được tốt hơn. Hãy thay đổi từ những điều cơ bản nhất! Mong lắm

N.Q

Tôi là người dân ở Q.8, hằng ngày đi làm vẫn đi ngang ngôi trường này. Có lẽ vì nhịp sống hối hả tôi và biết bao người ở Q.8 đả bỏ quên ngôi trường. Quận 8 đang ngày một đổi mới, xây dựng bao nhiêu công trình hành chánh quy mô nhất nhì TP, trong khi đường xá, trường học lại không giải quyết triệt để.  Đó là những vấn đề cơ bản và chính đáng của người dân, chúng ta phải giải quyết trước rồi mới nói đến phát triển được.

HuynhDuchanh1985@

TS HUỲNH CÔNG MINH (giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên