13/10/2008 08:45 GMT+7

Truông Bồn - 40 năm quên và nhớ - Kỳ 4: Lặng thầm như đất

NGUYỄN BÁ THI(chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn - SABECO)
NGUYỄN BÁ THI(chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn - SABECO)

TT - Những câu chuyện về sự hi sinh cả một tập thể của TNXP thường có những huyền thoại. Và hơn thế, những huyền thoại ấy được lòng ngưỡng vọng và yêu quý của người đang sống. Những câu chuyện như thế có thể nghe ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), hang Tám Cô trên đường 20 - Quyết Thắng (tây Quảng Bình)... Và ở Truông Bồn cũng vậy. Sự thật về sự hi sinh ngày ấy của các nữ TNXP có những huyền thoại mà nhiều chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn ngày ấy vẫn thường kể. Một hình ảnh vừa đẹp, vừa lãng mạn, vừa không kém phần khốc liệt.

SIM0tdQr.jpgPhóng to
TNXP san lấp hố bom ở Cầu Om (Đô Lương) năm 1968 -Ảnh tư liệu

Kỳ 1: 13 người tan vào đất đá Kỳ 2: “Em không về, vắng một cuộc đưa dâu” Kỳ 3: Người ở lại làm nhân chứng

Huyền thoại “cọc tiêu sống”

Đó là đêm đêm khi vượt qua cung đường Truông Bồn nguy hiểm, ôtô không được bật đèn pha, không được bật cả đèn gầm vì tránh để đối phương phát hiện. Đi mò mẫm trong đêm với hàng cọc tiêu quét vôi trắng mờ mờ hai bên đường làm lộ giới. Nhưng với mật độ đánh phá ác liệt, không cọc tiêu nào chịu đựng nổi, tất cả đều bị xóa sạch. Và khi ấy, những cô gái TNXP tự mình biến thành những “cọc tiêu sống” với mảnh vải dù trắng khoác trên vai, đứng thành hàng trong đêm để các chiến sĩ lái xe nương theo dấu hiệu ấy mà đi.

Sự hi sinh làm lay động lòng người

Sự kiện Truông Bồn xảy ra khi tôi mới 12 tuổi. Nhưng hình ảnh những người lính lái xe, dân quân tự vệ, giao thông vận tải, đặc biệt là những cô gái TNXP thời đó đã bồi hồi hiện lên khi tôi đọc từng trang viết thật ấn tượng đang đăng trên Tuổi Trẻ.

Hồi đó, con đường ác liệt phải chạy rẽ qua làng tôi. Nhà tôi là một trong nhiều nhà dân có các cô TNXP đến ở. Tôi không thể quên có đêm các cô bất chấp bom đạn, mặc áo trắng để làm “cọc tiêu sống” cho hàng ngàn chuyến xe đi vào Nam. Vực Chỏng là một trong bốn trọng điểm ác liệt cùng với trọng điểm Truông Bồn. Mùa mưa lũ, nước dâng ngập vực Chỏng, ngày nào quần áo các cô cũng ướt đầm. Vì thế, các cô thường mặc chung quần áo của nhau miễn người nào đó có dư một bộ quần áo khô. Rồi bất ngờ các cô hi sinh, vùi trong đất đá. Đó là sự hi sinh cao cả, làm lay động ký ức tôi không chỉ đến bây giờ.

Từ Truông Bồn, tôi lớn lên, đi xa, trở thành chủ doanh nghiệp. Việc công ty chúng tôi đóng góp 1 tỉ đồng để tỉnh Nghệ An xây dựng di tích lịch sử Truông Bồn chỉ mới là bước đầu, vì tôi nghĩ Truông Bồn quê hương sẽ là kỳ tích cho đời sau bởi nó gắn với sự hi sinh bi hùng của nhiều lực lượng, trong đó có cuộc đời trẻ trung của các cô TNXP Nghệ An.

Không biết có hư cấu quá không khi có nhà văn trong một câu chuyện về những nữ TNXP đã kể rằng trên những tuyến đường năm ấy, có đoàn xe được lệnh hành quân khẩn cấp thoát qua cửa tử, trên trời máy bay quần đảo, cả những mảnh dù trắng khoác làm cọc tiêu cũng bị bom hất đi. Và thay cho mảnh dù trắng, các cô gái đã dùng chính làn da con gái trinh bạch của mình để làm tín hiệu trắng giữa bốn bề màn đêm!

Hỏi chị Trần Thị Thông sự thật về những đêm làm “cọc tiêu sống” ở Truông Bồn ngày ấy, mới hay chuyện làm cọc tiêu cũng lắm điều thú vị. Ban đầu các chị dùng cọc gỗ, nhưng rồi gỗ cũng không đủ cung cấp, chị em sáng kiến lấy lõi thân cây chuối, bóc lấy bẹ trắng rải dọc theo mép đường hằng đêm. Nhưng từ tháng này qua tháng khác, triền miên bom đạn như vậy thân chuối cũng không còn bởi làng xóm cũng bị bom đánh tan nát. Và chính các chị, với những chiếc áo lá màu trắng đã hóa thân làm “cọc tiêu sống” đêm đêm, như một thách thức can trường với đạn bom.

Trong hàng vạn hình ảnh ấn tượng về cuộc chiến tranh nhân dân suốt mấy chục năm cho đến ngày thắng lợi, có lẽ hình ảnh những cô gái bất chấp đạn bom gầm réo, đem thân mình làm cọc tiêu trắng đêm đêm cho đoàn xe ra mặt trận là một trong những hình ảnh có tính biểu tượng bất khuất hơn cả. Và cũng nhờ những “cọc tiêu sống” ấy mà hàng vạn chuyến xe đã chở quân, chở hàng vượt qua trọng điểm Truông Bồn an toàn.

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình”

Những ngày ở Đô Lương, Yên Thành (Nghệ An), tìm về gia đình các liệt sĩ ngã xuống ở Truông Bồn, chúng tôi chợt nhận ra sự hi sinh của mỗi người trong số họ thật lớn lao. Loanh quanh gần một buổi sáng chúng tôi mới tìm ra nhà ông Vũ Đình Liêu ở xã Tăng Thành.

Ông Liêu là em ruột liệt sĩ Vũ Thị Hiên. Là chị cả trong nhà, chị Hiên ngày ấy rất xinh đẹp và có năng khiếu văn nghệ. Hồi học cấp II, khi nào chị cũng đóng vai Bà Trưng. Kể về sự hi sinh của chị Hiên, ông Liêu cứ ngậm ngùi: “Ngày chị ấy hi sinh tôi còn nhỏ, chỉ nghe bố kể là sau trận bom, mọi người chỉ tìm thấy một cánh tay của chị. Biết được đó là cánh tay của chị Hiên bởi trên cổ tay còn buộc chặt chiếc khăn tay, trong khăn gói ghém mấy cái tem gạo và giấy gọi nhập học trường trung cấp y tế, nhờ tên chị Hiên ghi trong tờ giấy của trường mà mọi người nhận ra cánh tay đứt lìa ấy!

Liệt sĩ Phan Thị Dung ở Hợp Thành cũng vậy. Mấy anh chị em ruột chị Dung nay làm ăn sinh sống xa quê hương, di ảnh chị được thờ ở nhà thờ bổn tộc. Từ Yên Thành, chúng tôi nối điện thoại liên lạc với người em trai của chị Dung đang công tác trong ngành dầu khí ở Vũng Tàu. Người em trai của chị cho biết trước khi hi sinh một tuần, chị Dung được cho về nhà chuẩn bị đồ đạc rồi quay lại đơn vị chia tay trước khi tựu trường. Rồi chị mãi mãi không về nữa.

Chị Trần Thị Doãn ở Sơn Thành thì chỉ hai hôm trước khi hi sinh do không về nhà được để thu xếp hành trang đi học, mẹ chị đã sắp xếp quần áo, rang thêm mắm muối, gói ghém lặn lội mang vào đơn vị cho cô con gái yêu để mấy hôm sau từ đơn vị chị Doãn có thể yên tâm về thẳng thành phố Vinh nhập học. Càng nghe kể về những mơ ước, khát vọng, dự tính của những anh chị em TNXP Truông Bồn trước lúc hi sinh càng thấm thía sự hi sinh lặng thầm như đất vì tuyến đường Truông Bồn. Và với những hi sinh như thế, câu chuyện Truông Bồn càng cần được nhắc nhớ với hôm nay nhiều hơn, như một câu thơ của Thanh Thảo: Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/(Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc?)/Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc!

Không chỉ có sự hi sinh của người nằm xuống trên những cung đường ra trận. Đất nước hòa bình, về lại với đời thường rất nhiều anh chị em TNXP ngày ấy vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Và khi gặp họ rồi, những ngỡ cái điều khiến tất cả mọi người âu lo, day dứt sẽ là cuộc sống với bao khó khăn mỗi ngày nơi đồng ruộng quê hương mà những cựu TNXP vẫn ngày ngày đối mặt, nhưng hóa ra không phải thế! Điều tất cả đau đáu nhất vẫn là nỗi khắc khoải về những đồng đội mình đã ngã xuống. Giống như chị Thông đã tâm sự với chúng tôi trong lần đầu trò chuyện là khao khát làm sao cho anh linh những liệt sĩ được siêu thoát. Những người đã mang tuổi trẻ ra trận, khi hi sinh không tìm thấy thi thể, nay phụng thờ không có di ảnh và có liệt sĩ không còn thân nhân để thờ tự. Còn sự hi sinh nào lớn hơn thế?

_____________________________

Đối với rất nhiều cựu TNXP khắp Yên Thành, ký ức chiến tranh khốc liệt quá, bi tráng quá nên khi bước ra từ hôm qua, họ nhìn những khó khăn hôm nay không còn là khó khăn nữa. Chỉ còn nỗi khắc khoải khôn nguôi về những đồng đội hi sinh.

Kỳ tới: Không sợ cực, chỉ sợ lãng quên!

NGUYỄN BÁ THI(chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn - SABECO)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên