13/09/2009 06:24 GMT+7

Trường Giang và chiếc HCV bất ngờ

N.KHÔI
N.KHÔI

TT - Hai lần không thành công ở Giải vô địch thể hình châu Á 2007 và 2008 nội dung body, cuộc đời lực sĩ 30 tuổi người Hà Nội Nguyễn Trường Giang có lẽ sẽ vẫn bình lặng nếu như anh không quyết định chuyển sang thi nội dung cổ điển lần đầu tiên được đưa vào thi đấu tại Giải thể hình châu Á 2009 hồi tháng 8 vừa qua ở Pattaya (Thái Lan).

TT - Hai lần không thành công ở Giải vô địch thể hình châu Á 2007 và 2008 nội dung body, cuộc đời lực sĩ 30 tuổi người Hà Nội Nguyễn Trường Giang có lẽ sẽ vẫn bình lặng nếu như anh không quyết định chuyển sang thi nội dung cổ điển lần đầu tiên được đưa vào thi đấu tại Giải thể hình châu Á 2009 hồi tháng 8 vừa qua ở Pattaya (Thái Lan).

Với thể hình phù hợp với yêu cầu ở nội dung cổ điển, Nguyễn Trường Giang đã xuất sắc vượt qua cả hai đối thủ chính người Thái Lan và đoạt HCV châu Á đầu tiên trong sự nghiệp.

Vài nét về thể hình cổ điển

Các lực sĩ muốn thi nội dung này cần khống chế trọng lượng cơ thể theo công thức “chiều cao cơ thể (tính bằng cm) - 100”. theo đó, lực sĩ cao 1,65m sẽ phải đáp ứng trọng lượng cơ thể là 65kg, hay 1,70m thì phải nặng 70kg (có thể xê dịch tối đa lên 72kg), 1,75m thì 75kg (78kg)... Bên cạnh đó, các lực sĩ sẽ trình diễn tám tư thế đặc trưng để khoe cơ bắp cùng bốn động tác tự nhiên để ban giám khảo chấm điểm về mức độ cân đối của vóc dáng.

Trước khi xuất hiện hình ảnh các lực sĩ vai u thịt bắp như hiện nay, thể hình cổ điển phát triển mạnh ở Bắc Mỹ và Tây Âu trong khoảng thập niên 1950 và 1960. Với những lực sĩ có vóc dáng cân đối, các chỉ số giữa chiều cao và trọng lượng cơ thể của họ tương xứng với những nhóm cơ bắp phát triển trong quá trình tập luyện thường xuyên.

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật cùng công nghệ giải trí trên thế giới đầu những năm 1970 đã tác động rất nhiều đến sự phát triển của thể hình cổ điển. Những cuộc thi thể hình từ đó cũng bắt đầu đòi hỏi gắt gao hơn về hình thể (body), và thế là những lực sĩ có múi cơ cuồn cuộn thường là những người chiến thắng.

Tuy nhiên, do những cuộc tranh tài ngày một khốc liệt hơn, khá nhiều lực sĩ với thể hình cơ bắp đã bị phát hiện sử dụng doping. Điều này đã giúp thể hình cổ điển được khôi phục trở lại với mở đầu bằng giải châu Á 2009.

Sự nghiệp trắc trở

15 tuổi, Trường Giang đến với điền kinh. Sau khi gặt hái được vài thành tích, anh ngậm ngùi giã từ đường chạy vì chấn thương. Năm 2002 (21 tuổi), Giang quyết định tập thể hình. Cuộc đời những tưởng sang trang với Giang khi anh đoạt HCV cùng danh hiệu “Lực sĩ có thể hình đẹp nhất” ở giải phong trào sau vài tháng tập luyện. Sau đó Giang được gọi vào đội tuyển thể hình Hà Nội.

Nhưng thành tích cao nhất của Giang chỉ là chiếc HCB toàn quốc năm 2008. Giải châu Á 2007, Giang đứng hạng 4 và thành tích một năm sau thì còn tệ hơn với hạng 5. Chiều cao 1,70m hóa ra lại chẳng là lợi thế ở môn thể hình như Giang thừa nhận. Anh nói: “Thông thường người cao 1,70m cần phải có trọng lượng 80-85kg thì các nhóm cơ mới đẹp. Trong khi đó tôi chỉ nặng chưa đầy 70kg nên khi thi đấu luôn thua thiệt so với các đối thủ được đầu tư bài bản hơn”.

Chuyện ăn để tăng trọng theo Giang cho biết là cực kỳ khó khăn bởi thu nhập ít ỏi của mình. Điều này khiến Giang gần như bất lực trong việc tìm kiếm thành tích ở giải châu Á: “Càng đi thi nhiều, tôi càng thấy điều đó quá khả năng của mình”.

Bước ngoặt của sự nghiệp

Tại Giải thể hình châu Á 2009, trong số ba lực sĩ thi đấu nội dung cổ điển, Trường Giang không gây gì cho chúng tôi cảm giác anh sẽ là nhà vô địch châu Á do anh không cho thấy cơ bắp nổi trội so với các đối thủ. Ngay khi thi đấu, tuy không cuồn cuộn cơ bắp như đối thủ Pirat Panaosri (Thái Lan) cũng như biểu diễn có phần thiếu tự tin, nhưng với một thể hình cân đối tự nhiên cũng như không kém phần hoàn hảo đủ để thuyết phục ban giám khảo chấm anh ở vị trí cao nhất.

Thành tích này khiến những người lạc quan nhất cũng đầy bất ngờ. HLV trưởng Huỳnh Anh hào hứng: “Chúng ta đặt nhiều hi vọng ở nội dung mới cổ điển, nhưng không ngờ Giang còn làm xuất sắc hơn thế!”. Vốn là người trầm lặng nhưng Giang cũng không giấu niềm hạnh phúc: “Tôi vui lắm, đi thi bao năm nay mà không đạt thành tích, giờ rẽ ngang lại đoạt ngay HCV. Mọi thứ cứ như một giấc mơ”.

Giang nói thế, nhưng nếu nhìn lại sự “vô danh” của cái tên Nguyễn Trường Giang trong bao năm qua cùng những lần thất bại mới thấy nể phục ý chí kiên cường của anh khi đoạt HCV ở tuổi 30.

N.KHÔI

N.KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên