![]() |
Nguyễn Việt và Nguyễn Đức - nạn nhân của chất độc da cam của Mỹ trong chiến tranh VN |
Đó là triển lãm có tên “Silent Spring - Agent Orange Photographs” (tạm dịch: Mùa xuân im lặng - những hình ảnh về chất độc da cam), sẽ được tổ chức tại Trường John Jay thuộc Trường ĐH thành phố New York (CUNY) từ ngày 3 đến 28-10.
Đây là triển lãm đầu tiên của Nakamura trên đất nước phải chịu trách nhiệm về việc đã sử dụng chất độc màu da cam ở VN.
“Những thảm kịch của chất độc này không chỉ dừng lại ở thế hệ chịu ảnh hưởng nó trực tiếp. Chúng vẫn đang tiếp diễn. Tôi muốn đưa sự thật đến với nhiều người mà tôi có thể”, Nakamura nói.
Trong số những bức ảnh được trưng bày tại triển lãm, có bức ảnh một bé trai đang đứng trong một khu rừng đước. Những cây đước này bị khô héo do ảnh hưởng của chất độc da cam, nhánh cây xơ xác. Bức ảnh chụp ở mũi Cà Mau vào năm 1976, một năm sau khi chiến tranh kết thúc. Đứa bé trong bức ảnh giờ đã bước vào tuổi 30.
Bức ảnh chân dung Nguyễn Việt và Nguyễn Đức - cặp song sinh ra đời năm 1981 và là nạn nhân của chất độc da cam - cũng được trưng bày tại triển lãm.
Nakamura bắt đầu chụp ảnh về những hậu quả của chất độc da cam vào năm 1976. Từ năm 1982, ông cũng chụp ảnh các cựu binh Mỹ và con cái họ. Những cựu binh này đã trở về Mỹ nhưng cũng chịu ảnh hưởng của chất độc da cam.
Chính phủ Mỹ đã chi các khoản bồi thường cho binh sĩ mình nhưng người dân VN và những thiệt hại trên đất nước VN trong chiến tranh đã không được ngó ngàng tới.
Nakamura hiện đang lên kế hoạch tổ chức một triển lãm quy mô lớn ở một địa điểm khác trên nước Mỹ trong thời gian tới. Tổng chi phí cho cả hai triển lãm này lên đến nhiều triệu yen.
Tuy nhiên công việc của Nakamura chưa dừng lại ở đó. Ông cũng đang lo lắng về những tác hại có thể xảy ra của đạn dược với uranium bị làm nghèo được quân đội Mỹ sử dụng tại Iraq. Ông sợ những câu chuyện tương tự ở VN sẽ xảy ra trên đất nước Iraq...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận