25/01/2018 11:30 GMT+7

Trung đoàn trưởng trẻ nhất Quân khu 7

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Huỳnh Việt Lê Kha (sinh năm 1981) là sĩ quan trẻ nhất được bổ nhiệm vị trí trung đoàn trưởng Quân khu 7.

Cả hai lần được thử thách điều về hai đơn vị khó khăn, anh đều khẳng định được năng lực khi đưa các đơn vị này trở thành các đơn vị xuất sắc.

Trung đoàn trưởng trẻ nhất Quân khu 7 - Ảnh 1.

Trung đoàn trưởng Huỳnh Việt Lê Kha (thứ hai từ phải) kiểm tra vũ khí trong một buổi huấn luyện của đơn vị - Ảnh: Trung Quân

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mình phải hi sinh những việc cá nhân và gác lại việc gia đình rất nhiều. Nhưng may mắn là gia đình vợ và vợ mình rất hiểu, thương và chia sẻ

Trung tá HUỲNH VIỆT LÊ KHA

Tháng 9-2016, ở tuổi 35, thiếu tá Huỳnh Việt Lê Kha được bổ nhiệm cương vị trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh 5 (sư đoàn 5, Quân khu 7). Anh là sĩ quan trẻ nhất Quân khu 7 đảm nhận vị trí này. Tháng 5-2017, anh được phong hàm trung tá.

Ngày đầu thử thách

"Thời gian mới về trung đoàn, tôi chịu nhiều áp lực. Mình là cán bộ trẻ, lãnh đạo chỉ huy một đơn vị lớn mà cấp dưới và đồng cấp nhiều người có tuổi đời, tuổi quân lớn hơn mình. Mọi người luôn "soi" vào xem mình có xứng đáng được giao vị trí đó hay không. 

Mình trẻ mà ở vị trí đó, chỉ cần trật một chút là người ta nói. Mình trẻ nên phải nói sao cho người ta nghe, làm sao cho người ta nể, hành động sao cho người ta thực hiện theo mệnh lệnh. 

Không phải lúc nào mọi thứ mình làm cũng chu toàn hết được. Nhưng cấp trên, tổ chức đã tin mình, trao cho trọng trách này thì mình phải xứng đáng với niềm tin đó" - trung tá Huỳnh Việt Lê Kha chia sẻ.

Trước đó, trung đoàn 5 là một đơn vị đang bộn bề nhiều thứ cần phải chỉnh đốn, sắp xếp lại. Vậy mà rất nhanh sau đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của trung đoàn trưởng Huỳnh Việt Lê Kha và được sự đồng lòng của thường vụ Đảng ủy đơn vị, trung đoàn 5 là một trong ba đơn vị của Quân khu 7 được nhận cờ Quyết thắng năm 2016. Năm 2017, trung đoàn tiếp tục là đơn vị Quyết thắng của Quân khu 7.

Và đó không phải là lần thử thách duy nhất khi Huỳnh Việt Lê Kha được cử về nhận chỉ huy những đơn vị đang khó khăn. Dưới sự chỉ huy của anh, chỉ trong 1-2 năm, các đơn vị ấy đều là đơn vị xuất sắc.

Như câu chuyện trước đó bảy năm (năm 2010), Huỳnh Việt Lê Kha được bổ nhiệm vị trí tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 (trung đoàn 4, sư đoàn 5, Quân khu 7). 

Trước đó, đây là đơn vị nhiều năm liền không hoàn thành nhiệm vụ. Khi Huỳnh Việt Lê Kha về chủ trì đơn vị, ngay năm đầu tiên tiểu đoàn 2 đã là đơn vị Quyết thắng và những năm sau đó đều nhận danh hiệu này. 

"Mình cứ lăn lộn với anh em, không so đo, tính toán thiệt hơn. Người ta nói "cấp phó có như không" hay cấp trưởng là chỉ tay chứ không làm... Tôi nghĩ hình ảnh và công việc của mình tác động đến cấp dưới rất nhiều. Mình lăn vào làm thì anh em không dám đứng ngoài. 

Trong công việc tôi rất cầu toàn, chơi ra chơi, làm ra làm. Khi đã làm là phải có khuôn khổ, không xuề xòa, lơ là. Tôi nghĩ mình không phải là người giỏi mà chịu khó, có trách nhiệm với đơn vị. Khi đã làm việc là phải làm hết sức, làm thật trách nhiệm" - trung tá Huỳnh Việt Lê Kha cho biết.

Từng bỏ học vì gia đình khó khăn

"Những người từng công tác chung thì biết mình là người làm việc thế nào. Nhưng người chưa từng công tác nghĩ tôi là con ông cháu cha. Tôi xuất thân từ gia đình nghèo khó ở Long An. Hai bên nội ngoại đều là nông dân. Ba mẹ tôi cũng là nông dân" - trung tá Huỳnh Việt Lê Kha chia sẻ.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên lớp 7, Lê Kha từng có thời gian bỏ học gần hai tháng đi làm thuê. Người cậu làm ở Tỉnh đội Long An hay chuyện, nhận nuôi Lê Kha. Nhờ có cậu, Huỳnh Việt Lê Kha không phải bỏ học. Lên cấp III, Lê Kha được cậu đưa xuống học ở thị xã Tân An (Long An).

"Khi xuống Tân An học tôi mới biết ông nội mình giỏi như thế nào. Ông nội tôi là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Việt Thanh. Ông tham gia cách mạng từ thời chống Pháp và hi sinh trong thời kháng chiến chống Mỹ. 

Khi xuống thị xã Tân An, tôi thấy tên ông nội được đặt cho một con đường ở thị xã và trường tiểu học. Sau này vô tình đi tôi mới biết ở các địa phương khác của Long An, tên ông nội cũng được đặt tên đường, tên cầu, tên ấp, tên bệnh xá, trường học... Tôi rất hãnh diện nên càng có thêm nghị lực hơn để quyết tâm học" - trung tá Lê Kha kể.

Anh cho biết thêm: "Cậu tôi là bộ đội nên tôi sớm được tiếp xúc với các chú bộ đội nhiều. Lúc đó đơn vị chưa có hàng rào, rất gần nhà dân. Đi học về lúc rảnh tôi hay chạy qua đơn vị của cậu chơi với các chú, các anh bộ đội. Thấy nền nếp của bộ đội, mình rất thích, rất mến".

Vậy nên khi thi đậu ba trường (Học viện Ngân hàng, Trường Sĩ quan lục quân 2, Cao đẳng Kinh tế đối ngoại), Lê Kha chọn Trường Sĩ quan lục quân 2.

Trong 5 năm học ở Trường Sĩ quan lục quân 2, vấn đề lớn nhất với Huỳnh Việt Lê Kha không phải học mà là sức khỏe. Câu chuyện bắt nguồn từ cái chân trái bị gãy sau khi Lê Kha bị xe tải đâm từ phía sau hồi hè lớp 11. Lẽ ra phải bó bột hơn một tháng nhưng mới được hơn 10 ngày, vì tiếc phải nghỉ học nhiều ngày, Lê Kha tự tháo băng, cưa bột để được đi học sớm nên vết thương còn non. 

Khi vào môi trường quân đội, cường độ rèn luyện nhiều, chân bên trái chịu không nổi, tái phát những cơn đau buốt tận xương. Mỗi lần đi hành quân, Lê Kha phải mang theo chai xịt tê. Khi nghỉ giải lao hay đêm đi hành quân về, Lê Kha phải xịt vào chỗ đau cho tê để mất cảm giác đau buốt, chạy tiếp, hành quân tiếp hoặc ngủ ngon. 

Vượt qua những thách thức về thể lực, năm thứ hai, Huỳnh Việt Lê Kha là một trong các học viên trẻ được làm cán bộ kiêm chức cho đến lúc ra trường. Khi đang là học viên năm ba, Lê Kha là một trong những học viên đầu tiên của khóa 50 được kết nạp Đảng.

Chọn đúng con đường

"Đến giờ nhìn lại, tôi hài lòng vì mình đã chọn đúng con đường, thấy may mắn vì có nhiều đồng đội, đồng chí và cấp trên thương. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cấp trên đòi hỏi cao.

Điều tôi chưa hài lòng và thấy hổ thẹn là tiếng Anh chưa đáp ứng được mong muốn của Chính ủy quân khu (chủ trương tự học tiếng Anh của trung tướng Phạm Văn Dỹ, chính ủy Quân khu 7, với lực lượng vũ trang trong quân khu)" - trung tá Huỳnh Việt Lê Kha nói.

Thượng tá Trần Anh Hùng (chính ủy trung đoàn bộ binh 5) nhận xét: "Trung tá Huỳnh Việt Lê Kha là người có trình độ, năng lực, phương pháp làm việc khoa học, tỉ mỉ, sâu sát, rất tận tâm, tận tụy, tận lực với công việc.

Ngoài công việc, anh Kha rất hòa đồng, chan hòa, tình cảm với anh em. Từ khi về trung đoàn, trên cương vị trung đoàn trưởng, đồng chí Kha cùng với thường vụ Đảng ủy trung đoàn đã lãnh đạo chỉ huy đơn vị và giúp trung đoàn có sự chuyển biến rõ nét. Từ một đơn vị yếu kém, hiện nay trung đoàn bộ binh 5 là lá cờ đầu của sư đoàn".

Thuyền trưởng tuổi 30 của cảnh sát biển Việt Nam Thuyền trưởng tuổi 30 của cảnh sát biển Việt Nam

TTO - Đại úy Nguyễn Thế Duyệt, thuyền trưởng tàu cảnh sát biển 2008 (hải đội 102), là một trong những thuyền trưởng trẻ nhất của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên