08/10/2008 08:13 GMT+7

Trung tâm Anh ngữ "bốc hơi": Vụ lừa đảo đã được tính trước?

HÙNG THUẬT
HÙNG THUẬT

TT - Hôm qua, thêm một ngày nữa tập thể giáo viên, nhân viên cùng học viên Trung tâm STI phải vất vả đội nắng đội gió tìm kiếm tung tích ban giám đốc trung tâm nhưng vô ích. Họ cầu cứu đến các cơ quan hữu quan nhưng chẳng có một tín hiệu sáng sủa nào.

HAKaohox.jpgPhóng to
Thất thần khi hay tin STI biến mất - Ảnh: H.THUẬT
TT - Hôm qua, thêm một ngày nữa tập thể giáo viên, nhân viên cùng học viên Trung tâm STI phải vất vả đội nắng đội gió tìm kiếm tung tích ban giám đốc trung tâm nhưng vô ích. Họ cầu cứu đến các cơ quan hữu quan nhưng chẳng có một tín hiệu sáng sủa nào.

Sáng 7-10, chúng tôi quay trở lại Trung tâm đào tạo tin học - tiếng Anh STI. Ngôi nhà trên đường Trần Trọng Cung, Q.7 (TP.HCM) này vẫn cửa đóng then cài, không có một dấu hiệu nào cho thấy có người quay trở lại. Thỉnh thoảng một “cựu” nhân viên hay học viên chạy đến xem xét tình hình rồi lại bỏ đi.

Ông Lê Văn Vốn, nhân viên bảo vệ của STI, kể cho đến khi những người thân cận của bà Nguyễn Thu Trang, giám đốc điều hành trung tâm, dọn đồ đạc đi, ông vẫn chưa biết họ có ý định bỏ trốn. Ông Vốn ngây thơ: “Họ nói trung tâm sẽ chuyển địa điểm và hẹn sẽ trả lương cho tôi vào ngày 10-10”. Họ ra đi mang theo lời hứa về khoản tiền lương gần 2 triệu đồng mà ông mong mỏi từng ngày.

Một kế hoạch được định trước

Tiếp xúc với chúng tôi, Thu Trang, một học viên đang theo học lớp tiếng Anh căn bản, cho biết: “Tối thứ sáu tuần trước, khi ra khỏi lớp học, tôi thấy nhiều thùng đồ đạc được gói lại rất cẩn thận. Cứ tưởng họ sắp xếp lại đồ. Nào ngờ…”. Thu Trang cho biết đã đóng học phí trọn khóa ba tháng là 750.000 đồng và học được hơn nửa thời gian. Trong khi đó, nhiều học viên khác lỡ đóng học phí nhưng chỉ mới học được vài tuần tỏ ra giận dữ. Một phụ huynh có con nhỏ đang theo học lớp Anh văn thiếu nhi bức xúc: “Tìm hiểu nhiều nơi, thấy học phí ở đây tương đối rẻ, trung tâm lại hứa hẹn đủ điều nên tôi quyết định đóng học phí đến năm tháng cho con”.

Một nhân viên từng làm việc ở đây nhẩm tính riêng số học viên theo học các lớp tiếng Anh thiếu nhi vào hai ngày thứ bảy, chủ nhật khoảng 70-80 em. Số học viên học các lớp còn lại trong tuần cũng vào khoảng này. Bên cạnh đó là những học viên theo học lớp tin học. Đó là chưa kể học viên theo học những chương trình đặc biệt của STI như chương trình đào tạo người chăm sóc người già và người tàn tật tại Canada - Caregiver, chương trình đào tạo điều dưỡng tại Philippines, chương trình làm việc tại Hà Lan...

Theo hồ sơ lưu tại Sở GD-ĐT TP.HCM, STI được hình thành từ giấy phép thành lập cơ sở giáo dục - đào tạo 100% vốn nước ngoài số 2444 do Bộ Kế hoạch - đầu tư cấp năm 2005. Ông Nguyễn Văn Cương cho biết căn cứ theo giấy phép này và giấy phép của Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, Sở GD-ĐT đã cấp phép cho STI hoạt động tại địa chỉ 457A Trần Hưng Đạo vào năm 2005. Đứng tên chủ cơ sở là ông Bui Vincent Tran, Việt kiều Mỹ. Hai năm sau, STI xin gia hạn hoạt động và chuyển đến địa điểm hiện tại. Ông Cương cho biết thêm do STI hoạt động theo giấy phép của Bộ Kế hoạch - đầu tư nên cũng như SITC trước đây, Sở GD-ĐT TP.HCM không có nhiều quyền hạn về mặt quản lý đối với cơ sở này.

Học phí của những chương trình này cao đến mức chóng mặt. Tiêu biểu như chương trình Caregiver, học viên phải đóng đến 1.950 USD/khóa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi Tuổi Trẻ có bài phản ánh về việc trung tâm này đào tạo không đúng chức năng, Sở GD-ĐT TP.HCM đã vào cuộc.

Ông Nguyễn Văn Cương, trưởng phòng giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định sở đã yêu cầu trung tâm trả lại tiền cho những người theo học chương trình trên. Tuy nhiên, đến trước khi ban giám đốc trung tâm này biến mất vẫn còn những người tiếp tục theo đuổi chương trình này.

Tối 6-10, chúng tôi đã tiếp cận với nhóm học viên trên trước nhà riêng của ông giám đốc ở địa chỉ 48 đường 41, P.Tân Quy, Q.7. Một học viên cho biết tất cả họ đều đã đóng đầy đủ số tiền hàng ngàn USD và được hẹn sẽ xuất cảnh vào một ngày gần đây. Tuy nhiên, cả nhóm học viên này không ai còn liên lạc được với ban giám đốc.

Phiên bản của SITC?

Không riêng gì học viên, toàn bộ giáo viên, nhân viên của trung tâm cũng chẳng biết kêu ai. Đến nỗi cô Đ.T.B.T., hiệu trưởng trung tâm, còn ngỡ ngàng trước sự việc đang xảy ra.

Cô T. được trung tâm ký hợp đồng làm hiệu trưởng từ năm 2007. Nhận thấy những dấu hiệu làm ăn bất thường, khi kết thúc hợp đồng từ tháng 8-2008, cô đã chủ động xin nghỉ việc. STI đồng ý cho cô thôi làm hiệu trưởng nhưng không trả gần sáu tháng lương của cô. Từ đó đến nay, trung tâm này không thuê hiệu trưởng mới mà vẫn hoạt động bình thường. Hàng loạt giáo viên khác đều bị quỵt lương ít nhất một tháng.

Thậm chí nhân viên tạp vụ có đời sống hết sức khó khăn cũng không được trả đồng lương nào. Ngôi nhà mà STI làm trụ sở là một căn nhà thuê của tư nhân. Chủ nhà cho hay số tiền nợ đã lên đến hàng ngàn USD bao gồm tiền thuê và chi phí bồi hoàn hiện trạng căn nhà do sửa chữa khi mới thuê. Ngoài ra, STI còn đang dang dở một hợp đồng giảng dạy tiếng Anh tại doanh nghiệp cho một công ty may mặc lớn TP.HCM.

Có một thời gian dài làm hiệu trưởng, cô T. nhận định số tiền học phí mà trung tâm thu từ học viên học tiếng Anh, tin học hoàn toàn có thể đủ chi trả lương cho giáo viên, nhân viên. Đó là chưa kể những khoản thu lớn từ các chương trình “đào tạo đặc biệt” của trung tâm này. Vì vậy, khả năng thua lỗ của trung tâm là không nhiều. Điều này khiến người ta đặt nghi vấn liệu ban giám đốc của trung tâm này cố tình lừa gạt học viên, giáo viên và nhân viên để trục lợi.

HÙNG THUẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên