07/08/2005 10:44 GMT+7

Trở lại vụ Watergate: Báo chí điều tra

HẢI PHONG thực hiện
HẢI PHONG thực hiện

TTCN - Như tựa đề của nó, quyển The Secret Man này giới thiệu con người thật của “kẻ giấu mặt” mang bí danh “Deep Throat”. Cũng qua đó, tác phẩm đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của nước Mỹ như: Khi nào việc nhà báo sử dụng nguồn tin nặc danh được xem là đúng? Việc một viên chức tiết lộ thông tin cho báo chí để tố giác cấp trên của mình là đúng hay sai?

injYWrRU.jpgPhóng to
Bob Wooward (phải) và Carl Bernstein tại tòa soạn Washington Post năm 1973
TTCN - Như tựa đề của nó, quyển The Secret Man này giới thiệu con người thật của “kẻ giấu mặt” mang bí danh “Deep Throat”. Cũng qua đó, tác phẩm đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của nước Mỹ như: Khi nào việc nhà báo sử dụng nguồn tin nặc danh được xem là đúng? Việc một viên chức tiết lộ thông tin cho báo chí để tố giác cấp trên của mình là đúng hay sai?

Mark Felt đã cung cấp tin cho Bob Woodward như thế nào? Là nhân vật số 2 của Cơ quan điều tra liên bang FBI, sếp của các sếp “cớm”, Mark Felt đâu có dại gì làm cái công việc của một kẻ cung cấp tin một cách thô thiển là giao hết hồ sơ và lấy tiền để sẽ phải bị bật mí, cách chức, truy tố ra tòa, tù đày...

Tóm tắt về vụ bê bối Watergate

Suốt hơn 30 năm qua, người tiết lộ thông tin điều tra của FBI cho báo giới về vụ Watergate vẫn ẩn mình dưới bí danh Deep Throat. Chỉ tới ngày 31-5-2005 mới chính thức lộ diện. Người đó là Mark Felt, phó giám đốc FBI. Vụ Watergate tóm tắt như sau: Sau khi bắt năm “tên trộm” đột nhập văn phòng Đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate (Washington) ngày 17-6-1972, Cơ quan điều tra Mỹ FBI lần ra manh mối của chiến dịch do thám này: chính các nhân vật thân cận của Tổng thống Nixon, cùng với ủy ban vận động bầu cử của ông đã tổ chức vụ đột nhập này nhắm vào đối thủ chính trị là Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, các kết quả điều tra của FBI đã bị ỉm đi dưới những âm mưu che đậy của Nhà Trắng cho tới khi hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post công bố trên mặt báo. Quốc hội Mỹ bèn lập ủy ban điều tra. Trước nguy cơ bị quốc hội phế truất, ngày 9-8-1974 Tổng thống Nixon tuyên bố từ chức.

Ông chỉ gợi ý hoặc giúp phóng viên trẻ Bob Woodward tự xác định hướng điều tra từ nhiều nguồn. Mặc cho Woodward phải tự “bửa đầu ”xem đằng sau những câu trả lời “vừa có, vừa không” của Felt là cái gì. Chính nhờ làm việc với Mark Felt trong vụ Watergate mà Bob Woodward cùng với đồng nghiệp Carl Bernstein đã học và hình thành cho mình những qui tắc nghề nghiệp. Trong ý nghĩa đó, nguồn tin nặc danh có ý nghĩa vạn lần so với những nguồn tin “mớm đút”!

Kẻ giấu mặt

(trích chương 7, cuốn sách của Bob Woodward và Carl Bernstein)

Hôm 19-7, tôi dịch chậu hoa trên bancông lùi vào phía trong nhằm ra dấu sẽ có một cuộc hẹn bí mật tại Rosslyn. Cũng chiều hôm đó, như sau này chúng tôi được biết, Nixon gặp Haldeman tại phòng làm việc riêng của ông ta trong tòa nhà trụ sở hành pháp mang tên Tổng thống Eisenhower.

Hệ thống ghi âm bí mật đã lưu lại cuộc nói chuyện của hai ông. Haldeman báo cáo rằng từ nguồn tin riêng mà ông không muốn nêu tên, ông ta biết được lỗ rò tin tức nằm trong FBI.

“Người nào đó bên cạnh Gray (1) phải không?” - Nixon hỏi.

“Mark Felt” - Haldeman nói.

“Ông ta làm trò quái quỉ gì vậy?” - tổng thống hỏi.

“Tổng thống đừng hé môi gì về chuyện này nhé, vì như thế nguy hiểm cho nguồn tin của chúng ta. Mitchell (2) là người duy nhất biết nguồn tin này là ai, và ông ta cũng nhấn mạnh rằng tốt hơn chúng ta đừng làm gì cả, bởi vì...”.

“Không làm gì cả ?” - Nixon ngắt lời và nói thêm với vẻ hoài nghi: ”Mãi mãi không làm gì cả sao?”.

“Nếu chúng ta ra tay - Haldeman cảnh báo - Felt sẽ lộ mặt và nói toạc móng heo hết mọi chuyện. Hắn đã biết mọi chuyện cần biết ở FBI rồi. Đương nhiên, vì hắn có quyền tiếp cận toàn bộ hồ sơ”.

Haldeman cũng báo cáo rằng đã hỏi John Dean (3) xem nên làm gì với Felt. Ý kiến của Dean là tổng thống không thể truy tố Felt về mặt hình sự. Và rằng Dean lo ngại nếu tổng thống để Felt hay biết, ông ta sẽ lộ mặt và sẽ xuất hiện trên truyền hình”.

“Thế thì anh hãy bảo cho tôi biết phải làm gì với cái tên khốn kiếp đó - Nixon nói - Đó là điều duy nhất tôi muốn nghe”.

Haldeman nói Felt thèm muốn vị trí người đứng đầu FBI.

“Ông ta có theo đạo Công giáo không?” - tổng thống hỏi.

“Không, thưa tổng thống. Ông ta là dân Do Thái”.

“Chúa ơi, một gã Do Thái ở vị trí đó sao ?” - Nixon lẩm bẩm.

Sau đó Nixon hỏi: “Tờ báo nào đăng tải lại các tin tức từ Felt?”.

“Tờ Washington Post” - Haldeman đáp.

Nixon gặng hỏi ai là điểm chỉ, cung cấp tin trở lại cho Nhà Trắng (rằng đã có ai đó rò rỉ tin về vụ Watergate cho báo chí), nhưng Haldeman chỉ nói rằng từ một kẻ nào đó, đoán chừng là đang làm việc cho tờ báo này.

“Người đó biết rằng tin tức của FBI bị xì ra cho một phóng viên” - Haldeman nói.

“Vậy thì đừng nói gì hết...” - Nixon ra lệnh.

ngaEh4j4.jpgPhóng to
W.Mark Felt chụp năm 1958 để cung cấp cho nhu cầu quảng bá của FBI
Đoạn băng này chứng tỏ trong nội bộ tờ Washington Post cũng có một gã “Deep Throat” khác đã báo tin ngược lại cho Bộ Tư pháp và Nhà Trắng về những nguồn tin mật của chúng tôi.

Tối hôm đó, ngày 19-10, tôi (tức Woodward, chú thích của TTCN) áp dụng mọi biện pháp “cắt đuôi”. Đổi taxi hai lần, căng mắt ra quan sát, kiên nhẫn chờ đợi. Tôi đến chỗ hẹn lúc 2g30 sáng, muộn hơn giờ hẹn mọi lần nhưng Felt không có ở đó. Tôi đợi suốt cả tiếng đồng hồ trong tầng ngầm đậu xe lạnh ngắt ánh sáng hắt hiu. Trong đầu tôi nảy ra những suy nghĩ hoang tưởng: Hay là Haldeman đã phát hiện tôi? Felt đã bị để ý? Không lẽ tôi đã bị bám đuôi?...

Tôi đi bộ ra khỏi tầng ngầm đậu xe để quan sát. Sau đó lấy hết can đảm, tôi trở xuống tầng ngầm tối om. Ngó quanh quẩn một hồi, cả người chìm trong sợ hãi, cuối cùng tôi cố thu hết bình tĩnh để ra về.

Tôi kể với Carl rằng Deep Throat đã không xuất hiện. Cả hai chúng tôi đều lo lắng. Sáng hôm sau, tờ New York Times tôi vẫn đặt mua được khoanh tròn ở số trang 20, kim đồng hồ chỉ 3 giờ sáng (tức Felt hẹn gặp lúc 3 giờ sáng 20-10).

Lần này tôi tới sớm hơn giờ hẹn, nhưng khi đến nơi đã thấy Felt có mặt ở đó từ hồi nào. Ông cho biết đã không để ý quan sát vị trí chậu hoa trên bancông nhà tôi (nên đã không đến chỗ hẹn ở Rosslyn, trong tầng hầm đậu xe). Ông cho biết vụ Watergate đang “nóng” hẳn lên.

Tôi bảo với Felt rằng chúng tôi định sẽ công bố vào tuần tới một bài báo vạch rõ rằng Haldeman chính là nhân vật thứ năm (trong số các quan chức dính líu đến vụ Watergate) và là người nắm quĩ đen của Nhà Trắng.

“Các anh sẽ tự làm việc đó với các chứng cứ riêng của các anh” - Felt nói.

Tôi bảo với Felt rằng tôi muốn từ nay ông sẽ cảnh báo xem tôi điều tra có trật hướng hay không. Felt nói ông sẽ thực hiện yêu cầu này của tôi.

Phải chăng ông đang xác nhận điều chúng tôi đang muốn viết về Haldeman là chính xác? Tôi hỏi lại.

“Không - ông ta đáp - Các anh phải làm việc đó bằng chứng cứ riêng của mình”.

Cái kiểu nói nước đôi lòng vòng này khiến tôi ù tai và làm tôi mệt mỏi.

“Các anh không được sử dụng tôi như là một nguồn tin cho bài báo viết về Haldeman” - Felt nói. Thế nhưng, ông lại cảnh báo chúng tôi nên thận trọng và còn bảo rằng sẽ ráng giúp chúng tôi tránh khỏi rắc rối.

“Chúng tôi đang gặp rắc rối với Haldeman sao ?” - tôi hỏi.

“Tôi sẽ giúp các anh” - Felt đáp mơ hồ.

“Thôi được” - tôi nói. Như thế có nghĩa là ông ta xác nhận nội dung bài báo tôi định viết về Haldeman là chính xác.

YgbWIsyQ.jpgPhóng to
Bìa cuốn Kẻ giấu mặt
Một lần nữa Felt lái sang chuyện khác. Ông ta bảo nếu tôi trông đợi ông ta giúp tôi tránh khỏi một bài báo không chính xác thì đó sẽ là “hiểu sai về tình bạn giữa chúng ta”. Câu nói này của ông ta khiến tôi lo ngại. Sau đó chúng tôi bắt tay nhau và Felt ra về. Nhắc nhở đáng sợ đó của Felt khiến tôi tin chắc rằng Haldeman chính là mục tiêu mà chúng tôi phải nhắm tới và rằng Haldeman chính là một quyền lực khủng khiếp.

Ngày thứ hai 23-10 sau đó, tôi cùng Carl điểm lại toàn bộ cuộc nói chuyện với Felt. Carl cũng lo lắng như tôi: Phải chăng chúng tôi đã có sự xác nhận của Felt rằng lần theo dấu vết Haldeman là đúng? Vừa đúng lại vừa không đúng, tôi nói. Tuy vậy, cả hai chúng tôi cùng hiểu rằng: theo cách nói của cánh phóng viên thời sự như thế có nghĩa là không đúng.

Chúng tôi tới gặp viên thủ quĩ Hug Sloan lần nữa. Sloan, người trước đây từng giúp việc cho Haldeman trong Nhà Trắng dưới thời Nixon, cũng có ý thoái thác khi đề cập tới thượng cấp cũ của mình. Carl hỏi ông ta: “Có gì sai không nếu chúng tôi viết rằng Haldeman là nhân vật thứ năm dính vào vụ Watergate?”. Sloan đáp: “Tôi chỉ có thể nói như thế này thôi: tôi không có ý kiến gì, nếu các anh viết một bài báo như vậy”. Sloan nói thêm rằng ông ta đã kể mọi chuyện cho các hội thẩm phiên tòa xử vụ Watergate, đã trả lời chính xác và đầy đủ tất cả câu hỏi.

Những cuộc nói chuyện cứ “thực thực, giả giả” với một số nguồn tin khác cho chúng tôi nghĩ rằng có vẻ như họ xác nhận nội dung bài báo chúng tôi muốn viết và quyết định đăng nó. Đây là một bài báo khác hẳn so với các bài báo trước. Bài này nêu đích danh Haldeman là nhân vật thứ năm nắm quĩ đen cung cấp tiền bạc thực hiện vụ Watergate cùng các chiến dịch do thám và đe dọa khác. Chúng tôi sử dụng các lời khai của Sloan trước đoàn hội thẩm chứ không trích dẫn bất cứ nguồn tin nặc danh nào, với hi vọng bài báo sẽ có cơ sở vững chắc.

Tựa đề bài báo trên tờ Washington Post ngày 25-10-1972 như sau: “Các khai báo đã cột chặt trợ lý hàng đầu của Nixon với quĩ đen”. Qua bài báo, Sloan không chỉ khẳng định dứt khoát rằng nhân vật thứ năm là Haldeman, mà còn đoan chắc rằng ông ta đã trả lời toàn bộ các câu hỏi của bồi thẩm đoàn.

Thế nhưng, chúng tôi đã phải sớm nhận ra rằng “1 + 1 lại không bằng 2”. Ngay ngày hôm sau, James Stone, luật sư của Sloan, tuyên bố trước ống kính truyền hình: “Thân chủ chúng tôi, ông Sloan, dứt khoát đã không hề ám chỉ đến ngài Haldeman trong những khai báo trước bồi thẩm đoàn”.

Quả là một tai họa khủng khiếp. Sloan quả thật có nói với chúng tôi rằng Haldeman từng nắm quĩ đen, nhưng quí vị hội thẩm chưa bao giờ hỏi ông ta về điều này. Vì thế, hiển nhiên là Sloan chưa hề khai với ban bồi thẩm về chuyện Haldeman và quĩ đen. Tai họa là ở chỗ đó. Carl và tôi đã định nộp đơn xin thôi việc khỏi tờ báo.

(1) Gray L. Patrick (1916-2005): quyền giám đốc FBI trong thời gian bùng nổ vụ bê bối Watergate (1972-1973).

(2) Mitchell John Newton (1913-1988): bộ trưởng tư pháp trong nhiệm kỳ 1 của Nixon sau đó từ chức để đứng đầu ủy ban vận động tái cử của Nixon (CRP). Trong vụ Watergate, ông ta bị kết án 8 năm tù.

(3) Dean John Wesley (1938): cố vấn Nhà Trắng (1970-1973), dính líu sâu vào vụ Watergate và từng được đặt biệt danh “bậc thầy của những mánh khóe che giấu. Bị kết án 1-3 năm tù.

(4) Carl Bernstein: đồng nghiệp của Bob Woodward trong tờ Washington Post, người đã cùng sát cánh công bố vụ Watergate với Bob Woodward.

HẢI PHONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên