12/11/2006 21:38 GMT+7

Trung tâm Hội nghị Quốc gia và những "kỷ lục"

Theo Thể thao văn hóa
Theo Thể thao văn hóa

Đông đảo người Hà Nội hồi hộp đón APEC còn vì một lý do đặc biệt: đây cũng chính là dịp khánh thành tòa nhà hiện đại bậc nhất khu vực - Trung tâm hội nghị quốc gia.

22 tháng qua, bất kỳ ai đi qua khu Mỹ Đình cũng phải tò mò ngắm tòa nhà "Sóng biển Đông" này đang hiện dần lên từng ngày giữa một khuôn viên rộng tới 64 ha. Lại thêm xuýt xoa khi nghe các KTS người Đức (thiết kế) khẳng định rằng tòa nhà này "độc nhất vô nhị trên thế giới và có bản quyền thiết kế".

Là tác phẩm của các KTS người Đức, được xây lên bởi hàng ngàn công nhân, kỹ sư Việt Nam. Và đặc biệt, ít ai biết rằng, toà nhà này đã được làm đẹp một cách “thuần Việt” bằng sơn mài hoàn toàn bởi những hoạ sĩ trong nước. Họ đã đóng góp vào tác phẩm của các KTS người Đức với những “kỷ lục” thật độc đáo.

vVjKqqzz.jpgPhóng to HmgDjqGX.jpg

Trung tâm Hội nghị Quốc gia được xây dựng trên diện tích 60ha gồm 1 phòng họp lớn chứa 3.747 chỗ ngồi, 2 phòng họp lớn cao cấp, 20 phòng họp vừa và nhỏ - Ảnh: T.T.D. - Tuổi Trẻ

Bức tranh sơn màu lớn nhất thế giới

Hoạ sĩ Chu Văn Hải, Phó giám đốc Trung tâm Mỹ Thuật và Trang trí nột thất, là một trong những người trực tiếp thực hiện việc này cho biết: “Thời gian đầu, các KTS và giám sát nước ngoài tỏ ra rất ngại vì sợ ta trang trí cho ngôi nhà này không tương xứng với tầm vóc và sự sang trọng của nó. Lo ngại của họ cũng có phần đúng, vì đề-co cũng là một phần của thiết kế kiến trúc. Người thực hiện việc làm đề-co phải thoả thuận được với chủ thiết kế về kích cỡ, quy mô, màu sắc và các phần trang trí. Trong khi chủ thiết kế là những người Đức, họ rất thích những sự đăng đối một cách tuyệt đối, còn mình thì xác định là phải làm sao để phù hợp với người Việt Nam. Do đó phải trao đổi để đi đến sự thống nhất”.

Nói như thế để thấy rằng việc trang trí cho một toà nhà hiện đại, cao cấp có diện tích tới 6 vạn mét vuông, với hàng chục phòng họp lớn nhỏ hoàn toàn không đơn giản như nhiều người nghĩ. Không phải cứ mang tranh đẹp đến treo lên tường là xong. Trong các phòng họp, trọng tâm là phòng khánh tiết, theo thiết kế là có 1.000 chỗ ngồi, có hệ thống sân khấu di động, sẽ là nơi diễn ra nhiều hoạt động mang tính toàn thể của các đại biểu. Sẽ trang trí như thế nào?

Lại thêm khó khăn nữa là phải xây dựng ý tưởng trang trí từ rất sớm, và có lẽ lần đầu tiên, có một toà nhà được trang trí mỹ thuật vẫn chưa xây xong. Anh em hoạ sĩ đến công trường chỉ thấy giàn giáo, sắt thép, tường vẫn chưa xây lên chưa hình dung được phòng nào với phòng nào. Thế rồi, trong một lần trao đổi vớc các KTS người Đức, họ có gợi ý là nên trang trí bằng tranh phong cảnh vịnh Hạ Long. Một là vì vịnh Hạ Long là di sản thế giới của Việt Nam, hai là vì, thực ra ý tưởng thiết kế của toà nhà là “sóng nước Vịnh Hạ Long”.

UI2fh4sr.jpgPhóng to
Bức tranh Hạ Long đang được hoàn thiện - Ảnh: Nhân Dân
Hoạ sĩ Lê Anh Vân, hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội đã bắt tay vào việc phác thảo tranh vịnh Hạ Long. Các hoạ sĩ đã quyết định làm hai bức Hạ Long đỏHạ Long vàng bằng sơn mài có kích thước “khổng lồ” chiếm toàn bộ hai bức tường đối xứng nhau của phòng khánh tiết! Đây phải nói là một quyết định rất táo bạo và “liều lĩnh”.

Trên thế giới những bức tranh tường khổng lồ không phải là hiếm, nhưng với một bức sơn mài, kích cỡ 4,2m, dài 33m thì chưa hề bởi hiệu ứng về màu sắc, về chất liệu trên một kích cỡ lớn như thế là điều chưa thể lường hết được. Đã thế, bức Hạ Long vàng theo phác thảo thì làm bằng… vàng quỳ (vàng thật).

Một bức tường khổng lồ dát vàng. Kinh phí sẽ lớn, nếu hiệu quả không cao thì sẽ “phá sản”. Trước đây, bạn của anh Hải, hoạ sĩ Hoài Hương đã từng trang trí bức sơn mài dát vàng cho người Nhật bên bức tường kích cỡ 2-3m đã được xem là rất lộng lẫy. Thế là hạ quyết tâm làm Hạ Long vàng bằng vàng thật giữa lúc vàng đang lên giá… Quả thật, theo họa sĩ Hải, các làng nghề “cháy” vàng quỳ trong thời gian làm Hạ Long vàng và vàng cháy cả son trai (để làm Hạ Long đỏ).

Có thể nói, bức tranh sơn mài lớn nhất thế giới Hạ Long vàng và Hạ Long đỏ đã đánh dấu một bước trưởng thành của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, cả về hiệu quả thẩm mỹ lẫn kỹ thuật thể hiện. Trên 100m tranh được chia làm 114 tầm vóc, sau đó khớp lại với nhau không lệch 1 phân (vì lệch một phân là phải cưa tranh). Hạ Long vàng làm rực sáng cả phòng khánh tiết (nhìn xa thấy núi, nhìn gần thấy thuyền), vẽ kỹ đến từng chi tiết. Còn Hạ Long đỏ thì ấm cúng với chất liệu son trai truyền thống.

Một "bảo tàng Mỹ Thuật" mới

Ngoài 2 bức tranh kỷ lục kể trên, Trung tâm Hội nghị Quốc gia còn được trang trí bởi 12 bức trang khổ lớn, hầu hết là sơn mài, trong đó có bức Thiếu nữ trong vườn của danh hoạ Nguyễn Gia Trí và Chùa Thầy của Hoàng Tích Chù. Như đã nói, việc đặc tranh là phải căn cứ trên tiêu chuẩn kích thước định sẵn của toà nhà. Tất cả các tranh đèo phải theo khổ 2,4.-2,5m (tương đương với mạch gỗ của tường nhà).

Bức của Nguyễn Gia Trí để trong Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam có kích cỡ 1,6x4m, để chép sang khổ 2,4x6m, hoạ sĩ Đoàn Thu Hương đã phải rất kỳ công, vì chép và phóng bức tranh kinh điển của một danh hoạ không phải đơn giản. Bức của Hoàng Tích Chù cũng được Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam phóng với kích cỡ 2,4x5m trở nên cực kỳ lộng lẫy. Các bức tranh được chọn của tác giả khác như Đoàn Văn Nguyên, Đão Minh Trí… cũng đều được chính các tác giả này vẽ lại với kích thước phù hợp.

Trung tâm hội nghị Quốc gia, có thể nói, đã trở thành một “bảo tàng mỹ thuật” không chuyên, với 60 bức tranh khác loại. Các nhà kiến trúc người Đức tỏ ra đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng tranh để làm đề-co. Họ còn định ra 18 vị trí trong toà nhà để các hoạ sĩ Việt Nam thể hiện “ngẫu hứng”. Và toà nhà đã trở thành một mảnh đất cho các hoạ sĩ sáng tạo. Nhìn chung đề-co là loại tranh chỉ có tính trang trí, khá đơn giản, thường là để thể hiện phong cảnh, sinh hoạt hoặc phong tục…

Có một chuyện thú vị là ban đầu, hoạ sĩ Lê Anh Vân cũng dự tính vẽ một bức tranh đề-co về tre Việt Nam ở vị trí sảnh nghỉ trước phòng họp lớn. Phác thảo ban đầu khá đơn giản, nhưng không ngờ, càng vẽ càng thấy hứng khởi, liên tiếp trong nhiều ngày, ông chỉ mải miết với Tre tháng 3. Kết quả là bức tranh đề-co đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự “Tôi coi đây là bức tranh để đời của mình” - hoạ sĩ Lê Anh Vân tâm sự.

Sáng 10-11, buổi nghiệm thu cuối cùng Đề án trang trí mỹ thuật TTHNQG đã kết thúc. Sở dĩ buổi thử nghiệm thu phải kéo dài đến sáng qua vì ban nghiệm thu đã xem cả ngày trước đó mà vẫn không hết! Như thế đủ để biết “bảo tàng mỹ thuật” này rộng đến cỡ nào!

Vài "kỷ lục" khác

* Phòng họp khổng lồ: Phòng họp chính có sức chứa 3.727 ghế ngồi (có vách ngăn nâng lên hạ xuống để có thể tách thành 2 phòng riêng biệt. Tổng khối tích của phòng họp chính là 60.000 m3 - so sánh với khối tích khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội là khoảng 5.000 m3). Bên cạnh đó còn có 2 phòng họp cao cấp và 24 phòng họp nhỏ. Mỗi phòng họp nhỏ, nếu cần có thể phân làm 3 phòng, tức là có thể có tới 72 phòng họp loại nhỏ hơn nữa.

* Hệ thống sân khấu hiện đại bậc nhất: Có áp dụng công nghệ nâng hạ của Canada thuộc loại hiện đại nhất trên thế giới. Trên sân khấu có một hố nhạc có thể chứa toàn bộ dàn nhạc giao hưởng phục vụ cho biểu diễn balet và opera...

* Có chỗ đỗ máy bay. Bên ngoài Trung tâm có một garage ngầm, trên là quảng trường đài phun nước, có một sân bay cho máy bay trực thăng... Cảnh quan bên ngoài được tô điểm bởi rất nhiều cây xanh được đưa về từ mọi miền đất nước và 30 bức tượng đá của nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu cao từ 2,5m - 3,5m và nặng từ 3-7,5 tấn.

Theo Thể thao văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên