26/05/2008 08:11 GMT+7

Trung Quốc đối phó "hậu động đất"

 NGUYỄN THÀNH TUỆ (Theo THX, NDNB)
 NGUYỄN THÀNH TUỆ (Theo THX, NDNB)

TT - Ngày 13-5, tức một ngày sau khi động đất xảy ra, nhà máy sản xuất chip điện tử lớn nhất thế giới của Công ty Intel (Mỹ) tại thành phố Thành Đô tạm ngừng sản xuất.

4vVLyomM.jpgPhóng to

Những ngôi mộ tạm tại Tứ Xuyên. Thủ tướng Ôn Gia Bảo vừa thông báo sẽ xây dựng thị trấn Bắc Xuyên mới ở nơi khác, thị trấn cũ sẽ trở thành Viện bảo tàng động đất để người Trung Quốc ghi nhớ mãi thiên tai này - Ảnh: CNS

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Các nhà sản xuất điện tử thế giới lo ngại ngành sản xuất máy tính cá nhân (PC) toàn cầu sẽ bị trục trặc, cung ứng chip sẽ căng thẳng hoặc bị tăng giá.

Một số xí nghiệp nước ngoài ở Thành Đô sau trận động đất tạm ngừng sản xuất, gần đây đang rục rịch sản xuất lại, nhưng do đường sá hư hỏng, giao thông ngưng trệ nên cũng gặp nhiều khó khăn. Một số nhà quan sát cho rằng qua trận động đất lần này, các doanh nghiệp nước ngoài tiến quân vào đầu tư vùng Hoa Tây sẽ thận trọng hơn trong việc chọn địa điểm đầu tư.

Ảnh hưởng đến thị trường thế giới

Trung Quốc (TQ) với 1,3 tỉ dân, kinh tế tăng trưởng nhanh, nhu cầu lớn, do vậy hai lần thiên tai lớn xảy ra ở TQ trong năm nay (động đất Vấn Xuyên và trận bão tuyết ở miền nam TQ vào đầu năm) có tác động không thể xem nhẹ đối với thị trường thế giới. Giá dầu tiếp tục tăng. Sau trận động đất, nhu cầu về dầu madút của TQ tăng lên nhiều đã làm tăng mức độ cung ứng toàn cầu, do đó sáu tháng cuối năm dự kiến giá dầu sẽ điều chỉnh mỗi thùng lên đến 141 USD, cao nhất từ trước đến nay. Cũng do ảnh hưởng của trận động đất Tứ Xuyên, giá nhôm và kẽm trên thị trường thế giới những ngày gần đây tăng cao rõ rệt. Do tâm lý lo sợ, giá gạo, ngô, đậu nành đã tăng, dự kiến sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Ngân hàng vào cuộc

Ngân hàng Xây dựng TQ “ra tay” bằng 10 chính sách lớn nhằm nới rộng cung ứng tín dụng trong vùng bị thiệt hại đối với các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, thuốc chữa bệnh, bệnh viện, trường học, cấp nước, hơi đốt, thủy lợi, nông nghiệp, đường sá, điện lực, thông tin... và những chính sách cấp thiết khác.

Đối với người dân trong khu vực bị thiệt hại vay tiền ngân hàng, Ngân hàng Chiêu Thương đề ra chính sách 12 chữ: “ưu tiên thụ lý, ưu tiên thẩm phê, ưu tiên giải ngân”. Nhiều ngân hàng thương mại hứa trong phạm vi cho phép của chính sách nhà nước, sẽ thực hiện lãi suất cho vay ưu đãi đối với người dân khu vực bị thiệt hại.

Trong thời kỳ xây dựng lại, Ngân hàng Chiêu Thương và các ngân hàng khác hứa sẽ dùng phương thức kéo dài thời hạn cho vay và thay đổi phương thức trả nợ để giảm bớt khó khăn cho khách hàng. Có một việc người dân rất quan tâm là những người vay tiền ngân hàng là nạn nhân thiên tai, nhà cửa đổ sập, của cải mất hết thì có phải trả nợ vay của ngân hàng hay không. Điều này không ngân hàng nào dám trả lời mà phải “xin ý kiến chỉ đạo”. Ngân hàng Trung ương TQ ngày 22-5 đã có chủ trương cho khách hàng vùng bị động đất nặng kéo dài thời hạn trả nợ vay ngân hàng sáu tháng mà không bị phạt.

Giảm chi tiêu

Cho đến nay, tổng số tiền quyên góp được để cứu trợ người dân TQ bị thiệt hại trong trận động đất Vấn Xuyên khoảng 16 tỉ NDT. Các cơ quan trung ương TQ chủ trương giảm hội họp, chiêu đãi, du lịch, dùng xe công, ra nước ngoài, tất cả đều giảm để tiết kiệm 5% kinh phí công ủng hộ người dân vùng bị động đất. Lần này ngân sách trung ương TQ sẽ chi ra 25 tỉ NDT để đảm bảo cho người dân vùng thiên tai có cái ăn, cái mặc, nước uống, nhà ở.

Theo một tính toán sơ bộ, từ các nguồn quyên góp trong và ngoài nước, nguồn ngân sách của chính phủ trung ương và địa phương, số tiền có thể đến tay người bị thiệt hại do động đất khoảng 100 tỉ NDT, chia cho 10 triệu người, bình quân mỗi người được khoảng 10.000 NDT (khoảng 220 triệu đồng).

Theo các nhà phân tích TQ, ở một số nước trên thế giới, bảo hiểm là nguồn bù đắp lớn đối với những người bị thiệt hại trong những vụ thiên tai lớn. Có nước bù đắp trên 30%, thậm chí 60-70% thiệt hại, nhưng bồi thường bảo hiểm của các công ty bảo hiểm ở TQ lần này chỉ khoảng 1% thiệt hại, dư luận xã hội TQ cho như vậy là quá nhỏ, ví dụ bảo hiểm rủi ro về bình an đối với một học sinh bị thiệt mạng trong trận động đất lần này chỉ vài ngàn đến một vạn NDT; có học sinh mua bảo hiểm thấp, bồi thường chỉ được 1.000-3.000 NDT.

Bồi thường bảo hiểm nhà bị sập, người bị thương nhìn chung cũng thấp. Nhiều chuyên gia kiến nghị TQ nên hình thành bảo hiểm rủi ro do thiên tai lớn gây ra, vai trò chủ đạo nên là chính phủ, có như vậy mới giảm bớt khó khăn cho người dân sau những thảm họa lớn.

Dư chấn làm thêm một người chết, 260 người bị thương

Hôm qua, tỉnh Tứ Xuyên lại một lần nữa rung chuyển sau đợt dư chấn mạnh 5,8 độ Richter. THX cho biết cơn dư chấn làm một người chết, 260 người bị thương do nhà đổ. Sóng chấn động lan đến tận Bắc Kinh. Chính quyền cho biết có tới 69 con đập sắp vỡ, 320 con đập khác cũng có nguy cơ bị vỡ.

Truyền hình Trung Quốc ngày 25-5 đưa tin các đội cứu hộ vừa cứu sống một người đàn ông sau 11 ngày bị chôn vùi tại thành phố Miên Trúc. Ông Tiêu Chí Hộ, 80 tuổi, bị liệt một phần cơ thể, được cứu sống vào ngày 23-5. Ông bị mắc kẹt dưới chiếc cột nhà, và sống sót nhờ người vợ hằng ngày tiếp thức ăn cho ông. Theo ước tính của các cơ quan hữu quan Trung Quốc, thiệt hại vật chất của trận động đất tại huyện Vấn Xuyên (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) khoảng 150 tỉ NDT.

Số người bị thiệt hại do động đất gây ra khoảng 10 triệu người. Tính đến ngày 23-5, số người thiệt mạng lên đến 62.664 người. Tuy nhiên, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết con số thực tế có thể đã vượt qua 80.000 người. Trên 5 triệu người bị mất nhà cửa.

H.T.

 NGUYỄN THÀNH TUỆ (Theo THX, NDNB)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên