21/10/2015 14:25 GMT+7

Trong lò luyện mẫu nhí - Kỳ cuối: Đằng sau những lóng lánh

AN NHIÊN - NGỌC THÙY

AN NHIÊN - NGỌC THÙY


TT - “Mỗi buổi học, phụ huynh ngồi xem đông lắm. Họ muốn xem con mình được dạy cái gì ở đây. Từ đó, nhiều phụ huynh mới vỡ 
lẽ ra những giá trị thật và sự khổ luyện của nghề”.

Hai mẫu nhí trình diễn trong sô của nhà thiết kế Li Lam vào tối 16-10 tại Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2015 - Ảnh: Gia Tiến
Hai mẫu nhí trình diễn trong sô của nhà thiết kế Li Lam vào tối 16-10 tại Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2015 - Ảnh: Gia Tiến

Anh Nguyễn Phước Vinh, phụ trách nội dung của CA3, kể như trên.

Anh Vinh cho biết ở Trung tâm đào tạo người mẫu CA3, ngoài kỹ năng trình diễn catwalk, tạo dáng, tạo phong cách, học viên còn được định hướng tâm lý nghề nghiệp: người mẫu là người của công chúng, bên cạnh những hào quang còn có nhiều mặt trái, chịu sức ép dư luận.

Bạn sẽ bị săm soi, bạn sẽ bị thất vọng và mọi chuyện thật khó đối mặt khi bạn mới chỉ 14 hay 16. Ở tuổi 18, bạn vẫn còn nhỏ nhưng đã dạn dày hơn một chút và ngay cả ở tuổi 18 thì... ý tôi muốn nói là tôi chỉ thật sự sẵn sàng với công việc khi ở độ tuổi 21, 22

Người mẫu DAVID GANDY

Bên cạnh hào quang là mặt trái

Theo anh Vinh, không có một giáo trình cứng nhắc, người dạy truyền đạt kiến thức, thông điệp bằng những trải nghiệm thật của họ với nghề. Những mặt sáng - tối của nghề theo đó cũng được chia sẻ cận cảnh để cả học viên và phụ huynh hiểu hơn về nghề trước khi quyết định có tiếp tục theo đuổi đam mê hay không.

Cựu siêu mẫu Xuân Lan cho rằng trẻ em rất hồn nhiên, nếu người lớn cứ áp đặt hoặc kỳ vọng quá lớn, các bé sẽ bị áp lực và đôi khi có những nhìn nhận không đúng về nghề.

“Chúng tôi truyền tải cho các em những giá trị thật về nghề, làm sao để các em biết quý trọng nghề và trân trọng sức lao động của mình. Không có một lời hứa nào rằng khi học xong em sẽ thành người mẫu chuyên nghiệp hay học xong em sẽ được nhiều người mời tham gia sô. Với các bé nhỏ, lớp đào tạo người mẫu nhí là một sân chơi để các em tự tin hơn, biết cách chỉn chu dáng đứng, dáng ngồi của mình. Với những em lớn hơn, chúng tôi đưa ra những bài giảng giúp các em tự tin hơn, biết cách làm mình đẹp hơn. Học để tỏa sáng chứ không phải học để bước ra làm một ngôi sao giấy hay ảo tưởng về sắc vóc của mình” - người mẫu Xuân Lan chia sẻ.

Anh Lâm Quốc Thảo - huấn luyện viên của Trung tâm Ruby - cho biết với các bạn nhỏ tuổi, tinh thần chính vẫn là tạo một sân chơi, môi trường để các em học hỏi kỹ năng, thư giãn sau giờ học chứ không đặt nặng vấn đề theo đuổi nghề người mẫu chuyên nghiệp.

“Ở đây chỉ định hướng nghề nghiệp cho học viên từ 18 tuổi trở lên, giới thiệu các bạn cho các chương trình thời trang. Còn các bạn nhỏ tuổi thì chỉ học cho vui, không tham gia trình diễn” - anh Thảo cho hay.

Anh Thảo cũng nói việc bước chân vào nghề người mẫu đồng nghĩa với việc trở thành người của công chúng. Bên cạnh những hào quang, không tránh khỏi những mặt trái, đòi hỏi người mẫu muốn trụ lại với nghề phải đủ bản lĩnh và đam mê. Và khi rèn luyện học viên đến nghề này, đây cũng là những điều mà trung tâm truyền đạt.

Không nên hiểu nhầm học năng khiếu là hướng nghiệp

Chuyên gia kỹ năng sống Đỗ Linh - người chuyên nghiên cứu và thực hành bài kiểm tra tính cách MBTI - cho biết về nguyên tắc, độ tuổi nào cũng có thể hướng nghiệp được. Tùy theo tuổi mà lựa chọn các hoạt động định hướng phù hợp.

Tuy nhiên, với những nghề như người mẫu hay diễn viên, việc định hướng phải thật sự thận trọng bởi đây là những nghề nghiệp tương đối đặc biệt và có tính hào nhoáng bề ngoài.

“Theo tôi, nên đầu tư về nội tâm và định hình suy nghĩ, quan điểm cho các em trước. Khi thật vững vàng về nội dung bên trong thì việc định hướng sẽ hiệu quả hơn”, cũng theo ông Linh, nếu cha mẹ và các bé thật sự muốn trải nghiệm và muốn có một hoạt động hướng nghiệp liên quan đến nghề người mẫu, diễn viên thì nên tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên.

“Nếu chương trình đào tạo bài bản, đội ngũ giáo viên có nghề thì các em sẽ được định hướng đúng. Ngược lại sẽ nguy hiểm nếu các em hình thành suy nghĩ chỉ chú trọng vẻ ngoài mà không hiểu về những giá trị thật sự của nghề” - ông Linh khẳng định.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng nhìn nhận khoảng thời gian gần đây nổi lên các cuộc thi, chương trình về MC nhí, tài năng nhí, người mẫu nhí... Trẻ tham gia các hoạt động này không có nghĩa là trẻ được định hướng một nghề nghiệp trong tương lai.

“Đừng quên đó không phải là nghề nghiệp mà trẻ đã chọn. Nhiều khi đó chỉ là hào quang mà trẻ thấy hoặc sự định hướng của người lớn với trẻ, không có sự chủ động của trẻ ở đây. Nếu làm nghề đích thực, bất kỳ nghề nghiệp nào, thì sự hiểu biết cơ bản về cuộc sống, những tri thức nền tảng và kiến thức xã hội là rất quan trọng. Vì vậy, không nên hiểu nhầm những lớp học năng khiếu mà trẻ tham gia là hướng nghiệp cho các em” - ông Sơn bày tỏ.

Theo ông Sơn, người lớn cần tuân thủ các nguyên tắc phát triển toàn diện cho trẻ. Một là không được khai thác năng khiếu của trẻ quá sớm mà quên đi việc phát triển toàn diện này.

Hai là phải chú ý trang bị cho trẻ những tri thức cơ bản, thay vì cứ tập trung khai thác năng khiếu. Và điều cuối cùng, người lớn đừng biến trẻ thành một công cụ lao động, đừng làm cho trẻ định hướng sai lệch về hình ảnh của trẻ trong ngày hôm nay, năm sau hay một vài năm nữa.

Luật VN không cấm

* Nhà thiết kế CHUNG THANH PHONG: Cá nhân tôi nghĩ rằng độ tuổi để các người mẫu Việt bước vào con đường chuyên nghiệp có thể là 16.

Chọn một người mẫu, nhà thiết kế chủ yếu sẽ lựa chọn theo các chỉ số hình thể, cá tính thời trang, sắc vóc và thần thái của người mẫu ấy xem có phù hợp với bộ sưu tập của mình hay không.

Độ tuổi lý tưởng của người mẫu là 16 đến 25, nhưng thực tế vẫn có những nhà thiết kế hay bộ sưu tập cần những gương mặt người mẫu gạo cội hoặc những gương mặt trẻ măng.

Ví dụ như sô diễn kỷ niệm năm năm làm nghề vừa qua của tôi, tôi đã dùng một người mẫu chỉ mới 13 tuổi. Vì sao tôi chọn cô bé Emily đó?

Vì gương mặt của cô bé, sự lúng túng khi đi catwalk của cô bé hoàn toàn phù hợp để trở thành ”linh hồn” trong bộ sưu tập Thiên thần mà tôi giới thiệu.

Luật ở VN không cấm người mẫu nhí diễn trong sô người lớn, miễn là đừng vi phạm thuần phong mỹ tục hay các vấn đề liên quan đến pháp luật. Và thực tế là khi đi diễn các em luôn được sự ủng hộ cũng như giám sát từ gia đình.

Nếu gia đình không ủng hộ thì các nhà thiết kế cũng sẽ không dám mời hay cho phép các người mẫu nhí lên sàn diễn.

* Bà TRANG LÊ (giám đốc điều hành Công ty MultiMedia, đơn vị tổ chức cuộc thi Người mẫu Việt Nam - Vietnam’s Next Top Model): Trong khuôn khổ một cuộc thi người mẫu, quy định của Nhà nước mình là thí sinh phải từ 18 tuổi.

Nhưng tuyển lựa người mẫu để đào tạo thì không quy định tuổi. Các công ty người mẫu hoàn toàn có quyền chọn người mẫu từ vài ba tháng tuổi đến vài tuổi cho các hoạt động làm nghề như: trình diễn, chụp ảnh, đóng quảng cáo...

Dù Người mẫu Việt Nam quy định thí sinh dự thi phải từ 18 tuổi nhưng năm nào trong vòng tuyển chọn (casting) chúng tôi cũng được đón tiếp rất nhiều thí sinh 15 - 16 tuổi, thậm chí có em mới 13 cũng đến.

Và các em đó cũng đầy tiềm năng. Chúng tôi thấy nhiều em nhỏ có niềm đam mê với nghề người mẫu, nhiều đơn vị cần người mẫu nhỏ để trình diễn thời trang thiếu nhi, thiếu niên, quay quảng cáo, chụp hình... nên thực tâm cũng rất muốn tạo một sân chơi tìm kiếm người mẫu nhí.

Nhưng đó vẫn chỉ còn trong ý nghĩ bởi tổ chức thi người mẫu lớn đã rất chông gai, phải vượt qua biết bao thị phi, định kiến. Người mẫu nhí e rằng còn chịu nhiều điều tiếng hơn. Dẫu vậy, tôi vẫn cho rằng nên có các sân chơi lành mạnh cho các em, có những công ty uy tín đỡ đầu cho các em. Nếu được đào tạo bài bản, làm việc có tổ chức thì sẽ ít xảy ra những trường hợp đáng tiếc hơn.

Q.N. ghi

AN NHIÊN - NGỌC THÙY

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên