Theo Reuters, trên thị trường giao dịch ở Trung Quốc, giá đồng NDT giảm xuống còn 6,45 NDT đổi được 1 USD, mức thấp kỷ lục kể từ tháng 8-2011. Trên các sàn giao dịch quốc tế, giá đồng tiền Trung Quốc thậm chí còn giảm xuống tới 6,59 NDT đổi được 1 USD.
Như vậy, chỉ trong hai ngày đồng NDT sụt giá 3,5% so với đồng USD ở Trung Quốc và 4,8% tại thị trường quốc tế.
Bộ Thương mại Trung Quốc thừa nhận đồng NDT giảm giá sẽ kích thích xuất khẩu của nước này. Hồi tháng 7, xuất khẩu Trung Quốc sụt giảm tới 8,3%. Việc đồng NDT giảm giá sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn ở thị trường nước ngoài.
Những đối tượng được hưởng lợi đầu tiên là các tập đoàn Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng như máy móc, hàng điện tử, xe hơi, hàng may mặc, đồ chơi...
Tuy nhiên, đối tượng thiệt hại sẽ là các nhà xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc, đặc biệt là hàng tiêu dùng. Bởi giá đồng NDT giảm đồng nghĩa với việc hàng nhập khẩu ở Trung Quốc, từ xe hơi, đồng hồ, túi xách cho đến những sản phẩm bình dân, sẽ trở nên đắt đỏ hơn trước.
Bằng chứng là giá cổ phiếu hãng công nghệ Mỹ Apple giảm tới 5,2% (Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Apple), công ty đồng hồ Thụy Sĩ Swatch hạ 3,6%...
Các chuyên gia cũng phân tích việc điều chỉnh lần này Trung Quốc cũng muốn tránh một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Các quan chức Mỹ từng nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ để giành lợi thế cạnh tranh thương mại bất công. Từ vài năm qua Bắc Kinh đã thể hiện tham vọng đưa đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế, và một cú giảm giá quá lớn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc mơ đó.
Bất chấp điều đó, thị trường vẫn phản ứng mạnh với cú phá giá thứ hai của Trung Quốc trong hai ngày liên tiếp. Các thị trường chứng khoán châu Á như Hong Kong, Thượng Hải (Trung Quốc), Tokyo (Nhật) đều sụt giảm hơn 1%. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ chiến tranh tiền tệ nổ ra.
“Hành động của Trung Quốc sẽ tạo ra một cái vòng luẩn quẩn, nơi các nước cố hạ giá đồng tiền của mình” - Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Wee-Ming Ting của Hãng Pictet Asset Management (Singapore). Theo Reuters, hàng loạt nghị sĩ Mỹ chỉ trích Trung Quốc thao túng giá đồng NDT. Thượng nghị sĩ Bob Casey kêu gọi Chính phủ Mỹ xác định Trung Quốc là “quốc gia thao túng tiền tệ”.
Trên thực tế các nền kinh tế khu vực đã bắt đầu đáp trả bằng việc giảm đồng tiền nội tệ của mình để đảm bảo tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
Đồng rupiah của Indonesia, ringgit của Malaysia đều giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua. Đồng đôla Úc và New Zealand cũng hạ xuống mức thấp nhất trong sáu năm. Đồng đôla Singapore và đồng won Hàn Quốc giảm mạnh. Trong đó, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tăng biên độ tỉ giá được hiểu như thế nào? Theo ông Trương Văn Phước - phó chủ tịch Ủy ban Giám sát chính sách tiền tệ quốc gia, cơ chế tỉ giá hối đoái VN được gọi là cơ chế quản lý có điều tiết. Theo đó, hằng ngày NHNN công bố tỉ giá bình quân liên ngân hàng và biên độ hiện nay là ±1%. Việc NHNN điều chỉnh biên độ từ ±1% lên ±2% mà vẫn giữ nguyên tỉ giá bình quân liên ngân hàng thì vẫn cho phép thị trường được giao dịch theo biên độ là tăng tỉ giá lên 1%. Còn theo TS Nguyễn Đức Thành - viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, việc NHNN nới biên độ giao dịch thật ra cũng là cách cho giảm giá VND. Theo cách này, NHNN không điều chỉnh lõi của tỉ giá, tức từ 21.673 đồng/USD lên thêm 1% mà họ nới biên độ từ 1% lên 2%. Có thể NHNN vẫn muốn giữ cam kết là không tăng tỉ giá quá 2% trong năm 2015 và cho thấy lần này chỉ là nới biên độ. Nhưng thực chất với việc nới biên độ, thị trường sẽ nhanh chóng đưa tỉ giá VND/USD tiến tới mức cho phép của biên độ đó. Đây là thủ thuật hành chính, theo tôi, nó không thật sự quan trọng. Vấn đề theo tôi là NHNN đã phản ứng tích cực. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận