25/07/2009 07:40 GMT+7

Trung thực trước hết với chính mình

THÁI BÌNH thực hiện
THÁI BÌNH thực hiện

TT - “Trung thực trước hết là với chính mình. Khi tôi trung thực với chính mình thì không có lý gì khiến tôi không trung thực với người khác” - bà Trish Summerfield, giám đốc chương trình các giá trị sống (Living Values), dẫn lời của “người phụ nữ bình an” Dadi Janki để mở đầu buổi tọa đàm “Trung thực trong lòng” vừa diễn ra.

ZWx14188.jpgPhóng to

Các nhóm thảo luận về “nếu trung thực sẽ được/mất gì” trong cuộc sống của chính mình - Ảnh: T.B.

Hơn 20 người dự tọa đàm khá ngạc nhiên vì xem ra nhiều người vẫn cho rằng chính những cạnh tranh trong cuộc sống mới là rào cản lòng trung thực.

Minh Tâm, một SV, chia sẻ: “Trong cuộc sống không ít lần tôi đã “nói dối vô hại” để tránh gây cảm xúc không tốt, thậm chí thiệt hại cho người thân, bạn bè”. Dù ai cũng khẳng định trung thực là một đức tính tốt đẹp nhưng một số ý kiến cũng đồng cảm với Tâm khi thú thật đã không ít lần thiếu trung thực bởi “tình thế bắt buộc”, “hoàn cảnh đặc biệt”...

“Cùng hoàn cảnh như nhau, nếu suy diễn khác nhau thì cảm xúc khác nhau và hành động cũng khác nhau” - bà Trish nhận định và cho rằng chính mình chứ không ai khác là người tạo ra suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình. Vì vậy, mình là người chịu trách nhiệm cho những gì mình làm. Chúng ta không thể đổ thừa cho hoàn cảnh, cho người khác về sự thiếu trung thực của mình.

Nền móng của “bức tường tin cậy”

Cuộc sống cạnh tranh, làm sao có thể giữ sự trung thực trong các mối quan hệ?

- Bà Trish Summerfield: Cần hiểu rằng nếu thiếu trung thực hoặc cho phép mình “nói dối vô hại” dù chỉ một lần, khả năng nói dối ở những tình huống khác rất cao. Hậu quả: không chỉ chất lượng các mối quan hệ của chúng ta bị đe dọa mà lương tâm của chính ta cũng bị dằn vặt.

Khi dám đối mặt với thách thức, ta sẽ có khả năng ứng phó nhuần nhuyễn hơn đối với những thử thách tiếp theo chắc chắn sẽ có. Đời người ai chẳng có lúc mắc sai lầm, quan trọng là cách xử trí với sai lầm như thế nào...

“Nhưng đôi khi lời nói dối khiến người ta thích thú, tin tưởng mình hơn, mối quan hệ vì thế cũng được củng cố” - chị Hồng Nga tranh luận.

Không phản bác, bà Trish chia những người tham dự thành bốn nhóm nhỏ trao đổi về hậu quả của những lời nói dối. Kết quả cái được tưởng nhiều hóa ra lại rất ít và không bền vững; ngược lại cái hại rất lớn đến nỗi hủy diệt mối quan hệ đó, nhất là khi sự dối trá ấy bị phát hiện. Cũng vậy, theo bà Trish, những lời “nói dối vô hại” thật ra cũng chỉ là sự trì hoãn khiến chúng ta mất thêm thời gian để biết và chấp nhận thực tế.

Nguy hiểm hơn, sự thiếu trung thực có thể khiến các bậc cha mẹ tự đánh mất hình ảnh tốt đẹp của mình trước con cái. Bà Trish kể về một phụ nữ không ủng hộ sếp nhưng chồng chị lại khuyên cứ làm ra vẻ ủng hộ để được lòng sếp. Vô tình nghe bố mẹ nói, cô con gái buột miệng: “Nếu là con, con nghĩ thế nào thì nói thẳng, việc gì phải thế”. Bà nhận xét: nhiều bậc cha mẹ dạy con bao điều hay lẽ phải nhưng chính họ lại không làm hoặc làm ngược lại.

Theo đề nghị của bà, các nhóm chung tay vẽ “bức tường tin cậy” trong các mối quan hệ. Rất thú vị khi hầu hết đều vẽ nền móng của bức tường là sự trung thực. Có nhóm còn vẽ chi tiết những viên gạch: sự quan tâm, chia sẻ, tôn trọng, cảm thông... và được liên kết bằng một trái tim yêu thương.

Bà Trish Summerfield tạm rút ra nhận định từ trao đổi của các nhóm: khi trung thực, ta sống với thực tế và nhìn sự việc như chính bản thân nó. Người trung thực không bào chữa cho hành động của mình, vì bào chữa là tự lừa dối mình, sau đó là lừa dối người khác. Trung thực cho phép ta chịu trách nhiệm về những lỗi lầm của bản thân và những hậu quả của nó. Ta có thể “ôm thất bại” như bài học kinh nghiệm để tiến về phía trước, chứ không đổ trách nhiệm cho người khác khiến họ mất niềm tin với ta.

10 ngày, 700 thư

Chỉ trong hơn mười ngày, diễn đàn “Sống trung thực, được gì?” đã nhận khoảng 700 thư, email bạn đọc gửi về chia sẻ. Trong đó, hơn 70% ý kiến tham gia là của các bạn trẻ, SV-HS, như một khẳng định việc giới trẻ vẫn quan tâm vấn đề này.

Gần 30% ý kiến còn lại của các bạn trẻ vừa bước vào đời, giáo viên, hiệu trưởng, nhà giáo dục, cán bộ công nhân viên và đặc biệt không ít bậc lão thành vẫn nhiều trăn trở với cuộc sống, thế hệ trẻ hôm nay.

Hầu hết ý kiến đều khẳng định trung thực là một đức tính quý báu của nhân cách, phẩm chất và hành vi một con người. Tuy nhiên, những băn khoăn, trăn trở lẽ “được - mất” nếu sống trung thực của một bộ phận không nhỏ bạn đọc, đặc biệt với các bạn trẻ, cũng là một thực tế, dù thật sự ngay cả những chọn lựa không trung thực cũng dễ dàng cảm nhận những ẩn chứa ước vọng hướng về phẩm chất quý báu này.

Sẽ khó có một kết luận “nếu trung thực sẽ được/mất gì” vì cái được/mất đó còn tùy thuộc từng người. Xin được tạm khép lại diễn đàn với buổi tọa đàm dưới đây, như một cách góp thêm cách chọn lựa cho mỗi bạn trong cuộc sống hôm nay.

Xúc động với những sẻ chia

Tôi đã nói thật những suy nghĩ của mình về sự trung thực (Tuổi Trẻ ngày 15-7) và thật sự muốn được nghe những ý kiến khác về sự trung thực, những thực tế ngoài trường lớp mà tôi chưa được biết và trải qua.

Những ý kiến trao đổi trên diễn đàn hơn mười ngày qua khiến tôi thật sự suy nghĩ sâu hơn về hai mặt của vấn đề, để có thể cảm nhận rõ hơn một điều: có lẽ việc sống trung thực không chỉ là cân nhắc được - mất mà quan trọng hơn là tạo được niềm tin của con người vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Tôi nhớ một câu chuyện được học hồi lớp 1. Khi đến thăm một trường học, Bác Hồ đã chia kẹo cho các em bé ngoan. Bé nào cũng háo hức nhận kẹo, chỉ duy một bé không dám nhận. Bác hỏi lý do, bé thưa: “Thưa Bác, hôm nay cháu chưa ngoan ạ”. Bác đã xoa đầu bé, cười hiền từ: “Biết nhận lỗi cũng là ngoan, cháu xứng đáng được nhận kẹo”.

Phần thưởng từ lòng trung thực của em nhỏ không chỉ là kẹo mà còn là lòng thương yêu, sự tin tưởng của Bác với thế hệ trẻ. Lòng trung thực sẽ khiến con người cao thượng hơn, xã hội tốt đẹp hơn. Khi trung thực, ta nhận được sự thanh thản trong tâm hồn và sự tôn trọng từ mọi người, đó chính là món quà quý giá nhất mà trung thực mang lại. Vậy tại sao tôi còn phải cân nhắc được/mất gì?

Có lẽ cuộc sống muôn mặt luôn bắt ta phải đối diện với những tình huống phải lựa chọn. Nhưng tôi luôn tin rằng lòng trung thực đúng nghĩa sẽ giúp thế hệ trẻ chúng tôi biết cách xử trí mọi tình huống. Để từ đó tôi có thể hi vọng mình sẽ mang điều tốt đẹp đến cho bản thân và cho mọi người với lòng trung thực được đặt đúng chỗ.

Xin cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã cho tôi, một học sinh lớp 11, cơ hội nói lên những suy nghĩ của mình như một phút nhìn lại để bây giờ tôi càng trân trọng hơn ý nghĩa của lòng trung thực. Thật sự tôi rất xúc động khi được chia sẻ suy nghĩ của mình và quan trọng hơn, nhận được nhiều sự sẻ chia của nhiều người với thế hệ trẻ hôm nay. Điều này khiến chúng tôi có thể ý thức hơn về lòng trung thực và tin rằng nó sẽ đem đến cho chúng tôi cũng như cuộc sống những món quà thật sự quý giá.

_____________________________________________

Bệnh thành tích đẩy học trò sống không thật

Cô Trần Thị Hương Giang, giáo viên dạy môn giáo dục công dân (GDCD) Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), cho biết: trước đây sách GDCD lớp 11 với bài Lương tâm (một tiết) đề cập vấn đề sống trung thực nhưng nay đã được chuyển xuống lớp 10, thời gian cũng bị cắt ngắn một nửa và nằm trong bài Một số phạm trù đạo đức cơ bản.

Cô Hương Giang kể: “Trong một lần kiểm tra đầu giờ, một học sinh của tôi vì sợ điểm 0 đã nói dối và lấy làm tự hào khi được cả lớp tán thưởng vì qua mặt được cô giáo. Đó là cái “được” trước mắt: không bị điểm kém, không bị gia đình la mắng nhưng cái “mất” lớn hơn của em là niềm tin của thầy cô, bạn bè sau khi sự việc được phát hiện. Chúng ta chưa dạy các em trong cái “được” có cái “mất” và trong cái “mất” có cái “được”.

Cũng không thể không nói đến vai trò của các tác nhân bên ngoài, đó là bệnh thành tích; là sự đòi hỏi của xã hội, gia đình, nhà trường đã vô tình đẩy học sinh đến chỗ thiếu trung thực. Chúng ta không thể đòi hỏi các em hoàn hảo ở mọi khía cạnh, điều quan trọng là các em dũng cảm chấp nhận cái mình đang có và giúp các em định hướng, lựa chọn con đường cho mình. Sách GDCD cũng nên tăng thời lượng cho những bài học về hình thành nhân cách, hướng dẫn các em cách ứng xử thực tế trong xã hội...

------------------------------------

*Tin bài liên quan:

Sẵn sàng trung thực vì cộng đồng Trung thực không đủ sức đi cùng chúng taSống trung thực, được gì?Sống trung thực để... thua thiệt?Không trung thực, bạn sẽ mất chính mìnhĐừng tính “được - mất”Nếu trung thực, được gì? Đức tính tốt nhưng mất nhiều quá Đã mấy ai không một lần thiếu trung thực!Cha tôi, một người thầyTrả lại lẽ công bằng sau 22 năm“Người Việt Nam thành thật”

THÁI BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên