Ở Việt Nam, tượng gốm sớm nhất đã được tìm thấy trong Văn hóa Phùng Nguyên, thuộc sơ kỳ thời đại kim khí, có niên đại cách ngày nay khoảng 4000 – 3500 năm. Đến thời kỳ phong kiến tự chủ (thế kỷ 10 – đầu thế kỷ 20), cùng với sự phát triển của nghề gốm, tượng gốm ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Lấy cảm hứng từ thiên nhiên, cuộc sống hàng ngày, bằng bàn tay tài hoa, sức sáng tạo và óc thẩm mỹ, các nghệ nhân gốm Việt xưa đã thổi hồn vào đất để tạo ra những tượng gốm phản ảnh sinh động các mặt đời sống xã hội, thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người Việt, tượng gốm còn được sản xuất để phục vụ việc thực hành các nghi lễ thờ cúng, niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng.
Tượng gốm cổ Việt Nam được làm bằng nhiều chất liệu gốm như gốm xốp, đất nung, sành, gốm men, sứ và hiện diện trong đủ các dòng men khác nhau như men trắng, men rạn, men nâu, men lục, men vàng, men ngọc, hoa lam, hoa nâu, nhiều màu...
Trưng bày “Tượng gốm cổ Việt Nam” nhằm giúp khách tham quan có thêm hiểu biết về quá trình phát triển của nghệ thuật điêu khắc tượng gốm cổ Việt Nam và những giá trị lịch sử - văn hóa ẩn chứa bên trong những hiện vật này.
Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận