Phóng to |
Ngư dân Quảng Ngãi tại đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa - Ảnh: Thuận Thắng |
Đó là ý kiến của nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ Trần Công Trục nói về kế hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam của TQ bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.
"Các doanh nghiệp, tư nhân tham gia tour du lịch hay đầu tư dự án phát triển du lịch ở Hoàng Sa và Trường Sa sẽ vô tình tiếp tay cho TQ thực hiện âm mưu hợp thức hóa cái họ gọi là chủ quyền đối với hai quần đảo này" Ông Trần Công Trục - nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ |
Theo ông Trục, nhìn lại lịch sử, TQ đã nhiều lần dùng vũ trang để đánh chiếm và chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa cùng một vài đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trước mỗi lần chiếm đóng, TQ lại ra các tuyên bố ngoại giao với quốc tế để khẳng định “chủ quyền” với các quần đảo này. Đặc biệt, sau đó TQ tìm cách hợp thức hóa việc chiếm đóng bằng các hoạt động pháp lý, dân sự, khoa học và lợi dụng mọi tổ chức quốc tế để giành sự công nhận trên thực tế đối với những đảo họ chiếm đoạt bằng vũ trang.
Ông Trục nói: “Rõ ràng TQ có các bước đi, tính toán chặt chẽ, tinh vi và kết hợp các hành động bổ trợ để từng bước giành quyền kiểm soát và giành cái gọi là chủ quyền của họ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kế hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam cho tới năm 2020 cũng là một bước nằm trong tính toán đó”.
Ông Trục cho rằng các nhà nghiên cứu khoa học đã đánh giá quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có tiềm năng du lịch nhưng chưa thể có điều kiện cho việc thu hút khách, vì hai quần đảo này phần lớn là hoang vu, xa bờ, điều kiện sống rất khắc nghiệt. Quần đảo Trường Sa cách TQ 500-600 hải lý, có nơi cách 1.000 hải lý. Việc di chuyển ra đó rất tốn kém, chưa kể luôn có bão tố. Như vậy việc tổ chức du lịch vì mục tiêu văn hóa hay kinh tế là không thuyết phục.
Hướng tới mục tiêu chiếm biển Đông
Mục tiêu cuối cùng của TQ không phải là các hòn đảo nhỏ thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà là vùng biển lớn đến 80% toàn bộ biển Đông như TQ đã gửi sơ đồ cho Liên Hiệp Quốc, trong đó có thể hiện đường yêu sách chín đoạn của mình trên biển Đông. Nếu công dân các nước vô tình ủng hộ kế hoạch du lịch của TQ, họ sẽ gián tiếp tạo điều kiện để TQ từng bước hợp thức hóa “chủ quyền” của họ ở biển Đông, dẫn tới việc TQ có thể kiểm soát tàu bè qua lại khu vực này và ảnh hưởng tới quyền tự do hàng hải mà tàu bè quốc tế đang được hưởng. Không chỉ vậy, động thái này còn có khả năng gây căng thẳng quân sự và là mồi lửa gây xung đột phức tạp với tất cả các bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở biển Đông”.
Theo ông Trục, đầu năm nay, tỉnh Khánh Hòa cho biết đang nghiên cứu việc tổ chức tour du lịch ra các đảo ở Trường Sa cho du khách trong nước và kiều bào là chuyện bình thường vì chúng ta là nước có chủ quyền. Mong muốn này là chính đáng, nhưng thực hiện ngay hay không thì cần tính toán lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, trách nhiệm của Nhà nước là bảo vệ và thực thi chủ quyền lãnh thổ của mình. Nhà nước cần hỗ trợ các hoạt động đánh bắt xa bờ, nghiên cứu khoa học, du lịch... mới thể hiện sự có mặt của mình. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải nhìn nhận một cách tổng thể, toàn cục, không vì lợi ích cục bộ, địa phương mà vì lợi ích quốc gia. Cái gì có lợi cho đấu tranh pháp lý, ngoại giao, chính trị, kinh tế mà làm được trước thì nên làm. Chẳng hạn giữa hỗ trợ đánh cá và hỗ trợ du lịch, việc nào có lợi hơn mà làm được trước thì làm.
Ông Trục cho biết TQ liên tục có các động thái về quân sự, chính trị, khoa học, kinh tế... để thể hiện cái họ gọi là “chủ quyền” của TQ ở biển Đông. “Giải quyết vấn đề biên giới luôn rất khó. Chúng ta phải nghiên cứu, nắm vững mọi cơ sở thực tiễn và pháp lý để đánh giá khách quan lợi ích chính đáng của mình thì mới đấu tranh được” - ông Trục nói.
Ông Trục cũng phân tích rằng TQ không bỏ qua các tổ chức quốc tế, lợi dụng mục đích khoa học để cung cấp cho các tổ chức này những thông tin về chủ quyền theo cách họ muốn. Đầu những năm 1980, TQ gửi bản đồ bay cho Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), trong đó mở rộng vùng bay của họ qua bầu trời của quần đảo Hoàng Sa mà trước kia ICAO dành cho VN. Phía VN đã phát hiện và đấu tranh phản đối. Sau đó TQ đăng ký đài khí tượng thủy văn mà họ đặt trên quần đảo Hoàng Sa với Tổ chức Khí tượng thế giới. Chúng ta cũng phát hiện và phản đối... Đây là những hoạt động mà TQ liên tục tiến hành, nếu thành công họ sẽ củng cố thêm tư liệu và cơ sở thực tiễn để bảo vệ lập luận chủ quyền của họ.
Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc): Trung Quốc vi phạm tuyên bố về ứng xử ở biển Đông Thông qua thúc đẩy du lịch, TQ đang thể hiện họ có kiểm soát hành chính với khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền. Theo luật pháp quốc tế, khi hai hay nhiều nhà nước tranh cãi về chủ quyền, một biện pháp thể hiện chủ quyền đối với lãnh thổ đang tranh chấp là quốc gia đó thể hiện sự chiếm đóng liên tục. Nếu các hành động của TQ không bị (các quốc gia khác - PV) thách thức thì VN sẽ chịu rủi ro là các tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và các đảo khác ở biển Đông sẽ mất hiệu lực theo luật quốc tế. Vì thế VN phải phản đối về ngoại giao với mỗi hành động của TQ để thể hiện là chủ quyền bị tranh cãi. Hành động của TQ đang vi phạm tinh thần cũng như nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), cho dù bản thân DOC không đề cập cụ thể tên của Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ Ngoại giao VN đã làm rõ điểm này qua các tuyên bố của mình. Các hành động của TQ là một phần trong trò chơi của luật quốc tế nhưng cũng là một hình thức ngụy trang nhằm lén lút khẳng định chủ quyền của họ. TQ tìm cách phát triển du lịch để thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền bằng cách thể hiện là họ liên tục chiếm giữ các đảo. TQ cũng đang tìm cách làm xói mòn các đòi hỏi chủ quyền của VN. Họ hi vọng qua một thời gian dài, những áp lực liên tục như vậy sẽ khiến VN chịu thua. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận