20/09/2013 17:41 GMT+7

Trò chơi buồn

LÊ MINH NHỰT (Cà Mau)
LÊ MINH NHỰT (Cà Mau)

AT - Chú Tư Long nói chỗ gốc cây lụa cặp mé ao có con rắn hổ đất bự bằng bắp vế, tối nào cũng bò ra khỏi hang kiếm mồi. Chú Tư còn hù thêm: bộ dạng còi xương cỡ tôi mà léng phéng ra đó vào ban đêm là coi chừng bị nó nuốt trộng. Vừa nói chú vừa dứ dứ cái mỏm tay nhẵn nhụi của mình vô mặt con bé còi xương đang xanh lè vì sợ.

WsbCdkmi.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Thanh

Nhà của chú Tư Long cách nhà tôi chỉ một con mương ranh cạn xìu. Tía của chú Tư thứ Hai, làm nghề bắt mạch hốt thuốc Nam cho bà con láng giềng, nên được người ta gọi là thầy Hai thuốc Nam. Ngôi nhà của thầy Hai là một ngôi nhà bề thế nhứt vùng, nội cái bậc tam cấp không thôi mà cách nay ba bốn năm gì đó muốn bước lên được hàng ba là tôi thở đã không ra hơi, phải réo chú Tư chạy ra để cõng lên. Còn bây giờ cái bậc tam cấp đó tuy có ngắn lại đối với tôi nhưng tôi ít siêng đặt bước lên đó, để chạm mặt ông già khó ưa (tức thầy Hai thuốc Nam), mặt ông thường xuyên cau có và lúc nào cũng cầm trên tay một quyển sách nhàu nhĩ, chi chít những chữ tượng hình ngoằn ngoèo như một bầy rắn nhỏ.

Không bước lên cửa trước nhưng tôi lại rất thích lội tắt ngang con mương ranh, lòn ra sau nhà để chui tọt vô khu vườn của thầy Hai. Một khu vườn toàn bóng cây mát rượi với bạt ngàn mùi hương của đủ loại cây thuốc mà thầy Hai trồng khắp nơi trong vườn. Chú Tư Long có lần giảng giải cho tôi nghe về công dụng của các loại cây thuốc đó, như: hương nhu, tía tô, bạc hà, kinh giới… dùng để giải cảm; rễ cây đinh lăng lâu năm dùng để bồi bổ cơ thể thay cho nhân sâm, hay cối xay, ké đầu ngựa dùng để tiêu độc khử trùng… Tôi nhớ có lần lẻn vào vườn nhổ mấy bụi mạch môn lựa củ lớn để ăn. Thực ra chúng chẳng ngon lành gì, chẳng qua là lúc nào tôi cũng có cảm giác mình cần có thứ gì đó để đưa vào miệng cho đỡ buồn. Lần nào cũng vậy, chỉ lát sau tôi đã nghe tiếng thầy Hai húng hắng ở nhà trên, rồi tiếng cha tôi vang lên: Cái con quỷ nhỏ đâu rồi? Mày lại qua vườn thầy Hai phá nữa phải không?

Sau mỗi lần thầy Hai quay về là trên mông tôi lại thêm vô số những lằn đỏ ngang dọc từ chiếc roi mây mà cha tôi giắt trên vách. Nhiều lần tôi lén rút chiếc roi đáng ghét ấy đem ra chỗ mẹ thường làm cá, rồi lấy dao bằm vụn ra. Nhưng mười lần như một, cứ bằm xong một chiếc roi là quay vô đã thấy cây roi khác nằm ngay chỗ cũ. Bấy giờ tôi quên mất, đằng sau vườn nhà mình có cả một cái kho roi: Đó là đám dây mây mịt mùng chẳng biết mọc hoang từ đời cố lũy nào đến giờ. Đến sức vóc của cha tôi còn phải chịu đầu hàng với nó.

Chú Tư Long không phải con ruột của thầy Hai. Cả cái xóm này ai cũng rành. Bất cứ đứa con nít nào ở xóm này đều thuộc lòng câu chuyện chào đời của chú Tư Long. Tỉ như tôi, tôi có thể hắng giọng, bắt chước bà Thím Chín mà kể vanh vách:

E hèm, số là như vầy… Hình như cuối tháng Chạp năm nẳm thì phải (mà năm nẳm là năm nào thì đố bà Thím Chín nhớ ra nổi), thầy Hai lượm được nó ở trước cửa nhà. Nó nằm trong cái cối quết cốm dẹp. Bàn tay phải bị chuột cống cắn đứt, máu me tùm lum. May mà thầy Hai nhìn thấy chớ nếu không, chuột cắn đứt con cu. Nó không phải tên là Tư Long đâu! Tư Long là tên thằng con trai của thầy Hai cũng trạc cỡ nó. Vợ thầy Hai sanh xong thì cả hai mẹ con đều mất. Nó ở với thầy Hai tới giờ. Cha mẹ của nó hả? Ai biết đâu!

Đại loại câu chuyện về chú Tư Long có những nét chính như vậy. Tùy theo người kể mà câu chuyện có thể tam sao thất bổn, dễ biến thể nhất là bàn tay phải của chú Tư Long. Một đứa con nít khác trong xóm có thể kể như vầy: Khi đạp thuyền tán nghiền thuốc, thầy Hai ngủ gục mà hai chân vẫn cứ đạp theo thói quen. Chú Tư Long lúc đó mới biết bò, chú bò lại gần và thọc tay vô. Phụp một cái! Thành ra cái tay bây giờ.

Rùng rợn hơn, có đứa còn chế ra thêm đoạn sau: Thầy Hai mới lượm cái bàn tay đó đem đi tẩm thuốc. Tính nối lại nhưng không được, mới đem chôn chỗ gốc cây lụa. Về sau, cái bàn tay đó hóa thành con rắn hổ đất. Con rắn hổ này không ăn chuột, không ăn vịt gà mà chỉ thích ăn bàn tay của tụi con nít hay phá phách trèo hái đọt lụa non.

Dù chưa thấy hình thù con rắn ra sao nhưng bao nhiêu đó cũng đủ làm giò cẳng tôi ríu lại khi đi ngang cây lụa. Bàn tay hóa thành rắn hổ, cũng có thể lắm bởi đã từng có chuyện con lươn sống lâu năm hóa thành chồn rồi!

Ngoài chú Tư Long là con nuôi hiện sống với mình, thầy Hai còn có hai người con gái nữa, đã lấy chồng về miệt biển. Ít khi thấy họ về thăm nhà trừ dịp giỗ quải hoặc tết nhứt. Tiếng là ở quê nhưng chẳng bao giờ người ta thấy thầy Hai đặt chân ra tới bờ ruộng của mình. Toàn phó thác cho người nhà, trước kia là bà vợ, sau khi vợ mất thì thầy cho dân trong xóm mướn. Sau này, khi chú Tư Long lớn thì gánh nặng đó lại được đặt lên đôi vai của chú. Chú gánh hơn hai chục công đất ruộng chỉ với một cánh tay còn lành lặn. Còn thầy Hai thì cả cuộc đời của thầy đã gắn liền với cái nghề bắt mạch hốt thuốc Nam rồi, không sao dứt ra được. Mỗi người đều có số phận riêng của mình. Nếu ta chạy trốn thì bằng cách nào đó số phận cũng sẽ cứ tìm đến, buộc chúng ta phải khoác nó lên người - Bà Thím Chín càng lớn tuổi càng đâm ra lẩm cẩm, nhiều lần cứ lặp đi lặp lại cái câu ấy!

Vào mùa khô, khi công việc đồng áng xong xuôi, chú Tư Long cũng rảnh rang được đôi chút. Thời gian này tôi lại có dịp lẽo đẽo theo chú đi câu cá, đặt bẫy chim ở những đìa trảng giữa đồng. Thỉnh thoảng tôi lại được chú cho phép tháp tùng với thanh niên trai tráng trong xóm dậm cù bắt chuột (dĩ nhiên là phải đi sát sau lưng chú để tiện bề giám sát con quỷ nhỏ). Thật khó tưởng tượng đối với những cô bé ở thành thị nếu chúng có dịp tận mắt trông thấy bộ dạng của tôi khi ấy: một cô bé vào trạc tuổi chúng, ngồi nhóm một đống lửa bằng những nhánh cây khô xung quanh trong lúc chờ người lớn tóm được một con chuột cơm mập ú vừa đập đầu chết, quăng về phía nó. Ngay lập tức đôi mắt cô bé sáng rực, nhặt lấy con chuột còn rỏ máu ròng ròng, mổ bụng, xiên cây vào rồi đưa lên đống lửa để nướng. Lát sau, nó lại xé từng miếng thịt chuột nướng đưa vào miệng nhai ngon lành.

Tôi - cô bé chẳng giống cô bé khi ấy có thể chơi được tất cả những trò mà tụi con trai có thể chơi. Còn hơn thế, có những trò mà chỉ mình tôi dám chơi còn tụi nó thì chỉ có cách xanh mặt lè lưỡi thán phục. Một trong những trò mạo hiểm đó là trò chong chóng rắn. Rắn ở quê tôi lúc đó thì đầy rẫy. Chỉ cần mon men theo mấy lùm cây hoặc bờ đìa là thế nào cũng tìm thấy vài con. Với kinh nghiệm học được từ chú Tư, ngay lập tức tôi tóm lấy cái đuôi của con rắn, quay vù vù trên đầu như một chiếc chong chóng và rượt theo tụi nhóc đang ba chân bốn cẳng tháo chạy thoát thân khỏi trò chơi của con quỷ nhỏ. Dĩ nhiên không phải bất cứ loài rắn nào cũng hiền khô, như rắn bông súng chỉ biết gồng mình chịu trận khi tôi tóm được chúng. Con rắn đầu tiên tôi biết nó không hiền là rắn nước. Khi tôi tóm được cái đuôi nó, chưa kịp biến nó thành chiếc chong chóng thì nó đã phập vào tay tôi một phát. Ngay lập tức tôi ngã lăn ra đất, hả họng la làng. Tụi đàn em ùa tới, bốn thằng lớn nhất nắm hai tay hai chân tôi, cứ thế khiêng thẳng vô nhà thầy Hai thuốc Nam. Tôi cứ la làng như thế từ ngoài ruộng đến khi đã nằm trên bộ ván nhà thầy Hai, chỉ đến lúc thầy Hai bảo: Chỉ là dấu răng của rắn nước, không có nọc! Thì tôi mới chịu ngậm miệng lại.

Và dĩ nhiên sau đó, trên mông tôi lại có dịp thêm vô số vệt đỏ ngang dọc của chiếc roi mây.

Nhờ con rắn nước mà tôi chừa hẳn trò chơi chong chóng rắn, nhưng niềm đam mê lớp da mát rượi của lũ rắn và cả trí tò mò về chúng chưa khi nào chìm hẳn trong tôi. Nhất là đối với con rắn hổ đất ở gốc cây lụa mà chú Tư thường đem ra để dọa con quỷ nhỏ. Tôi chỉ ước ao được một lần nhìn thấy nó, nhìn thấy thôi chứ không mong gì được dịp biến nó thành chiếc chong chóng. Tại sao ư? Vì chưa có người lớn nào ở cái xứ này từng nắm được đuôi của con rắn hổ đất lớn bằng bắp vế và quay vù vù trên đầu để tụi con nít như tôi có dịp học hỏi kinh nghiệm.

Mang trong mình niềm ước ao ngày một lớn dần đến khi không thể cưỡng lại được nữa, trời vừa sụp tối, tôi đánh liều mò ra gốc lụa. Mặc kệ những lời dọa dẫm của chú Tư vẫn còn lởn vởn trong tâm trí của mình, mặc kệ cả đêm tối - vốn là thứ đáng sợ nhất đối với mọi đứa trẻ. Ngay khi vừa trông thấy cái tàng đen thẫm của cây lụa thì hai chân tôi đã muốn khuỵu xuống đất. Không phải vì con rắn khổng lồ kia bất thình lình há miệng chực nuốt tôi mà vì dưới gốc lụa tối đen kia, tôi rõ ràng thấy một cái bóng. Chẳng lẽ đêm nay con rắn kia lại hóa thành hồn ma vì biết trước có con quỷ nhỏ dám trái lời người lớn? Tự dưng tôi lại nhớ ra: dưới gốc cây lụa còn có cái mả đất của vợ thầy Hai. Vậy là đêm nay con quỷ nhỏ gặp hên: được thấy cả hồn ma của vợ thầy Hai và sắp sửa là cả con rắn kia nữa! Dù có gan lì cách mấy tôi cũng không thể nào chờ con ma đến nắm tay mình và bảo: Muốn ăn bánh đất thì đi theo tao nè! Cách an toàn duy nhất chính là chạy về nhà thật nhanh, nhưng quái quỷ, đôi chân của tôi nó không còn nghe lời nữa. Thay vì chạy thì tôi lại ngã lăn ra đất, toàn thân không có cách nào cựa quậy được. Chỉ có tai và mũi của tôi vẫn còn tỉnh táo. Đôi tai của tôi nó cho tôi biết: con ma kia đang khóc. Còn mũi thì bảo: có mùi nhang khói xộc vào mũi tôi. Lạ, chỉ có người thắp nhang chứ ma đời nào lại đi thắp nhang? Lát sau, tôi lại nghe con ma nói chuyện với ai đó mà nó kêu bằng má. Tôi chỉ nghe loáng thoáng, không rõ đầu đuôi: Má ơi! Sao con là con ruột của tía mà người ta cứ bảo con là con nuôi... Sao tía không chịu nhận con hả má?....

Tiếng của con ma này tôi nghe quen lắm, nhất thời không tài nào nhớ ra mình đã nghe khi nào. Khi không còn nghe tiếng con ma nữa, tôi mới cục cựa được, bèn lén ngẩng đầu lên nhìn. Phía cây lụa trống trơn, chỉ là một màu đen đậm đặc, leo lét vài chấm đỏ của mấy cây nhang mà con ma cắm lại chỗ ngôi mả của vợ thầy Hai thuốc Nam.

Lúc thầy Hai đã mồ yên mả đẹp được gần nửa năm thì hai người con gái thầy trở về yêu cầu chú Tư Long giao toàn bộ nhà cửa, đất đai ruộng vườn lại cho họ. Chỉ có họ là con ruột mới có đủ quyền thừa kế. Chú Tư Long lẳng lặng thực hiện theo yêu cầu của hai người chị rồi ra ngoài gốc cây lụa cất một cái chòi cho riêng mình. Chú chẳng yêu cầu chia chác gì cả ngoài việc xin được phép mang theo cái tráp đựng đồ nghề của thầy Hai mỗi khi đi khám bệnh ở xa thầy thường đeo lên vai. Dĩ nhiên, yêu cầu chẳng đáng giá đồng nào của chú Tư Long nhanh chóng được hai người chị chấp nhận. Chỉ có một người luôn thắc mắc: chẳng biết trong cái tráp đó chứa thứ gì mà chú Tư nằng nặc phải mang theo cho được trong khi chẳng màng đến những thứ khác có giá trị hơn? Kẻ đó chính là con quỷ nhỏ! Nó dám chắc rằng trong cái tráp đó có thể là cả một gia tài, có khi còn hơn thế, một kho báu khổng lồ mà thầy Hai đã để lại cho người con nuôi. Bằng mọi cách nó phải khám phá cho được cái tráp ấy.

Nhân cơ hội lúc chú Tư Long đi giăng câu, tôi lẻn vào lục tung từng ngõ ngách trong căn chòi và moi cái tráp ra từ trong khạp gạo. Với tất cả sự hồi hộp, háo hức, tôi mở nó ra... để rồi thất vọng. Trong đó chẳng có gì ngoài cái gối con để người bệnh kê tay khi bắt mạch, vài mươi cây kim châm cứu nhọn hoắt và một mảnh giấy đã ngả màu chi chít những chữ. Kho báu không có ở đây. Thầy Hai đã cất ở đâu đó và tờ giấy kia có thể là hướng dẫn cách để tìm nó. Khổ nỗi tôi lại không biết chữ. Chỉ có cách nhờ người khác may ra. Nhưng nhờ ai? Nếu người khác đọc được thì họ sẽ chiếm mất kho báu. Tôi chợt nhớ ra bà Thím Chín - bà Thím Chín già khụ, có muốn đi tìm kho báu trước tôi cũng không còn sức lực đâu để mà đi nữa.

Toàn thân bà Thím Chín bỗng run rẩy khi đọc từng dòng từng chữ trên tờ giấy mà tôi vừa đưa cho. Vừa đọc bà vừa lảm nhảm: Trời ơi, sao ổng sống nổi cho tới giờ mới chịu chết vậy cà! Trời ơi, người đâu mà ác nhơn thất đức thấu trời vậy cà! Bà Thím Chín đọc xong thì cũng hết hơi hết sức, ngã vật xuống bộ ván. Còn tôi - con quỷ nhỏ trót đem mảnh giấy xui xẻo đến cho bà thì chạy vù một cái ra ngoài đường la làng: Bớ người ta, bà Thím Chín bị ma cây lụa nhập!

Sau đó, mảnh giấy xui xẻo được người ta tóm tắt lại như vầy: Đó là bản di chúc, còn hơn thế, nó là một bản sám hối của thầy Hai thuốc Nam để lại cho con ruột của mình là chú Tư Long (thầy Hai gạch đậm chữ con ruột), cùng với toàn bộ tài sản mà thầy có. Chú Tư Long là con ruột của thầy Hai thuốc Nam, vì sao lại trở thành con nuôi? Đoạn sau thầy Hai tự thú rằng: Do ghen tuông vô cớ nên thầy cho rằng cái bào thai trong bụng vợ không phải là của thầy. Cũng vì ghen tuông nên thầy không tận tâm cứu chữa khi vợ sanh, đến nỗi vợ thầy băng huyết đến chết. Chưa hết, ban đầu thầy định đem bỏ chú Tư Long ở đâu đó nhưng như vậy thì không ổn, rủi có ai đó trong xóm lượm được thì trước sau gì cũng lộ nên dàn cảnh cả mẹ cả con đều mất. Sau đó lại giả vờ lượm được đứa khác, coi như ông trời đền bù cho hoàn cảnh bi thương của thầy lúc đó. Rủi thay, khi trở lại lượm đứa nhỏ trời cho thì chẳng biết con gì đã cắn mất một bàn tay của nó. Càng lớn, thấy chú Tư Long càng giống mình nên nỗi ân hận, giày vò của thầy Hai cũng càng lớn lên, cho đến lúc chết. Có lẽ vì thế nên cuối thư thầy cũng chẳng dám xin con mình tha thứ, chỉ xin đừng chôn gần vợ ngoài gốc cây lụa mà hãy đem lên tận miếng đất trũng trên đồng. Vì thầy không xứng đáng nằm kế vợ.

Khi nội dung bức di chúc - sám hối được loan ra khắp đầu trên xóm dưới thì chẳng ai còn nhìn thấy chú Tư Long ở đâu nữa. Người ta đồn rằng chú Tư đã bỏ xứ đi vì bệnh. Thứ bệnh mà từ khi còn trong bụng mẹ chú Tư đã được cha mình phục vào, thay vì thuốc thang tẩm bổ. Hai người chị ruột cũng tất tả ngược xuôi tìm người em trai của mình. Ruộng vườn, đất đai cũng lần hồi về tay chủ mới bởi những chuyến ngược xuôi triền miên kiếm tìm của họ. Chỉ còn lại ngôi nhà từng sực nức mùi cây lá thuốc thang kia giờ đang lần hồi trở nên xiêu vẹo, dây leo cỏ dại đã bắt đầu men tới bậc thềm.

Bà Thím Chín ngó về hướng nhà thầy Hai, phều phào: Cái nhà kia đang chơi trò chơi số phận. Hai người đã chơi xong, còn ba người tiếp tục chơi, chưa biết chừng nào mới kết thúc. Đời thiếu gì chuyện để chơi, khi không lại chọn thứ buồn thúi ruột vậy trời!

Con quỷ nhỏ chẳng thể nào hiểu nổi những lời của bà Thím Chín. Trong đầu nó chỉ nghĩ rằng: Nếu có một trò chơi buồn đến mức thúi ruột như vậy, thì thà đi chơi trò chong chóng rắn còn hơn.

q2mAJZHM.jpgPhóng to

Áo Trắng số 17 ra ngày 15/09/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

LÊ MINH NHỰT (Cà Mau)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên