Xen lẫn trong những bận rộn ấy là nỗi niềm thổn thức nhớ hương vị tết quê nhà. Mời bạn đọc theo dõi cuộc chat của Tuổi Trẻ Online với kiều bào và du học sinh Việt Nam tại các nước để cùng sẻ chia những xúc cảm đặc biệt đêm giao thừa của những người con xa xứ.
![]() |
Tiết mục văn nghệ trong bữa tiệc tất niên đón giao thừa của các sinh viên Việt Nam tại Nga - Ảnh: Nguyễn Trọng Yến |
![]() |
Các du học sinh Việt Nam tại Pháp biểu diễn văn nghệ mừng xuân Tân Mão - Ảnh: UEVF |
Vương Vũ Vi, 22 tuổi, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, trường California State University East Bay, Mỹ
![]() |
Vương Vũ Vi, 22 tuổi, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, California State University East Bay, Mỹ - Ảnh: nhân vật cung cấp |
TTO: Xin chào Vương Vũ Vi, bạn đã chuẩn bị đón tết Tân Mão chưa?
- Vương Vũ Vi: Mình đang ở miền Bắc California, nằm ở miền Tây nước Mỹ. Nơi đây có cộng đồng người Việt Nam nên không khí tết ở những khu người Việt rất nhộn nhịp. Song, vì hôm nay là ngày giữa tuần nên mọi người vẫn đi học, đi làm và chờ đến cuối tuần mới đi chợ tết, du xuân. Mình không trang trí tết ở nhà trọ nhưng cũng có bánh chưng, bánh tét, mứt dừa, hột dưa... ở khu chợ tết của người Việt để mừng tết cùng bạn bè
Vì ban ngày ở Mỹ là buổi tối ở Việt Nam nên hôm nay tôi cố gắng dậy thật sớm để lên mạng chat giao thừa với người thân, bạn bè ở Việt Nam. Vì còn đi làm, đi học nên đến cuối tuần này nhóm bạn Việt Nam mới tổ chức buổi tiệc nho nho để cùng đón tết. Đây là lần thứ tư tôi đón tết xa nhà.
TTO: Con gái vốn thường dễ mủi lòng, tết xa nhà đầu tiên bạn có giọt nước mắt nào không?
- Vương Vũ Vi: Năm 2008, tại Mỹ, lần đầu tôi đón tết xa nhà, thấy buồn và bơ vơ lắm nên khóc rất nhiều. Đến năm nay thì cảm xúc khác nhiều với lần đầu tiên, không còn khóc nữa nhưng rất nhớ người thân ở Nha Trang, nhớ không khí nhộn nhịp của những ngày giấp tết, nhớ bữa cơm tất niên của gia đình, nhớ cả lúc mọi người trong nhà cùng đi viếng mộ ông bà tổ tiên đầu năm. Đến sáng mùng 1 tết, mình sẽ gọi điện thoại cho gia đình. Thứ bảy tuần này tôi sẽ đi viếng chùa của người Việt tại vùng này.
TTO: Bạn muốn gửi lời chúc gì đến người thân nhân dịp năm mới?
- Vương Vũ Vi: Xin chúc tất cả mọi người đón một cái tết ấm áp, vui vẻ, có một năm mới vạn sự như ý, nhiều thành công. Với ba mẹ, mình muốn nhắn rằng: "Ba mẹ ơi, chỉ còn một cái tết nữa thôi là con sẽ được về nhà cùng ba mẹ. Tết năm sau, ba mẹ chờ con về ăn tết cùng, ba mẹ nhé!".
TTO: Cảm ơn bạn và chúc bạn một năm mới an lành!
![]() |
Anh Trần Hải Linh (bìa trái) - tiến sĩ ngành công nghệ sinh học, Inha University, Hàn Quốc, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc - và người thân trong phút giao thừa tết Tân Mão - Ảnh: nhân vật cung cấp |
TTO: Xin chào bạn, người Hàn Quốc cũng đón tết Nguyên đán. Bạn có thể vui lòng chia sẻ không khí tết tại nơi bạn ở?
- Trần Hải Linh: Tôi và gia đình hiện ở Incheon, Hàn Quốc. Không khí đón tết ở đây vẫn không có gì quá đặc biệt vì đối với đa số người Hàn thì ngày tết Nguyên đán đơn giản chỉ là ngày về thăm ông bà và gia đình, sau đó là nghỉ ngơi chứ không nhộn nhịp như ở Việt Nam.
Nhưng đặc biệt, tại Hàn Quốc, vào sáng nay, không khí tết rất rõ khi mọi người háo hức và các khu chợ rất đông đúc, nhộn nhịp. Đêm nay, tôi cùng gia đình sắp lễ cúng, đón giao thừa Hàn Quốc rồi sau đó cùng quây quần trò chuyện, xem ti vi tiếp tục đón giao thừa Việt Nam.
Mỗi khi đến giao thừa thì bất cứ người Việt Nam sống xa quê hương đều rất bâng khuâng nhớ về quê nhà. Dù sống ở nước ngoài thì chúng tôi vẫn mong muốn lam những gì tốt nhất để nhớ về ông bà tổ tiên.
TTO: Gia đình bạn làm gì để chào đón năm mới Tân Mão?
- Trần Hải Linh: Chúng tôi chỉ có hai ngày 29 và 30 tết để chuẩn bị đón năm mới. Mọi người cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, cùng đi chợ để mua sắm những thực phẩm Việt Nam hiện đang có ở Hàn Quốc. Sau đó cả nhà cùng chung tay để chuẩn bị cho mâm cúng tất niên và đồ cúng giao thừa, có bánh chưng, xôi, chân giò, nem rán, canh miến... Nói chung cố gắng nhất sao cho giống với phong tục tết cổ truyền ở Việt Nam.
TTO: Nhớ về tết Việt, bạn nhớ hình ảnh nào nhất?
- Trần Hải Linh: Đây là năm thứ hai tôi đón tết tại Hàn Quốc, đón cùng vợ con và bà ngoại của cháu bé. Aicũng muốn được ở quê hương trong thời điểm này. Nhưng nếu xa xứ mà có không khí đón năm mới trong gia đình cùng với mùi hương trầm quyện trong không gian trong thời điểm này thì cũng thấy lòng rất ấm áp dù ngoài trời lạnh đến âm vài độ C.
Tết Việt, tôi nhớ nhất cảnh thời bé thơ được ngồi gói bánh chưng và trông nồi bánh chưng tết cùng ba mẹ và gia đình, nhớ buổi sáng sớm tinh mơ trên chợ hoa bạt ngàn màu sắc. Những năm tới, tôi mong sẽ cho con về quê hương ăn tết để con cảm nhận được tết dân tộc. Bên Hàn Quốc có những ngày lễ tết cộng đồng người Việt Nam thì tôi đều cố gắng đưa cháu đi để cháu có những hình ảnh về ngày tết ý nghĩa của nguồn cội.
TTO: Cảm ơn bạn vì cuộc trò chuyện này! Xin chúc mừng năm mới!
![]() |
Nguyễn Trọng Yến - sinh viên năm 3 trường đại học Bách khoa Tomsk, thành phố Tomsk Liên Bang Nga - trong đêm giao thừa (tức ngày 2-2-2011) tại Nga - Ảnh: nhân vật cung cấp |
TTO: Xin chào bạn Nguyễn Trọng Yến, bạn vui lòng chia sẻ với chúng tôi không khí đón giao thừa của các sinh viên Việt Nam tại Nga?
- Nguyễn Trọng Yến: Xin chào Tuổi Trẻ Online. Nơi chúng tôi đang sống lúc này đang là 22g30, sớm hơn Việt Nam một tiếng. Các du học sinh Việt Nam vừa trải qua một buổi tiệc tất niên rất ấm cúng, vui vẻ. Tiệc có bánh chưng, củ kiệu, hành muối, nem rán, giò hoa, giò thủ do chính anh chị em sinh viên làm.
Đây là lần thứ 4 tôi đón tết xa nhà. Dù không khí ở đây rất nhộn nhịp nhưng tôi nghĩ, mỗi người vẫn đang tha thiết, bồi hồi hướng về gia đình và không khỏi ao ước giờ này được vui vầy bên người thân.
TTO: Ngay lúc này, hình ảnh kỷ niệm nào đang làm bạn khắc khoải nhất?
- Nguyễn Trọng Yến: Quê tôi ở Bắc Ninh, đêm giao thừa, mẹ thường cho tôi 1.000đ lấy may. Tôi nhớ cả cảnh tôi mang lộc về nhà trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Tôi cũng nhớ về người tôi yêu thương và nhận ra rằng chưa có năm nào tôi được cùng em xem pháo hoa ở Việt Nam.
TTO: Bạn vừa nói về phong tục hái lộc, có lẽ đó cũng là nỗi trăn trở của nhiều người khi sau đêm giao thừa, nhiều cây cối tan tành vì người hái lộc. Bạn nghĩ sao về thực tế này?
- Nguyễn Trọng Yến: Tôi nghĩ hái lộc là truyền thống hết sức ý nghĩa của người Việt Nam, gửi gắm ước vọng về năm mới tốt lành. Khi tôi ơ quê, xin được một cành cây nhỏ đã thấy lòng sung sướng.
Không phải cứ cành lá to thì lộc lớn mà điều quan trọng là tấm lòng, là ước mơ của mình. Nếu từ hái lộc mà chuyển sang việc hủy hoại môi trường thì rõ ràng đã làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của việc hái lộc.
![]() |
Niềm vui đón năm mới của du học sinh Việt Nam tại Nga - Ảnh: Nguyễn Trọng Yến |
TTO: Đón tết năm nay, các sinh viên Việt Nam tại thành phố Tomsk đã có những hoạt động gì?
- Nguyễn Trọng Yến: Từ 28, 29 tết, chúng tôi đã gói bánh chưng, làm chả, làm hoa mai bằng giấy. Tối 29 tết, chúng tôi có một chương trình văn hóa văn nghệ mừng xuân mới hết sức hấp dẫn. Hôm nay, 30 tết thì có tiệc và ngay bây giờ thì chúng tôi sẽ cùng đi hát karaoke và đón giao thừa. Chúng tôi còn làm một chương trình radio online tết tại website http://svvn.tpu.ru/.
Trường chúng tôi - đại học Bách khoa Tomsk - nằm ở vùng Seberi lạnh lẽo của Nga (nhiệt độ lúc này khoảng âm 20 độ C) nhưng có thể nói, những người con Việt Nam tại đây rất đoàn kết, có trái tim rất nồng ấm. Tết càng là dịp để những trái tim ấy gần nhau hơn.
Cảm ơn bạn vì cuộc trò chuyện này. Chúc bạn một năm mới an lành!
![]() |
Giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải tại nhà của thân phụ - giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê - trong những ngày cận tết Tân Mão. Năm nay, thêm một cái tết nữa giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải xa quê hương - Ảnh: Trung Uyên |
TTO: Kính chào giáo sư, trong ngày cuối cùng của năm cũ, tại Pháp, giáo sư có đón giao thừa?
- Giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải: Vâng, từ khi tôi rời Việt Nam sang Pháp du học vào năm 1960 đến nay, tôi chưa đón cái tết nào tại Việt Nam. Hôm nay, trời rất lạnh (âm 1 độ C), tôi và vợ cúng ông bà, rồi chờ tới 12 giờ khuya, tôi đi ra khỏi nhà rồi trở vô nhà xông đất lấy hên. Sau đó tôi và vợ chúc tết lẫn nhau rồi uống trà, ăn bánh tét, trái cây.
TTO: Với những hồi ức về tết Việt, giáo sư nhớ nhất và thích nhất điều gì?
- Giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải: Tôinhớ nhứt là được tiền lì xì mới toanh trong bao thơ đỏ.
TTO: Theo giáo sư, đâu là những ý nghĩa tinh thần quan trọng nhất của tết Việt?
- Giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải: Tết Việt là tết mừng đón ông bà, rước ông Táo trở vô nhà sau một tuần đưa ông Táo về trời làm phúc trình với Ngọc hoàng .Tết là dịp để gia đình gặp nhau, bạn bè thăm hỏi và nhắc nhở cho nhớ những lễ nghi phong tục tết từ thời Lạc Long Quân.
TTO: Trong những thời khắc thiêng liêng trước thềm năm mới, giáo sư muốn gửi những thông điệp gì đến những người thân yêu ở Việt Nam?
- Giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải: Tôi thương chúc ba má cùng gia đình em trai ở Việt nam được hưởng một đêm giao thừa vui vẻ hạnh phúc.
Chúc các bạn thân yêu gần xa hiện sinh sống ở Việt Nam một mùa xuân Tân Mão ấm áp, toại nguyện. Chúc tất cả mọi người được sống trong no ấm, vui tươi.
TTO: Trân trọng cảm ơn giáo sư vì cuộc trò chuyện này! Kính chúc giáo sư và gia đình một năm mới an khang thịnh vượng!
Angers đang lạnh âm 2 độ C. Nhớ nhà khủng khiếp. Đã thế, năm nay các anh chị SV cũ không tổ chức được buổi họp mặt cho tụi mình. Mình ở trọ trong một studio, tranh thủ gọi điện thoại về nhà cho ba mẹ và người thân, nhưng chắc chắn lát nữa sẽ lại gọi lại vì không thể chịu nỗi… Online đọc báo Tết, dừng lại ở TTO. Càng đọc càng nhớ. Nhưng hành trình học tập của mình còn dài quá, đăng đẵng sáu năm, sẽ phải cố gắng tối đa thôi… Chúc các anh chị ở báo Tuổi Trẻ năm mới ngày càng phát triển và kết nối sâu hơn, rộng hơn đến tất cả các công dân trẻ của thế giới. |
Võ Hữu Đăng Triết, 27 tuổi, học tiến sĩ ngành khoa học máy tính tại Northeastern University, Boston, Massachusetts, Mỹ.
![]() |
Ảnh: nhân vật cung cấp |
TTO: Xin chào bạn Đăng Triết, đây là năm thứ mấy bạn đón tết xa nhà?
- Võ Hữu Đăng Triết: Tính cả thời gian học tập ở Hungary trước đây và ở Mỹ năm này thì đây là lần thứ 7 tôi đón tết xa nhà. Lúc này đang là buổi sáng ở Mỹ, tôi đang ở trường. Trời thành phố Boston tuyết rơi dày, chỉ khoảng âm 1-2 độ. Với những người xa xứ, cộng thêm nỗi nhớ gia đình thì càng thêm lạnh lẽo.
Cách đây vài hôm, tôi có tham gia một hoạt động đón tết của người Việt tại đây. Không khí vui vẻ nên tôi cũng vơi bớt phần nào nỗi nhớ nhà. Nhưng tất nhiên, không khí ấy vẫn không sao bằng được ở nhà. Còn hôm nay thì bản thân tôi không có hoạt động gì đặc biệt. Sáng mùng 1 tết tôi sẽ gọi điện thoại về Việt Nam chúc tết người thân.
TTO: Nếu ở nhà dịp tết thì bạn sẽ có những hoạt động gì?
- Võ Hữu Đăng Triết: Tôi sẽ dọn dẹp nhà cửa, chở mẹ đi mua đồ. Thay mặt cha mẹ đi chúc tết họ hàng. Nói chung là những bận bịu rất vui vẻ. Được giúp đỡ gia đình, cùng gia đình đón tết ,là trong những dịp này là hạnh phúc.
TTO: Trong số nhiều hoạt động ngày tết, bạn thích nhất hoạt động gì?
- Võ Hữu Đăng Triết: Tôi thích nhất được ở nhà nói chuyện, ăn uống với ông bà cha mẹ, đi ngắm đường hoa Nguyễn Huệ ở trung tâm TP.HCM.
TTO: Bạn có nghĩ tết Việt đang ngày càng "gọn gàng", "hiện đại"hơn?
- -Võ Hữu Đăng Triết: Tết Việt ngày càng "gọn gàng" hơn thì có thể nhưng ý nghĩa thì vẫn không đổi. Khi bé, tôi chưa cảm hết ý nghĩa này nhưng càng trưởng thành, càng đi xa, lại càng thấm thía những giá trị của tết Việt trong lòng mình.
Cuộc sống càng hiện đại thì tết càng có thể bị đổi thay đôi chút, nhưng tôi vẫn mong mọi người nhớ được ý nghĩa quý giá nhất của tết là đoàn tụ, sum vầy.
TTO: Cảm ơn bạn vì cuộc trò chuyện này. Chúc bạn năm mới an lành!
Võ Xuân Hoài - thạc sĩ Kinh tế - tài chính đại Học Paris 1 Pantheon Sorbonne, Pháp, thạc sĩ xây dựng trường Đại học Sư phạm Cachan, Pháp - tổng thư ký hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF)
![]() |
Võ Xuân Hoài - thạc sĩ Kinh tế - Tài chính, đại Học Paris 1 Pantheon Sorbonne, Pháp, tổng thư ký hội sinh viên Việt Nam tại Pháp - Ảnh: nhân vật cung cấp |
TTO: Xin chào bạn, bạn vui lòng cho biết không khí đón tết của các du học sinh Việt Nam tại nơi bạn ở vào lúc này?
- Võ Xuân Hoài: Bây giờ Paris đang khoảng 13g. Tôi đang ở nhà cùng một số bạn trẻ Việt Nam. Một số bạn khác đang đi chợ để mua sắm chuẩn bị tối nay đón giao thừa. Chúng tôi cũng đang dọn nhà và trang trí. Mọi người đang rất háo hức đón chờ giây phút chuyển giao năm cũ và năm mới. Đặc biệt, chúng tôi còn tranh thủ đi chặt một cành đào để trong nhà và dán câu đối ngày tết. Nói chung, chúng tôi cố gắng chuẩn bị một không khí tết như ở Việt Nam. Không khí thực sự không bằng quê nhà được nhưng về tình cảm của mỗi bạn đón tết xa quê thì vẫn vẹn nguyên niềm háo hức.
TTO: Chặt một cành đào? Bạn có thể miêu tả cụ thể hơn?
- Võ Xuân Hoài: Vâng,đào này rất giống đào Việt Nam. Rất nhiều bạn đã chịu khó tìm được những cành đào ưng ý để chưng trong nhà hay tặng bạn bè.
![]() |
Cành đào khá giồng đào Việt Nam mà các du học sinh Việt Nam tại Pháp chưng trong nhà để có không khí tết Việt - Ảnh: Xuân Hoài |
TTO: Vào tối nay, bữa tiệc của các bạn dự định sẽ như thế nào?
- Võ Xuân Hoài: Về mâm cỗ thì cũng có bánh chưng, giò lụa, cơm nếp, dưa hành và một số rau củ mua từ khu chợ châu Á nằm ở trung tâm Paris hay các siêu thị. Bữa tiệc tại nhà tôi sẽ có 8 người cùng tham dự. Sau khi mua sắm đầy đủ chuẩn bị cho bữa tiệc thì chúng tôi dành thời gian gọi điện thoại về Việt Nam chúc tết người thân. Chúng tôi sẽ cùng xem chương trình tết trên Đài Truyền hình Việt Nam. Ngồi bên mâm cỗ, uống rượu vang, chúc mừng nhau. 0g ở Việt Nam là 18g tại Paris. Đây là thời khắc quan trọng với tất cả người con xa xứ. Việc quây quần bên nhau cũng là cách chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ này.
TTO: Đây là lần thứ mấy bạn đón tết xa xứ?
- Võ Xuân Hoài: Đây là lần thứ ba. Nếu so sánh thì có phần đỡ nhớ hương vị tết ở nhà hơn lần đầu. Song, cái háo hức ước mong về quê đón tết cùng mọi người thì vẫn vậy. Tôi nghĩ, dù có quen ăn tết xa xứ đến mấy thì vẫn có ước mong này.
Quê tôi ở Nghệ An. Cái tết tôi nhớ nhất là giây phút thắp hương cho tổ tiên, tục xông đất đầu năm và chúc thọ ông bà, thăm viếng hàng xóm... Những hình ảnh, hoạt động ấy tôi không thể nào quên được. Đặc biệt, tết cũng là dịp cha mẹ tôi kỷ niệm ngày cưới nên chúng tôi thường sum họp cả gia đình để ăn tất niên và chúc mừng cha mẹ.
Tết năm nay, tôi đã gọi điện thoại chúc tết bố mẹ từ hôm qua (29 tết). Đó cũng là cuộc điện thoại mà bố mẹ tôi luôn mong chờ và bảo rằng tết đến mà thiếu mất hai anh em tôi, nhớ lắm.
![]() |
Tết Việt của bạn trẻ ở Pháp với bánh chưng, cành đào có nhiều nét giống đào Việt nam - Ảnh: Xuân Hoài |
TTO: Là một người trẻ có dịp sống, học tập và làm việc tại nước ngoài nhiều năm, anh cảm nhận thế nào về tết Việt?
- Võ Xuân Hoài: Tôi nghĩ tết cổ truyền Việt Nam là tài sản vô giá về tinh thần đối với tất cả người Việt. Đó là điều ai cũng nhớ về, ai cũng mong và ai cũng hồi họp chờ đợi. Tôi yêu tết Việt Nam, và nó như một động lực lớn giúp tôi luôn gần gũi gia đình và người thân. Cứ mỗi độ tết đến xuân về, xa quê, tôi không thể quên được hương vị tết. Song, có một số hoạt động trong ngày tết mà tôi cảm thấy không hay lắm như đánh bài ăn tiền, xem bói, quá lạm dụng phong tục lì xì đầu năm cho con trẻ làm chệch ý nghĩa thật sự của lì xì...
TTO: Cảm ơn bạn vì cuộc trò chuyện này. Chúc bạn một năm mới an lành và thành công!
Người Việt ở Úc đã đón giao thừa năm mới Tân Mão trước Việt Nam 4 giờ, với những hoạt động đón Tết, viếng chùa của các cộng đồng người Việt rôm rả làm nhịp sống nơi này ấm áp hẳn lên (ảnh).
Có lẽ đây là khu vực bà con người Việt định cư ổn định và đón giao thừa Việt Nam sớm nhất. |
Nguyễn Văn Phương, Du học sinh ở Nhật đã có cuộc trò chuyện ngắn với chúng tôi ngay trước thời khắc Giao thừa...
Phương: Mình là Nguyễn Văn Phương, du học sinh ở Nhật.
TTO: Chào Phương. Phương nói một chút về mình đi!
Phương: Mình quê ở Thanh Hóa, đang học xây dựng ở trường Maebashi Institute of Technology. Đây là cái Tết thứ tư mình xa nhà....
TTO: Ồ! Có nhớ nhà không Phương?
Phương: Rất nhớ. Nhớ nhất là bữa cơm gia đình đêm Giao thừa, một truyền thống lâu đời. Ở Nhật, cứ mùa Tết là bọn mình lại cắm đầu cho thi cử. Người Nhật không còn ăn Tết truyền thống nữa.
TTO: Vậy Hội SV Việt Nam ở Nhật không tổ chức đón Tết sao?
Phương: Có chứ, nhưng thi cử túi bụi, coi như bọn mình không có Tết. Buồn nhất là sinh nhật của mình lẽ ra rất rôm rả cuối cùng vẫn gác lại. Mình sinh ngay ngày thành lập Đảng, 3-2, lại rơi vào mồng một Tết, nhưng bận thi rồi...
TTO: Rất cảm ơn Phương về cuộc trò chuyện ngắn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận