![]() |
Bị bạo hành, nhiều em đã hoảng hốt, khóc sợ khi gặp người lạ - Ảnh: Võ Hương |
Cảm ơn anh Lâm đã kể câu chuyện của mình. Đó là tất cả sự dũng cảm bởi không phải người đàn ông nào cũng dám đối mặt với quá khứ và chấp nhận những nỗi đau của nó. Như tôi, tôi sợ phải nhắc lại, nhớ lại, sợ phải kể ra. Đọc những dòng kể về anh, tôi thấy có cả một phần tuổi thơ của mình trong đó. Tôi đã lặng người khi nhớ về cha tôi.
Tôi đã không khóc
Ông đã mất cách đây ba năm. Dẫu vết thương ông để lại cho tôi không chỉ là những vết sẹo trên tay, trên lưng mà còn cả trong tim, tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trả thù ông. Ông mất, trong đám tang tôi không khóc vì nghĩ rằng đó là quy luật luân hồi đời thường.
Ký ức của tôi là những trận đòn kinh hoàng, khi thì bằng đòn gánh, khi bằng thanh củi, cây chổi, que sắt. Có lần, cha đánh tôi đến mức hôm sau tôi không nhấc chân ra khỏi giường nổi. Ông đánh gãy cả cây roi, kẽ tay của tôi rách một vệt dài và còn đến bây giờ. Còn ở lưng, tay chân, đầu thì những vết hằn của roi vọt qua mấy chục năm vẫn còn mờ mờ.
Tôi thường an ủi mình rằng lỗi không phải do cha mà do tôi, do hoàn cảnh lịch sử lúc đó, do kinh tế và những áp lực khác. Gia đình tôi từ Hà Nội chuyển về sống ở Phú Thọ. Anh em tôi chuyển từ cuộc sống đầy đủ sang cuộc sống lấm lem hơn, làm đồng, chăn bò...
Cha tôi đi làm ăn, mỗi tuần chỉ về một, hai lần. Một mình ông đi làm nuôi cả nhà năm miệng ăn, thời đấy rất khó khăn. Nhưng mỗi lần ông về, dù có lý do hay không, tôi đều bị đánh đến mức phải trốn chui trốn nhủi. Ông đánh đến mức những bữa cơm có ông, tôi không dám gắp thức ăn, nước mắt chảy ròng ròng, mẹ và em phải gắp cho. Công việc cơ quan căng thẳng, ông ngập ngụa trong rượu và trong cơn say đứa phải gánh chịu những trận đòn là tôi.
Tôi thường tự hỏi tôi rất giống ông, to, cao và đen, nhưng mỗi lần đánh tôi ông thường gào lên rằng “mày không phải con tao”. Tôi ngỗ nghịch, đánh nhau giỏi nhất làng. Ông đánh tôi nhừ tử rồi kêu dân phòng đến bắt. 15 tuổi, tôi đã làm quen với trại tạm giam mười mấy ngày.
15 tuổi, tôi bỏ nhà đi sau khi ý định xin đi bộ đội của tôi bị ông phản đối. Trong túi không có một đồng, tôi quay về Hà Nội. Vài năm sau tự tôi đi làm, đi học. Cuộc sống vất vả, gian truân, có những khi đuối sức nhưng chưa bao giờ tôi thấy sợ như lúc nhớ đến những ký ức đau đớn.
Rồi tôi thi đậu vào Nhạc viện Hà Nội. Tôi quay về quê thăm mẹ. Những năm qua, mẹ thay tôi hứng chịu những trận đòn của cha. Gặp tôi, ông đòi tiền, dọa nếu tôi không đưa sẽ đánh mẹ. Tôi dành dụm mua một mảnh đất cho mẹ ra riêng thì cha quậy phá. Tôi đi học mà nhiều lúc đang ngồi trong lớp em trai gọi điện báo cha đang đánh, đuổi mẹ. Lòng tôi càng tan nát. Cuộc sống gần như vô nghĩa khi tôi không thể thoát nổi người cha quen bạo hành.
Câu hỏi của tôi
Tôi từng tìm kiếm những người hiểu biết để hỏi họ rằng: vì sao những người sinh ra rất hiền lành lại phải chịu sự tàn nhẫn hà khắc của chính những người ruột thịt?
Không ai cho tôi câu trả lời xác đáng. Thậm chí có lúc tôi nghĩ kiếp trước mình sống không tốt nên kiếp này phải trả nợ. Không biết bao nhiêu lần tôi suýt trở thành tội phạm khi lao vào những trò đánh đấm, quậy phá để “trả thù đời”.
Đến tận bây giờ, dù đã 41 tuổi, tôi vẫn luẩn quẩn quanh câu hỏi cuộc đời ấy. Tôi đã có một cuộc sống ổn định, mẹ và các em coi tôi là chỗ dựa tinh thần nhưng quá khứ ấy cứ đè nặng, có lẽ đó là vết thương đến chết mang theo. Đã sống quá nửa cuộc đời, tôi vẫn ghen tị với những đứa trẻ được bố mẹ ôm ấp, vỗ về, yêu thương. Những thứ “xa xỉ” ấy, kể từ khi có nhận thức tôi chưa từng cảm nhận được ở cha mình.
Nhiều lần đi trên phố gặp những đứa trẻ đánh giày, bán vé số, tôi thường sà vào chơi chung với chúng, hỏi xem mỗi ngày chúng làm được bao nhiêu, có bị chủ hay bố mẹ đánh không. Rồi trong túi còn bao nhiêu tiền tôi vét chia mỗi em một ít.
Đến giờ, tôi vẫn đi tìm câu trả lời cho những biến cố của cuộc đời mình. Tôi tin những câu chuyện giống như tôi vẫn xảy ra thường ngày, xung quanh nhưng ta ít nhận thấy. Cũng như tôi, tôi sống một cuộc đời yên bình, phẳng lặng nhưng không ai biết sâu trong tôi vẫn còn những hoang mang, ám ảnh, giống như những đợt sóng ngầm chưa thể dừng tuôn trào...
______________
Kỳ tới: Cuộc đời bị bạo hành của các ngôi sao
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận