02/02/2015 08:17 GMT+7

​Trữ hàng tết, coi chừng bà hỏa

ĐỨC THANH - MAI HOA
ĐỨC THANH - MAI HOA

TT - Mùa tết - mùa làm ăn lớn nhất trong năm, hàng hóa dồn dập đổ về, nhiều người mải bán buôn mà ít để ý nguy cơ cháy nổ luôn rình rập.

Dây điện, bảng hiệu và những lồng đèn bằng vải nằm san sát tại một tiệm bán lồng đèn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Đức Thanh

“Dịp tết rơi vào thời điểm mùa hanh khô, nhưng các cửa hàng buôn bán trữ hàng nhiều hơn bình thường, kéo theo nguy cơ cháy nổ rất cao. Trong khi đó do bận bịu lo buôn bán, chủ các cơ sở thường không để ý đến công tác phòng cháy chữa cháy nên rất dễ xảy ra các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng” - đại tá Lê Tấn Bửu, giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP.HCM, cảnh báo.

“Cháy có bảo vệ lo”

Để chuẩn bị mùa buôn bán, bà Hà, chủ cửa hàng nội thất HT trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), đem hàng từ xưởng ở Bình Dương về xếp đầy nhà. Tủ, bàn, kệ giày, kệ sách bằng gỗ... xếp chồng la liệt, chỉ chừa lại một lối đi chừng 60cm. Cách “kho hàng” này không xa, một người giúp việc đang nổi lửa nấu cơm trưa bằng bếp gas.

Tương tự, rất nhiều cửa hàng ở khắp TP cũng đang rậm rịch vào mùa làm ăn. Các tiệm lồng đèn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đều thắp bóng đèn cho hầu hết sản phẩm đang bày bán trong nhà.

Những lồng đèn nhỏ to đủ kiểu dáng, chủ yếu được làm từ vải lụa, nhựa mica... nằm xen lẫn với những ổ cắm điện, dây nhợ chằng chịt vắt quanh.

Ở tiệm hoa vải trang trí AD trên đường 3 Tháng 2 (Q.10), những cây hoa anh đào cao đến 2m được người bán cho tựa lưng vào... trụ điện ngoài vỉa hè.

Ở một số khu buôn bán, tiểu thương còn thuê những nhà gần đó để chứa hàng. Nhiều khu dân cư trở thành kho chứa. Chung cư trên đường Phú Hòa (Q.Tân Bình), có 60 căn mà có 40 căn được cho thuê làm kho hàng.

Bà L.B. (65 tuổi), một người dân sống trên lầu 2 chung cư, than thở: “Những ngày bình thường, sống giữa mấy kho hàng này đã làm chúng tôi thấy lo lắng rồi. Gần tết, hàng về nhiều hơn, những lúc cao điểm như 8-9g sáng người ta lôi hàng ra chật kín không còn lối đi, thả hàng trôi xuống theo đường dốc của cầu thang, vừa ồn ào vừa bụi bặm. Chung cư thì cũ quá rồi, xây từ trước năm 1975, xuống cấp trầm trọng. Mỗi lầu họ có trang bị hai bình chữa cháy mini để ở đầu cầu thang. Nhưng hàng hóa thì chất thành núi, lại toàn đồ dễ cháy, nếu chẳng may có sự cố thì hai bình ấy có đủ cứu tất cả hay không?”.

Chiều 31-1, tại chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp), xung quanh chợ là hàng trăm gian hàng bán quần áo, giày dép... Chị Hương, chủ một gian quần áo, cho biết các gian hàng ở đây chủ yếu buôn bán vào ban đêm, các bóng đèn, dây điện đều mắc tạm bợ.

Khi được hỏi về phòng cháy chữa cháy, chị Hương nói: “Ở đây bán tạm, không thấy ai xách theo bình chữa cháy bao giờ, hàng họ cũng đủ lỉnh kỉnh lắm rồi. Nếu có cháy thì bảo vệ chợ lo”.

Lúc này khoảng 18g30, cả khu chợ lên đèn sáng rực, vòng quanh khu chợ không thấy bóng dáng bất kỳ người bảo vệ nào, chỉ có dòng người chen chúc đi mua sắm...

Những vụ việc đáng tiếc

Thực tế cho thấy vào các dịp cuối năm có nhiều sự cố cháy nổ xảy ra mà phần lớn nguyên nhân do người dân, chủ cơ sở sản xuất, buôn bán mất cảnh giác.

Điển hình là vụ cháy xảy ra chiều 1-2-2014 (mồng 2 Tết Giáp Ngọ) tại cửa hàng bán đồ gỗ Đăng Dương (đường Ngô Gia Tự, P.4, Q.10, TP.HCM), lửa xuất phát từ tầng lửng của cửa hàng - nơi chứa nhiều đồ gỗ, sau đó bốc lên những tầng trên.

Lực lượng chữa cháy giải cứu được bốn người bị phỏng nhẹ. Còn một cô gái leo từ tầng 4 của căn nhà trên sang nhà kế bên để thoát hiểm, hụt chân ngã xuống đất tử vong.

Một năm, hơn 1.400 sự cố cháy nổ

Theo thống kê của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP.HCM, trong năm 2014 TP xảy ra 1.426 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ và cứu nạn cứu hộ, làm chết 31 người (trong đó chết cháy 18 người, do nổ tám người, tự đốt năm người) và bị thương 34 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền khoảng 45 tỉ đồng.

Gần tết năm 2013 cũng xảy ra vụ cháy lúc 3g30 sáng tại cửa hàng bán đồ trang trí nội thất trên đường Lương Định Của (Q.2, TP.HCM) làm bà chủ tiệm bị chết cháy trên gác.

Tại thời điểm này xảy ra vụ cháy cửa hàng bán tạp hóa Phượng Hoàng (góc đường Hậu Giang - Nguyễn Văn Luông, Q.6) làm vợ chồng chủ tiệm tử vong.

Gần đây nhất là vụ cháy nhà ở đường Nguyễn Trãi (P.8, Q.5, TP.HCM) lúc rạng sáng 16-9-2014 khiến bảy người chết.

Đây là cửa hàng chuyên buôn bán thiết bị, vật liệu, hóa chất ngành tóc kết hợp làm nơi ở.

Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định là một xe máy dựng gần ổ điện tại khu vực cửa ra vào phát lửa, sau đó lửa lan sang các vật dụng làm tóc gây ra cháy lớn.

Những vụ việc này là bài học đắt giá để người dân luôn cảnh giác trước nguy cơ cháy nổ rình rập, nhất là vào dịp tết.

“Các cơ sở sản xuất, hộ dân phải chú ý khi nấu nướng, thờ cúng trong nhà; kiểm tra lại các nguồn nhiệt, ổ điện... đảm bảo điện đã được ngắt khi ra khỏi nhà; phải trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở sản xuất của mình...” - đại tá Lê Tấn Bửu nói.

ĐỨC THANH - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên