27/08/2014 02:46 GMT+7

Trọn một đời nghe tiếng tạ rơi

TẤN PHÚC
TẤN PHÚC

TT - Luôn khuất sau bục vinh quang nhưng HLV cử tạ Huỳnh Hữu Chí là người dẫn đường đến những thành công của các lực sĩ hàng đầu VN như Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Trần Anh Tuấn...

“Với tôi, thầy Chí còn là người cha dẫn dắt tôi vào đời và kiên trì với nghiệp VĐV. Nếu không có thầy Chí, cử tạ VN đã không có Thạch Kim Tuấn của ngày hôm nay. Và có lẽ tôi vẫn còn lang bạt nơi đầu đường xó chợ...” - nhà vô địch trẻ thế giới Thạch Kim Tuấn nói.

Người thầy, người cha

Một sáng cuối tháng 8, phòng tạ Trung tâm huấn luyện thể thao Phú Thọ (TP.HCM) vang dội âm thanh những đòn tạ hàng trăm ký rơi ầm ầm trên sàn gỗ. Giữa trùng vây các lực sĩ cơ bắp, HLV Hữu Chí nhỏ thó với đôi kính cận dày cộm đang lui cui thay những bánh tạ nặng gần 1/2 trọng lượng cơ thể giúp học trò tập luyện. 55 tuổi, dù đứng lên ngồi xuống rất đau do bị thoát vị đĩa đệm nhưng chưa ai nghe HLV Hữu Chí than một lời dù mỗi ngày ông có chín giờ sát cánh cùng học trò với những công việc nặng nhọc.

Bước khỏi phòng tạ, HLV Hữu Chí được học trò kính trọng như cha. Ai cũng biết HLV Hữu Chí là người hỗ trợ lực sĩ Trần Văn Hóa (HCĐ châu Á hạng 94kg) trả nợ cho gia đình. Ngoài ra, ông còn chạy vạy khắp nơi để căn nhà ổ chuột của Hóa được dựng lại tươm tất để yên tâm tập luyện.

Câu chuyện của lực sĩ Hoàng Tấn Tài với thầy Hữu Chí cũng rất xúc động. Khi nhận Tấn Tài lúc 13 tuổi sau chuyến đi tập huấn dài hạn từ Trung Quốc trở về, HLV Hữu Chí không thấy Tấn Tài đâu nữa. Ông cất công tìm kiếm nhiều ngày và bắt gặp Tấn Tài ngồi bệt bên thềm nhà xập xệ ôm tô cơm chiều vừa khóc vừa nói: “Ba con chết rồi. Nhà nghèo quá, con không tập tạ nữa”. Nhưng cái tâm của thầy Hữu Chí đã kéo Tấn Tài trở lại cử tạ và sau đó đoạt HCB châu Á hạng cân 85kg nam.

Một đời dành cho cử tạ

Với nhiều người, đòn tạ vô tri giác nhưng đó là lẽ sống mà HLV Hữu Chí đã để người vợ mới cưới ở nhà để ăn dầm nằm dề cùng học trò tập huấn từ Trung Quốc, Hungary đến Bulgaria. Mỗi khi thanh tạ được nâng lên, HLV Hữu Chí thấy mình trong đó qua hình ảnh những học trò vùng vẫy vươn lên trong cuộc sống và mang về vinh quang cho thể thao VN.

Xuất thân khá giả và học giỏi tại Trường Lasan Taberd danh giá đất Sài Gòn xưa, từ nhỏ HLV Hữu Chí chơi giỏi nhiều môn thể thao như bóng rổ, bóng bàn, cầu lông, điền kinh, bơi. Nhưng do kinh tế gia đình suy sụp, hằng đêm ông đi trộn bột làm mì hoặc phụ việc ở hãng dệt để mưu sinh và nuôi ước mơ trở thành VĐV. Nhưng ước nguyện đó mãi mãi không thành vì... bị cận nặng.

Cơ trời lại sắp đặt ông Hữu Chí bén duyên cùng cử tạ một cách tình cờ. Ngay cái ngày ông bị loại ở đợt thi tuyển VĐV, trên đường về chân ông lại bước vô hồn vào một CLB cử tạ - thể hình chỉ để “không bị bắt nạt” vì quá ốm, lại đeo kính như mọt sách. Cứ thế, tối đi làm, sáng ông đi tập tạ. Tuy chưa từng đoạt huy chương trong đời VĐV nhưng không nản, ông chuyển sang làm HLV một đội cử tạ cấp... phường. Nhờ “mát tay”, HLV Hữu Chí liên tục được cất nhắc để trở thành HLV tuyển TP.HCM rồi tuyển VN và gắn với việc đào tạo nên nhiều VĐV nổi tiếng.

Bí quyết thành công của HLV Hữu Chí là chịu học hỏi. Khi theo chuyên gia Bulgaria, ông không để người ta cầm tay chỉ việc mà tự học rồi kết hợp với kiến thức học từ cử tạ Trung Quốc thành “bài” riêng mình. Ngót 30 năm gắn bó, cử tạ đã trở thành hơi thở HLV Hữu Chí, đến nỗi chỉ cần nghe tiếng tạ rơi đã đoán được sức nặng của thanh tạ và tạ được nâng đến đâu trước khi rớt xuống. HLV Hữu Chí tâm sự: “Tôi nghe tạ bằng cái tâm của mình suốt mấy chục năm, như người dệt vải nghe tiếng thoi đưa”.

Đặc biệt, tất cả học trò thầy Hữu Chí đều phải cố gắng đi học. Thế mới có chuyện Kim Tuấn lọ mọ đến trường học văn hóa mỗi buổi tối suốt hai năm qua (trừ những lúc đi tập huấn). HLV Hữu Chí nói: “Đời VĐV thành công đến đâu cũng rất ngắn nên tôi phải nhìn cho tương lai của học trò. Tôi mà không cho VĐV đi học thì sẽ mang tội làm người lớn lắm”. Và ông cũng chính là tấm gương ham học cho học trò khi tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao TP.HCM năm 2010 ở tuổi 51.

Đời VĐV thành công đến đâu cũng rất ngắn, nên tôi phải nhìn cho tương lai của học trò. Tôi mà không cho VĐV đi học thì sẽ mang tội làm người lớn lắm

HLV Huỳnh Hữu Chí

HLV Hữu Chí giúp Kim Tuấn tập luyện chuẩn bị cho Asiad 2014 - Ảnh: T.P.

“Tái sinh” cho Kim Tuấn

HLV Hữu Chí cũng “tái sinh” cho Thạch Kim Tuấn. 13 tuổi, Kim Tuấn lêu lổng lang bạt vì cha bỏ đi, mẹ mất sau khi đưa các con vào TP.HCM tìm kế sinh nhai. Và những lời “ngọt ngào” của thầy Chí đã đưa Kim Tuấn về cuộc sống lương thiện và thành danh.

Không thể nào đong đếm nổi sự kiên nhẫn và chiêu trò mà HLV Hữu Chí dùng dể trị cậu học trò “bụi đời” này. Như cách trị tính tự mãn và lười của Kim Tuấn. Thấy Kim Tuấn liên tục đẩy rớt tạ 120kg, HLV Hữu Chí động viên: nếu Kim Tuấn đẩy được 132kg, ông sẽ thua một thùng nước ngọt, còn ngược lại Kim Tuấn chỉ mất 1 lon. Kết quả, Kim Tuấn dễ dàng đẩy thành công 132kg ngay lần thử đầu tiên. Những người làm chứng cười thầy Hữu Chí “bị dụ” nhưng thầy Hữu Chí nghĩ bụng: “Quá rẻ! Vậy nhé, từ nay về sau mà đẩy không nổi 132kg trở lên thì coi chừng...”.

Rồi có lúc Kim Tuấn nản chí suýt dở dang sự nghiệp, nhất là sau thất bại trước Nguyễn Quốc Toàn tại SEA Games 2011. Lúc ấy, HLV Hữu Chí đã dìu Kim Tuấn bước qua thử thách. Bây giờ, Kim Tuấn là hi vọng vàng của thể thao VN tại Asiad 2014. Để bảo bọc học trò, HLV Hữu Chí rước luôn Kim Tuấn về nhà mình, ngôi nhà ông tậu sau gần 30 năm ở trọ để tiện việc chuẩn bị cho Tuấn.

TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên