07/03/2006 15:45 GMT+7

Triển lãm "Tranh thờ Hàng Trống": Sự cộng sinh của tâm linh

Theo Lao Động
Theo Lao Động

Tranh Hàng Trống (Hà Nội) giờ đây gần như đã đi vào "dĩ vãng". Chính vì vậy, 2 phòng trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Mỹ thuật VN những ngày này với nhiều bức tranh dân gian, hiện vật và cả băng hình nữa về những tục lệ cúng bái ở một số dân tộc miền núi phía bắc VN là một "sự kiện" khá thú vị.

VlrwnoBY.jpgPhóng to
Tranh Hàng Trống (Hà Nội) giờ đây gần như đã đi vào "dĩ vãng". Chính vì vậy, 2 phòng trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Mỹ thuật VN những ngày này với nhiều bức tranh dân gian, hiện vật và cả băng hình nữa về những tục lệ cúng bái ở một số dân tộc miền núi phía bắc VN là một "sự kiện" khá thú vị.

Thú vị hơn nữa khi đến với triển lãm, người xem được biết chủ nhân của bộ sưu tập ấy là một cô gái còn khá trẻ: Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1978). Tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ khoa Pháp, đã từng làm marketing cho một tạp chí tiếng nước ngoài, nhưng tình yêu và sự cảm phục các giá trị di sản văn hoá dân tộc đã giúp cô sưu tầm được nhiều hiện vật đặc sắc.

Cùng với Nhung làm nên triển lãm này là Mark.S. Rapoport (người Mỹ, sinh năm 1946) - người đã "xếp" sự nghiệp làm bác sĩ lại cách đây 1 năm để dành toàn tâm toàn ý cho tình yêu của mình đối với di sản văn hoá VN.

Nhung kể: Mới đầu Mark chỉ là đồng nghiệp tại tòa báo và là khách hàng của cô (Nhung đã từng làm chủ của 2 cửa hàng tranh nhỏ ở HN), nhưng sau đó, thấy "gu" sưu tầm của cô trùng với "gu" của mình, Mark đã đưa ra đề nghị hợp tác và thế là một gallery mang tên "54 Traditions" (với ngụ ý truyền thống của 54 dân tộc anh em VN) ra đời tại 30 phố Hàng Bún, Hà Nội.

Tại triển lãm này, hơn 400 bức tranh Hàng Trống với đề tài Đạo giáo và Phật giáo được sưu tầm tại các vùng dân tộc ít người ở các tỉnh miền núi phía bắc - đã được ông Phan Ngọc Khuê, một trong số những người hiểu biết về tranh Hàng Trống cũng như tranh thờ, thẩm định - đều có từ 50 - 200 năm tuổi.

Những bức tranh cầu dài hơn 10m dùng trong các lễ hội: Lễ sắc phong, lễ thuỷ lục đạo tràng; tranh thờ ở trong gia đình của các dân tộc Cao Lan - Sán Chỉ, Dao, Sán Dìu, Tày, Nùng... không những là di sản văn hoá nghệ thuật quý giá của cộng đồng các dân tộc, mà còn thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa văn hoá kinh kỳ với các vùng văn hoá tại các địa bàn xa xôi.

Theo nghiên cứu riêng của Nguyễn Thị Nhung, sự có mặt của tranh Hàng Trống ở những địa bàn này là do phong tục xa xưa, trước những dịp lễ lạt, người ta lại về xuôi để thuê những nghệ nhân Hàng Trống vẽ hoặc mời họ lên vẽ tại địa phương.

Nhung cho biết: Việc cúng tế có thể không còn linh đình như xưa nữa nên những bức tranh cầu hầu như không còn, nhưng với việc thờ cúng trong gia đình, những bức tranh quá cũ, người dân thuê thầy cúng vẽ lại, mô phỏng theo tranh Hàng Trống để thờ cho mới.

Trân trọng, quý mến và có ý thức giữ gìn thôi chưa đủ. Nguyễn Thị Nhung còn đang làm thủ tục chuyển giao gần 200 hiện vật trong cuộc trưng bày "Đi tìm giá trị văn hoá của hiện vật trôi nổi trên thị trường" cho Bảo tàng Dân tộc học VN.

Sau triển lãm này, một số bức tranh cũng được tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật VN và Bảo tàng DTHVN.

Theo Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên