![]() |
Khách vào siêu thị mini đi bằng xe miễn phí - Ảnh: V.H.Q. |
Thật khó có thể hình dung về một “thành phố mặt trời” hôm nay: đông vui, sầm uất, nhộn nhịp không khí giao thương...
Những dự án của “tầm nhìn hàng chục năm”
Hai năm về trước, nơi đây là những khu đất mới được cắm cọc, phân lô và lác đác vài chục công nhân đang xây những ngôi nhà phố liên kế. Lúc đó mới chỉ có duy nhất Công ty Phi Long - một công ty kinh doanh địa ốc từ TP.HCM - đi tiên phong bổ nhát cuốc khởi công...
Còn hôm nay, dẫn chúng tôi đi tham quan, ông Dương Thành Vấn - trưởng phòng kế hoạch đầu tư (Ban quản lý - BQL - khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài) - hào hứng nói: “Bây giờ sự thay da đổi thịt phải tính bằng tháng. Mỗi ngày dường như đều có một sự kiện mới, nhất là những chuyện về đầu tư, thương mại”.
Theo trưởng BQL khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài Phan Minh Thành, từ năm 2004 khi Chính phủ bổ sung một số chính sách ưu đãi, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã thật sự bắt đầu chuyển động... Một trong những dự án của “tầm nhìn mười năm, hàng chục năm nữa”, theo cách nói của ông Dương Thành Vấn, chính là Trung tâm thương mại Hiệp Thành (nhà đầu tư đến từ TP.HCM).
Toàn bộ dự án này có tổng diện tích 48 ha, với vốn đầu tư đăng ký khoảng 376 tỉ đồng. Đầu tháng 8-2006, nơi đây đã hình thành một khu nhà liên kế xây theo kiến trúc hiện đại gồm 104 cửa hàng các loại; một khu bán hàng tương tự cũng đang được khẩn trương hoàn tất; một nhà hàng mang tên Hương Việt với 5.000 chỗ ngồi vừa mới khai trương và một siêu thị rộng 8.000m2 chuẩn bị đưa vào phục vụ...
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được thành lập năm 1998, có qui mô 21.283 ha gồm bốn xã của huyện Bến Cầu và ba xã của huyện Trảng Bàng, có đường biên giới tiếp giáp tỉnh Svay Rieng (Vương quốc Campuchia) dài 34 km với một cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và hai cửa khẩu phụ Phước Chỉ và Long Thuận. Theo số liệu của BQL khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, “thành phố mặt trời” hiện đã thu hút được 27 nhà đầu tư đăng ký 38 dự án với tổng vốn đầu tư ban đầu trên 5.414 tỉ đồng. Trong đó, có năm dự án đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, tám dự án về nhà ở, 22 dự án thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ, một nhà máy sản xuất chế biến gỗ có công suất 100.000m3 thành phẩm/năm, một nhà máy luyện cán thép phế liệu công suất 24.000 tấn/năm, đặc biệt có một công ty liên doanh giữa VN với Campuchia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách với 26 đầu xe buýt, hiện đã đưa vào hoạt động hai xe trên hai tuyến Mộc Bài - TP.HCM và Mộc Bài - thị xã Tây Ninh. |
Còn tại trung tâm thương mại sát cửa khẩu, hiện có ba khu vực mua bán hàng hóa khá sầm uất, gồm siêu thị miễn thuế Thế Kỷ Vàng do một Việt kiều Mỹ đầu tư, một siêu thị mini khác của Công ty TNHH Vạn Thạnh ở TP.HCM và chợ đường biên do Tổng công ty Xây dựng & sản xuất vật liệu xây dựng (nay là Công ty TNHH một thành viên xây dựng Bình Minh) làm chủ đầu tư.
BQL khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài cho biết hằng ngày có khoảng 3.000 - 4.000 khách đi “chợ”, trong đó có đến hàng trăm khách là người nước ngoài. Theo ông Dương Thành Vấn, siêu thị miễn thuế Thế Kỷ Vàng mở cửa từ cuối năm 2005, có diện tích hơn 20.000m2, hiện bày bán 30.000 mặt hàng các loại đến từ nhiều nước trên thế giới. Doanh thu bán ra khoảng 20 tỉ đồng/ tháng.
Theo “bật mí” của ông Đặng Hữu Phượng, quản lý nhân sự tại siêu thị, nhân viên ở đây (310 người) có không ít trường hợp đã từng làm nghề vác mướn, cửu vạn tại vùng biên giới, nay được hướng dẫn nghề nghiệp rồi làm nhân viên bán hàng với mức lương 1 triệu đồng/tháng và bữa ăn trưa. Theo ông Vấn, hiện nay mỗi khách chỉ được mua hàng miễn thuế trị giá 500.000 đồng trở xuống.
Bên cạnh các trung tâm thương mại, nhiều công trình nhà ở liên kế hoặc biệt thự cũng đã hình thành. Nhà đầu tư tiên phong, Công ty Phi Long, ngoài việc đưa vào phục vụ hệ thống nhà hàng ẩm thực cũng đang xây dựng một dãy nhà liên kế ngay bên cạnh siêu thị... “Chúng tôi chủ trương phát triển thương mại trước để thu hút lao động, sau đó phát triển đô thị sẽ kéo theo các khu vui chơi, giải trí...” - ông Thành nói.
Để “thành phố mặt trời” thu hút hơn...
Trở lại “thành phố mặt trời”, chúng tôi cũng gặp những điều mà nhiều người còn băn khoăn, lo ngại... Theo BQL, hiện khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chỉ mới thu hút được các nhà đầu tư trong nước, năng lực về vốn không mạnh nhưng phần lớn lại là nhà đầu tư cấp một xây dựng cơ sở hạ tầng để kinh doanh.
Nhiều trường hợp chỉ đăng ký đầu tư xí phần hoặc qui hoạch treo nên có 11 dự án đã bị thu hồi giấy phép đầu tư. Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài thật ra chưa thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài do hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, đặc biệt là mạng lưới giao thông kết nối giữa các khu vực chưa được triển khai vì thiếu vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, lượng hàng hóa bán sang Campuchia còn thấp (doanh số bán ra đạt 233 tỉ đồng, trong đó giá trị hàng hóa bán cho khách Campuchia chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 9%). Điều này, theo ông Thành, là do công tác quảng bá chưa tốt và do phía Campuchia chỉ cho cư dân có chứng minh thư biên giới và người có hộ chiếu mới được vào khu thương mại.
Cũng theo ông Thành, lợi dụng chính sách miễn thuế, nhiều cư dân biên giới quanh khu kinh tế cửa khẩu sử dụng chứng minh nhân dân của mình và mượn của người khác để mua hàng miễn thuế, tiếp tay cho các đầu nậu mua gom hàng hóa. Hàng hóa mua miễn thuế rẻ hơn giá thị trường từ 30% trở lên, riêng rượu, bia có mức chênh lệch cao hơn.
Khoảng 10g30 ngày 8-9, tại cổng vào siêu thị Thế Kỷ Vàng, chúng tôi thấy bên cổng dành cho người ngoài tỉnh chỉ có khoảng 20 khách, nhưng bên dành cho người trong tỉnh có ít nhất 200 khách. “Hầu hết họ là những người chuyên đi mua hàng cho các đầu nậu để được trả công 5.000-10.000 đồng” - ông Vấn cho biết.
Theo ông Phan Minh Thành, do chưa có qui định nào cấm nên chưa thể dẹp được nạn “mua giùm” này. Mặt khác, không ít người trước đây là dân cửu vạn, nghèo khó, nay tụ tập về đây làm “nghề” này nên vấn đề cần phải xem xét, đề ra các biện pháp giải quyết sao cho thấu lý đạt tình...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận