01/01/2012 04:37 GMT+7

Trung Đông nóng bỏng

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - Biến động chính trị - xã hội “Mùa xuân Ả Rập” là sự kiện chấn động thế giới năm 2011. Ba nguyên thủ Tunisia, Ai Cập và Libya bị xóa sổ. Tổng thống Yemen phải chấp nhận ra đi. Chính quyền Syria đang sa lầy.

rKJCQ3Q0.jpgPhóng to

Nhiều quốc gia Ả Rập khác chịu tác động của phản kháng trong nước và láng giềng đã và đang chủ động cải thiện dân sinh, công bằng và dân chủ. Hiện tượng phản kháng cho thấy thất bại của trào lưu dân tộc Ả Rập. Các lãnh tụ của trào lưu này đã lãnh đạo cách mạng giải phóng từ giữa thế kỷ trước và cầm quyền cho tới nay. Nhưng họ đều biến thành những thế lực độc tài, gia đình trị, tham nhũng.

Năm 2012, chính quyền mới tại các quốc gia đã thay đổi thể chế còn phải chèo chống để giữ cho đất nước khỏi rơi vào hỗn loạn. Những cuộc bầu cử dân chủ đang và sẽ diễn ra tại Ai Cập, Tunisia và Libya không dễ đem lại ổn định chính trị - xã hội.

Một xu hướng đang lộ rõ là sự nổi lên của các thế lực “Hồi giáo chính trị” trên chính trường Ả Rập. Đó là những tổ chức theo chủ thuyết Hồi giáo nguyên gốc đã chấp nhận những cải cách nhất định cho hợp với thời đại. Tuy nhiên các tổ chức này có lập trường là không công nhận Israel. Do đó, tiến trình hòa bình Palestine - Israel sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thử thách.

Các thế lực quốc tế, kể cả Mỹ và EU, sẽ không còn vai trò có tính quyết định đối với nội tình khu vực Ả Rập. Nhưng tính phức tạp chồng chéo trong biến động tại Yemen và Syria lại có đặc thù riêng mà người Ả Rập với nhau không chắc gì giải quyết được. Ở Yemen, việc tổng thống Ali Saleh phải ra đi cũng chưa đủ để các bên phản kháng thỏa mãn.

Syria sẽ còn đổ máu nhiều hơn nữa bởi tương quan lực lượng giữa bên phản kháng với chính quyền hầu như không thay đổi sau hơn chín tháng biến động. Chính quyền của Tổng thống Basha’r al-Assad và các đồng minh trong và ngoài khu vực dường như rút ra bài học từ Libya, quyết ngăn cản mọi nỗ lực quốc tế hóa can thiệp vào Syria.

Trong khi đó, vì nhiều lý do khác nhau như vị thế của Syria trong khu vực và thực lực của các bên liên quan, dường như chưa có một nỗ lực cụ thể nào muốn can thiệp mạnh mẽ vào Syria. Có thể nói chính quyền Syria chưa thể đổ nếu không có can thiệp bên ngoài tương tự như xảy ra tại Libya. Nhưng Tổng thống al-Assad cũng không thể khôi phục được trật tự và quyền bính như trước được nữa.

Đồng minh lớn của Syria là Iran cũng là một điểm nóng của năm 2012. Israel đã nhiều lần đe dọa sẽ đơn phương hành động chống Iran nếu Tehran tiếp tục chương trình hạt nhân. Sự căng thẳng sẽ bùng phát nếu Liên minh châu Âu quyết định cấm vận xuất khẩu dầu Iran vào cuối tháng 1-2012. Chính quyền Iran đã dọa đóng cửa eo biển Hormuz. Nguy cơ chiến tranh hoàn toàn có thật.

Năm mới 2012 chắc chắn không thể đem đến sự lạc quan với khu vực Ả Rập và Trung Đông.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên