01/12/2006 12:27 GMT+7

Trùng tu các di tích Chăm: Trăm năm, vẫn rối một mớ bòng bong

Theo Lao động
Theo Lao động

Sau hơn 100 năm, kể từ ngày các nhà khảo cổ, nghiên cứu văn hóa người Pháp tiến hành trùng tu ngôi đền A1 Mỹ Sơn, đến nay ngành bảo tồn bảo tàng nước ta vẫn chưa thống nhất, xác định được phương pháp và chuẩn mực phù hợp trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích.

* Kỳ 1: Tháp Chăm- "quả trứng" treo đầu đẳng

C0R49bNf.jpgPhóng to
Xi măng - gạch mộc được đưa vào chân tháp Dương Long.
Sau hơn 100 năm, kể từ ngày các nhà khảo cổ, nghiên cứu văn hóa người Pháp tiến hành trùng tu ngôi đền A1 Mỹ Sơn, đến nay ngành bảo tồn bảo tàng nước ta vẫn chưa thống nhất, xác định được phương pháp và chuẩn mực phù hợp trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích.

Trong số hàng vạn di tích lịch sử, văn hoá do tiền nhân để lại trên đất các tỉnh miền Trung thì các di tích tôn giáo Chăm được xây dựng bằng vật liệu gạch đang trong tình trạng đáng lo ngại nhất.

Cách đây 7 năm Tổ chức UNESCO đã vinh danh Di sản văn hóa nhân loại cho Thánh địa Mỹ Sơn trên đất huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam với hơn 70 tháp còn lại đều là phế tích.

Bên ngoài thung lũng Mỹ Sơn, các tháp Chăm lác đác còn lại từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và Tây Nguyên cũng trong tình trạng không khá hơn. Tất cả đều đòi hỏi sự bảo tồn cấp thiết, nếu muộn hơn thì sẽ không còn cơ hội cứu chuộc.

Truân chuyên "Thung lũng thần linh"

Khu di tích tháp Chăm Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng hẹp thuộc làng Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng 70km về hướng Tây - Tây Nam, cách Trà Kiệu- kinh thành cũ của vương quốc Chămpa-Avamarati xưa 20km về phía Tây.

Năm 1885, Mỹ Sơn mới được phát hiện trong một cuộc dã ngoại của nhà khoa học Pháp M.Paris. Mười năm sau, các nhà nghiên cứu Pháp Louis de Fino, Henri Pamentier và Launet de Lajonquere bắt đầu thực hiện các cuộc phát quang, tổ chức khai quật khảo cổ học nghiên cứu khu di tích này và gọi đây là "thung lũng thần linh".

Thời điểm này Mỹ Sơn được phát hiện có 68 di tích còn gần như nguyên vẹn, được các nhà khoa học đặt tên theo mẫu tự Alphabet từ A đến N. Đến năm 1904, những tài liệu cơ bản nhất về Mỹ Sơn đã được L.Finot và H.Pamentier công bố.

Căn cứ trên hình dáng, bố cục... các nhà nghiên cứu tiên phong này đã chia di tích Chăm Việt Nam ra làm 7 phong cách nghệ thuật theo quá trình phát triển. Riêng Mỹ Sơn có đủ đại biểu các phong cách, trong đó có đến hai phong cách xuất phát từ Mỹ Sơn. Phong cách Mỹ Sơn A1, đại diện là tháp A1 được mệnh danh là kiệt tác kiến trúc Chăm.

Từ năm 1937, các nhà khoa học Pháp bắt đầu có những động tác trùng tu đầu tiên một số tháp tại Mỹ Sơn. Vài năm sau đó đã có những công bố giá trị lịch sử, văn hoá đầu tiên. Nhưng tiếc thay những trận bom Mỹ năm 1969 đã làm biến dạng hình hài của khu di tích. Hầu hết các đền tháp đã bị sụp đổ hoặc hư hại nặng nề.

Sau chiến tranh, để phục vụ cho công cuộc nghiên cứu, phục hồi di tích, ta đã tiến hành rà phá bom mìn còn lại ở khu vực này. Và năm 1980, trong chương trình hợp tác văn hoá Việt Nam- Ba Lan, tiểu ban phục hồi di tích Chămpa được thành lập do cố KTS Kazimiers Kwiatkowski (Kazic) phụ trách.

Trong vòng năm năm, các đền tháp Mỹ Sơn được dọn dẹp và gia cố, hàng ngàn mét khối gạch vỡ, đất đá được đưa ra khỏi khu vực và sắp xếp lại. Nhờ vậy mà khu vực đền tháp này có được dáng vẻ như hôm nay.

Tháng 12 - 1999, Mỹ Sơn đã chính thức được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Tiếp đó, theo thoả thuận của ba bên Việt Nam, UNESCO và Chính phủ Italia, Ban quản lý Di tích Mỹ Sơn hợp tác với đoàn chuyên gia Italia nghiên cứu toàn diện về Mỹ Sơn.

Từ đó, đã vẽ được bản đồ thực trạng khu vực di tích. Nhận định chung của các chuyên gia cho rằng: "Đối xử với di tích phải hết sức dè dặt, phải nghiên cứu kỹ về vật liệu xây dựng vì người xưa không chỉ để lại những giá trị mỹ thuật và lịch sử mà còn có cả kỹ thuật vật liệu".

Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn chưa có được một kết luận khoa học mang tính đúng đắn và có khả năng ứng dụng. Viên gạch cổ nhẹ hơn gạch hiện tại cùng kích thước 1,3 lần. Gạch được nung non hơn nhưng tính chất về sức bền vật liệu lại cao hơn. Đặc biệt nếu nhìn mặt ngoài của bức tường đền tháp, chúng ta có cảm nhận là tường liền mạch, nhưng gạch bị tách ra lại có một lớp vữa mỏng.

Đền tháp Chăm ở Mỹ Sơn không chỉ chứa chất những giá trị văn hoá mà còn chứa cả những giá trị kỹ thuật mà công nghệ thời chúng ta chưa giải quyết được.

Mỹ Sơn đang "thấp hơn và nhỏ lại"

Để bảo tồn di tích khỏi sự tác động của thiên nhiên, những khu rừng mới đã được trồng làm vành bảo vệ. Trong quá trình gia cố, phát lộ di tích, Ban quản lý di tích Mỹ Sơn vẫn phải rà soát bom mìn để không làm tổn thương con người và di tích thêm lần nữa.

Tháng 10 - 2002, trong khuôn khổ chương trình mục tiêu của Bộ Văn hóa thông tin, nhóm tháp F Mỹ Sơn nằm bên bờ kia khe Thẻ được chọn để tổ chức trùng tu. Đây là nhóm tháp bị bom đạn tàn phá nặng nhất, trong đó hai tháp lớn nhất (F1, F2) bị trùm kín bởi đất đá do bom nổ cách chân tháp vài mét.

Sai lầm lớn nhất của các nhà trùng tu nhóm tháp này là đã vội vã tiến hành bóc tách toàn bộ hàng tấn đất đá trùm trên F1 từ vài mươi năm nay, dẫn đến hiện tượng gạch tháp mất liên kết và nguy cơ đổ sập. Bộ Văn hoá thông tin đã vội vã cấp ngay kinh phí để dựng mái che và chống đỡ.

Có thể nói đây là di tích đầu tiên trong số gần 100 kiến trúc của 20 cụm tháp suốt dải đất miền Trung từ Quảng Trị đến Ninh Thuận lâm vào tình trạng đặc biệt như vậy. Một mái che bằng tôn rộng khoảng 7m2 che kín phía trên, toàn thân tháp F1, F2 được ràng giữ bằng một hệ thống giằng thép vững chãi. Có thể khó nhìn một chút, nhưng cũng đủ để giới chuyên môn và khách tham quan tạm yên lòng cho di tích, trước những đợt mưa lũ miền Trung.

Thế nhưng, tuy được che nhưng sức nóng hầm hập, trong bầu không gian chật hẹp của mái tôn lợp, gạch trên tháp F1 đang đổi màu và tơi bở ra nhanh. Và từ hơn 4 năm qua, đến nay vẫn chưa ai "dám" đụng vào nhóm tháp F.

Anh Trần Công Hường, trưởng ban quản lý di tích Mỹ Sơn xót xa: "Điều đáng âu lo bây giờ không chỉ ở riêng từng khu tháp nào mà trên tất cả di sản có thể nhìn thấy sự xuống cấp nặng nề bằng mắt thường". Trong một báo cáo gần đây đánh giá hiện trạng khu di tích Mỹ Sơn do ban quản lý khảo sát sơ bộ cho biết:

"Nhóm A: Tháp A12 mặt nam và mặt bắc có xu hướng đổ ngã; A13 mặt bắc có trang trí chim thần Garuda có nguy cơ sạt xuống bất cứ lúc nào.

Nhóm B: Tháp B2 phát hiện mảng tường phía bắc bị tách đôi, vòm cửa tây nghiêng; B3 tháp nghiênh 5 độ về phía tây-nam. Đây là tháp có nguy cơ đổ sập cao nhất. Thân tháp rạn nứt, vết nứt sâu từ 5-7cm, rộng 3-4 cm, toàn bộ khung cửa chính lệch về phía nam 3 độ; B4 linto cửa đông gãy làm ba đoạn, dấu hiệu dễ dàng rơi xuống...

Nhóm C: Tháp C3 (kiến trúc duy nhất gần như còn nguyên vẹn) trụ cửa bị nứt, hai linto trong ngoài đều gãy; khung cửa bên trong biến dạng thành hình bình hành... Và nhóm D... Nhóm E... Nhóm G...

Sự hư hại, xuống cấp không loại trừ nhóm tháp nào, đều được miêu tả khá tỷ mỷ trong báo cáo "Thực trạng và giải pháp bảo tồn di sản Mỹ Sơn" của Ban quản lý di tích Mỹ Sơn gửi đến các cấp liên quan. Theo cách kết luận của văn bản này thì các di tích của Mỹ Sơn đang "thấp hơn và nhỏ lại".

Trước đó năm 1996, sau trận lũ đầu mùa sập một nửa tiền sảnh tháp G1, năm 1997 sập ba phần tư tường nam tháp E6, năm 1998 sập vòm trước tháp E7... năm 2003 một mảng gạch tháp E7 bị rơi xuống do ngấm nước lâu ngày...".

"Bắc Đẩu" Bình Định mới và trẻ lại

Hiện Bình Định còn tồn tại 8 cụm di tích với 14 tháp Chăm gồm Bánh ít, Dương Long, Hưng Thạnh, Cánh Tiên, Phú Lộc, Phú Thiện, Bình Lâm và Hòn Chuông, nhưng giới văn nghệ vẫn ví đó là chòm "Bắc Đẩu hùng tinh" vì tháp Hòn Chuông chỉ còn chân đế.

Quần thể tháp Chăm ở Bình Định còn khá nguyên vẹn, đa dạng và đạt những "kỷ lục" trong khu vực Đông Nam Á: Tháp Dương Long ở huyện Tây Sơn là tháp gạch cao nhất với tháp giữa cao 39m (hai tháp hai bên cao 36m). Và tháp Hòn Chuông được xây ở vị trí cao nhất khu vực Đông Nam Á- 600m.

Ngoài ra, còn có bốn toà thành cổ gồm Thị Nại, Đồ Bàn, An Thành, Uất Trì và hàng ngàn tác phẩm điêu khắc, thể hiện sự bề thế một thời của kinh đô Đồ Bàn thuộc Vương quốc Vijaya thế kỷ 11-15.

Trong vòng hơn 10 năm qua, với kinh phí cấp từ các chương trình mục tiêu của trung ương, Bình Định đã gia cố, chống xuống cấp hầu hết các di tích Chăm, trong đó tháp Đôi và tháp Bánh Ít trùng tu hoàn tất; tháp Dương Long và Cánh Tiên hiện đang trong quá trình tôn tạo.

Mới đây, Sở VHTT Bình Định đã tổ chức một hội thảo "Làm thế nào để phát huy giá trị của hệ thống các di tích tháp Chăm" nhằm tiến đến giai đoạn tổ chức khai thác. Trước đó Viện khảo cổ và UBND tỉnh Bình Định cũng dự kiến xin phép Chính phủ lập hồ sơ trình tổ chức UNESCO vinh danh hệ thống di tích Chăm tại đây là Di sản văn hoá nhân loại.

So với Quảng Nam, địa phương "giàu có" hơn về di tích kiến trúc Chăm thì trong những năm qua ngành bảo tồn, bảo tàng Bình Định tỏ ra "làm được nhiều việc" hơn trong công tác trùng tu, tôn tạo. Phần lớn các tháp tại đây đều được trùng tu theo hướng "phục chế, hoàn nguyên" bằng các loại vật liệu hiện đại như xi măng, gạch mộc, với phương pháp "suy diễn đối xứng".

Nhận xét về vấn đề này, TS Đinh Bá Hoà, PGĐ Bảo tàng Bình Định lo lắng: "Trong hoàn cảnh chúng ta chưa rõ về phương pháp và vật liệu của tiền nhân Chăm, thì việc các đơn vị trùng tu đục vào thân tháp, sau đó gắn gạch với chất kết dính bằng xi măng sẽ làm tháp hư hại nhiều hơn và không có khả năng phục hồi khi có điều kiện".

Cụm tháp Bánh Ít ở huyện Tuy Phước, tháp Đôi ở TP Quy Nhơn được cho là "đã hoàn tất trùng tu" trông ngoài vỏ mới như vừa xây xong. Toàn bộ thân tháp từ đỉnh đến chân đều được gắn gạch vuông đều chằn chặn.

Nhưng điều đáng lưu ý nhất thể hiện trong thân và lòng tháp. Đơn vị trùng tu sau khi gắn gạch xong đã dùng xi măng tô láng, trông không khác kiểu tô tường của công nghệ xây dựng nhà dân dụng hiện nay là bao.

Tháp Dương Long và Cánh Tiên thì trong đợt trùng tu 2006, sẽ đục bỏ phần xi măng, gạch mộc "lỡ" gắn vào thân tháp trong lần trùng tu trước đó, rồi thay bằng gạch mới được sản xuất tại Điện Bàn (Quảng Nam) với phương pháp mài chập, kết dính bằng keo bời lời, ô dước... do Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tư vấn.

Hai thái độ ứng xử của Quảng Nam và Bình Định trước sự mai một ngày càng mạnh của hệ thống tháp Chăm trên địa bàn cho thấy, một phương pháp trùng tu chuẩn mực hiện nay đang hết sức cần thiết. Thế nhưng điều đó không có nghĩa bảo tồn theo cách vừa làm vừa mò mẫm tìm hiểu.

Mới đây các nhà khoa học thuộc Đại học Milan - Ý (do UNESCO chỉ định) đã khai phá những bước đầu tiên trong công tác trùng tu di tích mang tính xác định chuẩn mực tại nhóm tháp G Mỹ Sơn (2005). Nội dung công việc của đoàn chuyên gia này cũng thận trọng dừng lại ở việc phát quang và gia cố chống sập.

Trước đó chuyên gia Kazic người Ba Lan cũng chỉ làm đến thế. Còn ta, tại sao không chấp nhận quan điểm này, khi chưa hiểu biết gì nhiều về vật liệu và phương pháp xây dựng tháp Chăm ?

Kỳ 2: Trên những nẻo đường trùng tu

Theo Lao động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên